Thứ Tư, 24/05/2023, 15:01 (GMT+7)
.

Tiền Giang mở rộng kết nối và không gian phát triển du lịch

(ABO) Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành ngày 5-4-2017 về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 11) là một giải pháp lớn nhằm phát triển du lịch Tiền Giang, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là tiền đề rất quan trọng để ngành Du lịch Tiền Giang tiếp tục phát triển.

PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH

Là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VH-TT&DL) Tiền Giang đã thể hiện vai trò là đầu mối trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 11. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 11, du lịch Tiền Giang cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Nhìn một cách tổng thể, kết quả đạt được là hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phát triển ổn định.

Cụ thể, năm 2019 (thời điểm trước khi có dịch bệnh) Tiền Giang đón trên 2,1 triệu lượt khách, đạt hơn 95% chỉ tiêu năm 2020 và hơn 44% chỉ tiêu năm 2030 của Nghị quyết 11; trong đó có trên 850.000 lượt khách quốc tế, đạt hơn 94% chỉ tiêu năm 2020 và gần 43% chỉ tiêu năm 2030 của Nghị quyết 11. Tổng thu từ du lịch 6.600 tỷ đồng, đạt hơn 90% chỉ tiêu năm 2020 và hơn 27% chỉ tiêu năm 2030 của Nghị quyết 11.

a
Du lịch Tiền Giang phát triển ổn định.

Theo Sở VH-TT&DL Tiền Giang, về mục tiêu sắp tới sẽ tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch của tỉnh cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững; phấn đấu đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế thực sự quan trọng của tỉnh, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và có sức cạnh tranh mạnh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện môi trường, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh Tiền Giang.

Về chỉ tiêu, đến năm 2030, Tiền Giang đón trên 3,1 triệu lượt khách, tăng bình quân khoảng 8,1%; trong đó, có khoảng 1,3 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 14,2%. Có khoảng 470 cơ sở lưu trú, với 12.500 phòng. Có ít nhất 41.800 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có khoảng 9.700 lao động trực tiếp.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành; các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch ngày càng tăng về số lượng, nâng dần về chất lượng, tạo nhiều việc làm cho người lao động góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chưa kể, các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm và hình ảnh du lịch Tiền Giang, khai thác các tour du lịch mới, thu hút khách du lịch được tăng cường và thực hiện thường xuyên.

Ngoài ra, hoạt động hợp tác liên kết ngày càng được mở rộng và thiết thực hơn, các doanh nghiệp chủ động kết nối tour, tuyến và mở rộng thị trường du lịch giữa các vùng, miền trong cả nước; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được lãnh đạo các cấp, doanh nghiệp và cộng đồng quan tâm; công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương.

Cùng với việc thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp, quá trình phục hồi ngành du lịch Tiền Giang sau đại dịch Covid-19 đã mang lại kết quả tích cực, hoạt động du lịch Tiền Giang đã trở lại bình thường. Năm 2022, Tiền Giang đón được 884.000 lượt khách, đạt hơn 18% chỉ tiêu năm 2030 của Nghị quyết 11; trong đó có 81.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt 5.200 tỷ đồng, đạt hơn 21% chỉ tiêu năm 2030 của Nghị quyết 11.

Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL Tiền Giang, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Tiền Giang còn có những khó khăn, hạn chế như: Hệ thống hạ tầng, kỹ thuật phục vụ du lịch chưa đồng bộ, còn thiếu các khu vui chơi giải trí quy mô lớn, chất lượng cao; việc mời gọi đầu tư các dự án du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, qua 2 năm dịch bệnh Covid-19 đã tác động trực tiếp đến ngành du lịch Tiền Giang, các chỉ tiêu Nghị quyết 11 đề ra, đến nay chỉ đạt ở mức độ khiêm tốn. Trong khi đó, năm 2023 và những năm tiếp theo dự báo tình hình thế giới, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn. Theo Tổ chức Du lịch thế giới và dự báo của Tổng cục Du lịch, phải mất từ 2,5 - 4 năm để du lịch quốc tế phục hồi bằng với mức của năm 2019.

