Thứ Tư, 28/06/2023, 09:44 (GMT+7)
.
ĐỂ HẠ TẦNG GIAO THÔNG TRỞ THÀNH KHÂU ĐỘT PHÁ

Bài 2: Đến những cung đường "động lực"

BÀI 1: Từ những công trình mang "ý Đảng, lòng dân"

Việc đầu tư những tuyến đường giao thông mang tính “động lực” đã góp phần thúc đẩy, tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

HOÀN THÀNH NHIỀU CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM

Những năm qua, Tiền Giang đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là đầu tư các công trình trọng điểm mang tính kết nối liên vùng nội tỉnh. Nhiều công trình sau khi hoàn thành và được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. So với các địa phương khác trong tỉnh, hệ thống hạ tầng giao thông của huyện Tân Phú Đông còn thiếu và chưa được đầu tư đồng bộ. Tuyến đường “độc đạo” (đường tỉnh 877B) kéo dài từ đầu đến cuối cù lao nhỏ, hẹp chưa được đầu tư đồng bộ, trở thành “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để tháo gỡ “nút thắt” này, tỉnh đã đầu tư mở rộng đường tỉnh 877B theo từng đoạn. Đến nay, tuyến đường này đã được đầu tư mở rộng từ Bến phà Bình Ninh đến ngã ba đường vào Trung tâm Hành chính huyện. Việc đầu tư mở rộng tuyến đường đã tạo điều kiện cho địa phương trong phát triển kinh tế, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi hơn. Ông Nguyễn Văn Hải (xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông) phấn khởi: “Trước đây, việc đi lại khó khăn lắm. Giờ đây, tuyến đường 877B được mở rộng, người dân nơi đây rất mừng. Con em đi học được thuận lợi”.

Cầu Bình Xuân và Dự án Đường tỉnh 873 từ cầu Bình Xuân đến Quốc lộ 50 là một trong những điểm nhấn trong phát triển hạ tầng giao thông  của TX. Gò Công.
Cầu Bình Xuân và Dự án Đường tỉnh 873 từ cầu Bình Xuân đến Quốc lộ 50 là một trong những điểm nhấn trong phát triển hạ tầng giao thông của TX. Gò Công.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng, trước nay, các phương tiện có trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa qua địa bàn huyện còn nhiều hạn chế. Việc giao lưu hàng hóa của người dân cũng bị ảnh hưởng, gây “điểm nghẽn” trong phát triển. Việc tuyến đường 877B được đầu tư mở rộng toàn tuyến sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển. Trước hết là tạo sự kết nối vùng, phục vụ đi lại, sản xuất.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, tiếp nối nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với nguồn lực của Trung ương và địa phương, Tiền Giang tiếp tục triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông quan trọng với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 là 9.206 tỷ đồng, chiếm 38% tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với TX. Gò Công, thời gian qua, địa phương cũng được tỉnh đầu tư nhiều công trình giao thông quan trọng. Trong đó, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Bình Xuân và Dự án Đường tỉnh 873 từ cầu Bình Xuân đến Quốc lộ 50 là một trong những điểm nhấn trong phát triển hạ tầng giao thông của thị xã. 2 công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng được hoàn thành và đưa vào sử dụng đang góp phần hoàn thiện tuyến đường tỉnh 873 và mạng lưới giao thông trong vùng. Đây là điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đô thị khu vực Bắc Quốc lộ 50 của tỉnh Tiền Giang.

Riêng huyện Gò Công Tây, thời gian qua, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Một trong những tuyến đường giao thông mang tính kết nối liên vùng đã được tỉnh đầu tư hoàn thành là đường huyện 18 và đường tránh thị trấn Vĩnh Bình giai đoạn 1. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, đường huyện 18 được đầu tư nhằm mục tiêu phát triển đô thị khu vực xã Đồng Sơn. Đồng thời, kết hợp với định hướng xây dựng cầu bắc qua sông Tra nối với tỉnh Long An để kết nối với khu vực TP. Hồ Chí Minh. Chỉ có như thế, địa phương mới phát triển nhanh được.

Đường huyện 18 được đưa vào sử dụng đã tác động tích cực đến khu vực các xã phía Bắc Quốc lộ 50 của huyện. Các trục đường kết nối với đường huyện 18 đã thúc đẩy sự phát triển liên vùng. Việc vận chuyển hàng hóa, giao thông của người dân được thuận lợi. Cũng theo đồng chí Lê Văn Nê, để phát huy tối đa hiệu quả của 2 tuyến đường “động lực” này, trong thời gian tới, huyện Gò Công Tây sẽ đề xuất tỉnh tiếp tục đầu tư đường tránh thị trấn Vĩnh Bình giai đoạn 2 nhằm kết nối các đô thị Đồng Sơn - Vĩnh Bình - Long Bình.