TẠO BƯỚC ĐỘT PHÁ

Trước nhiều yếu tố tác động, để mục tiêu phát triển du lịch của Tiền Giang phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở VH-TT&DL cũng kiến nghị điều chỉnh mục tiêu, một số chỉ tiêu chủ yếu và đề ra nhiều giải pháp về phát triển du lịch đến năm 2030 của Nghị quyết 11.

Theo Sở VH-TT&DL Tiền Giang, một trong những giải pháp quan trọng là về kết nối và không gian phát triển du lịch theo hướng phát triển các kết nối mới để nâng tầm điểm đến cho du lịch Tiền Giang. Thay vì phụ thuộc vào kết nối với TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang sẽ khai thác các thế mạnh về đường sông, đường biển để phát triển những kết nối du lịch mới để Tiền Giang trở thành cổng kết nối của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với những thị trường du lịch mới, đặc biệt là thị trường du lịch cao cấp.

a
Nỗ lực tìm ra sản phẩm đặc trưng cho du lịch Tiền Giang.

Dựa trên các đặc điểm về sinh thái, kinh tế - xã hội và phù hợp với các định hướng không gian kinh tế của tỉnh, Tiền Giang phân thành 3 không gian phát triển du lịch, gồm: Không gian phía Đông, thị xã Gò Công là hạt nhân và các huyện phía Đông ven biển là huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và huyện Tân Phú Đông. Không gian trung tâm, TP. Mỹ Tho là hạt nhân và phụ cận thuộc huyện Chợ Gạo và huyện Châu Thành (chủ yếu tập trung vào khu vực ven sông Tiền). Không gian phía Tây, thị trấn Cái Bè là hạt nhân và kết nối đến các huyện, thị xã phía Tây tỉnh là thị xã Cai Lậy, huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy và huyện Tân Phước.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch Tiền Giang sẽ chú trọng khai thác các phân khúc thị trường mới, mang lại hiệu quả cao hơn, có trách nhiệm và ý thức môi trường. Các thị trường khách quốc tế ưu tiên khai thác bao gồm: Thị trường khu vực Đông Bắc Á, Bắc Âu, Bắc Mỹ, châu Đại Dương. Quan tâm phát triển các thị trường mới, có tiềm năng là Trung Đông, Nam Âu, Nam Mỹ, Ấn Độ.  

Với thị trường khách du lịch nội địa, tập trung phát triển mạnh thị trường nội vùng; phát triển các thị trường khách đến từ các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, thị trường TP. Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và Đà Nẵng. Nghiên cứu thị trường khách đi du lịch kết hợp với giáo dục truyền thống, tìm hiểu văn hóa, lịch sử và sinh thái; thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cuối tuần gắn với chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tìm hiểu văn hóa lịch sử, trải nghiệm văn hóa dân tộc, tăng cường giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền.

Về sản phẩm, Tiền Giang cũng tính toán phát triển sản phẩm đặc trưng, tạo khác biệt và hình thành thương hiệu địa phương của Tiền Giang để cạnh tranh trên cơ sở khai thác các tiềm năng văn hóa lịch sử, tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch biển. Theo đó, du lịch Tiền Giang dựa vào các trụ cột là: Du lịch văn hóa - lễ hội; du lịch sinh thái là sản phẩm nền tảng phù hợp với xu hướng: xanh - sạch - bền vững và du lịch biển hướng đến các dịch vụ cao cấp, chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng hướng phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện cơ bản cho thành công của các chiến lược kết nối, thị trường và sản phẩm. Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu vực có tiềm năng du lịch; nâng cao khả năng kết nối giao thông tới khu du lịch, điểm du lịch. Thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.  

Tiền Giang cũng sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập và tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch.

NT

.
.
.