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN

Với việc tập trung nguồn lực để đầu tư, hệ thống giao thông từ tỉnh đến huyện, xã từng bước được hoàn thiện. Trong đó, các huyện, thị trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuyến đường tỉnh 877B được mở rộng mở ra cơ hội lớn để huyện Tân Phú Đông phát triển.
Tuyến đường tỉnh 877B được mở rộng mở ra cơ hội lớn để huyện Tân Phú Đông phát triển.

Theo Chủ tịch UBND TX. Gò Công Giản Bá Huỳnh, thời gian qua, hệ thống giao thông trên địa bàn thị xã từng bước được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ, có tính kết nối vùng, tạo bộ mặt đô thị ngày càng khang trang. Cụ thể, thời gian qua thị xã đầu tư bằng nhiều nguồn vốn (vốn trung ương, vốn tỉnh, vốn thị xã, vốn xã hội hóa) như: Nâng cấp bê tông nhựa nóng Quốc lộ 50 đoạn từ đường Hồ Biểu Chánh đến chợ Xã Lới; mở mới đường tỉnh 871B xã Tân Trung; đường tỉnh 873; đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Trọng Dân nối dài; nâng cấp đường tỉnh 871, đường tỉnh 862; xây dựng mới cầu Bình Thành, cầu Bình Xuân, cầu Thành Công trên đường tỉnh 873, cầu Xóm Thủ trên đường tỉnh 877, cầu Gòn trên đường huyện 14…

Ngoài tập trung phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, những năm qua, tỉnh Tiền Giang cũng tập trung phát triển GTVT đường thủy. Theo đó, tỉnh đã phối hợp với Bộ GTVT đầu tư hoàn thành nâng cấp kinh Chợ Gạo giai đoạn 1; hiện đang thực hiện giai đoạn 2 của dự án. Tiến độ thi công đã đạt hơn 80% so với toàn dự án, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 8-2023. Tỉnh cũng mời gọi đầu tư và đưa vào hoạt động Cảng Du thuyền Mỹ Tho phục vụ du lịch Việt Nam - Campuchia và các cù lao Tiền Giang - Bến Tre đã tạo điểm nhấn của TP. Mỹ Tho nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung. Ngành GTVT cũng đang tham mưu UBND tỉnh phối hợp với TP. Hồ Chí Minh về đầu tư tuyến phà biển kết nối Vàm Láng với huyện Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh để thuận lại cho việc đi lại, giao thương hàng hóa và phát triển du lịch của 2 địa phương.

Riêng đối với TX. Cai Lậy, thời gian qua, nhiều dự án lớn về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy trên địa bàn thị xã đã và đang được Trung ương, tỉnh đầu tư. Theo Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy Trần Văn Thức, việc tập trung đầu tư đã tạo điều kiện giao thông thuận lợi, kết nối liên huyện với các địa phương trong vùng phía Tây của tỉnh và các tỉnh lận cận. Từ đó góp phần hình thành tuyến hành lang kinh tế với nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng nông sản và thương mại, dịch vụ, tạo động lực cho phát triển đô thị thị xã với các công trình như: Nạo vét, mở rộng tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp; tuyến tránh đường tỉnh 868; nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 874 liên kết huyện Tân Phước và TX. Cai Lậy; đường 874B đến đường tỉnh 864 kết nối TX. Cai Lậy - huyện Cai Lậy; nâng cấp, mở rộng đường huyện 60 kết nối đường tỉnh 868 với đường huyện 875B đi huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè; mở rộng đường tỉnh 868 của TX. Cai Lậy và huyện Cai Lậy; nâng cấp, mở rộng đường huyện 52 (Lộ Dây Thép thành tuyến đường tỉnh 880B) nhằm kết nối TX. Cai Lậy với huyện Châu Thành…

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon, thời gian qua, ngành GTVT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh và phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm như: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50; mở rộng các cầu hẹp trên Quốc lộ 1; hoàn thành tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn TX. Cai Lậy; xây dựng và đưa vào khai thác đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1.

Sở GTVT đã tham mưu lập quy hoạch và đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối liên huyện, kết nối các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Những năm qua, tỉnh cũng đã đầu tư các tuyến đường để phục vụ kết nối giao thông liên vùng như: Đường tỉnh 875 đoạn qua huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè; các tuyến đường tỉnh 861, 863, 869 và các cầu trên tuyến; đường tỉnh 879B từ cầu Gò Cát đến ranh tỉnh Long An; đường tỉnh 871B kết nối cụm công nghiệp Gia Thuận; đường tỉnh 872B kết nối huyện Tân Phú Đông; đường huyện 18 và đường tránh thị trấn Vĩnh Bình phát triển đô thị Vĩnh Bình; đường tỉnh 877B; đường tỉnh 874 kết nối Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc… từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh.

ANH THƯ

(còn tiếp)

.
.
.