Thứ Sáu, 16/06/2023, 08:14 (GMT+7)
.
TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP - LẤY HIỆU QUẢ LÀM THƯỚC ĐO

BÀI 2: Những cơn "địa chấn" của cây ăn trái

BÀI 1: Thay đổi để thích ứng

Công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang với quy mô khá lớn, được triển khai gần nhất bắt đầu từ năm 2017, với nhiều chương trình, dự án và mang lại những hiệu ứng tích cực.

Diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh tạo nên áp lực lớn cho ngành Nông nghiệp.
Diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh tạo nên áp lực lớn cho ngành Nông nghiệp.

Trong tiến trình chuyển động của ngành Nông nghiệp Tiền Giang gần đây, cây ăn trái được xem là một trong những lĩnh vực có bước chuyển mạnh nhất. Thế nhưng, dù diện tích, sản lượng cây ăn trái đều tăng nhưng giá trị và giá trị gia tăng mang lại chưa thật sự như mong đợi.

VƯỢT XA KẾ HOẠCH

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), từ năm 2017, thời điểm triển khai Quyết định 3320 ngày 30-10-2016 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Đầu tư phát triển cây thanh long, cây sầu riêng; Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông; các dự án vùng sản xuất lúa và rau ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, tiến hành lập các dự án chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản.

Theo đó, các quy hoạch, đề án, dự án được ngành Nông nghiệp xây dựng và triển khai dựa trên cơ sở khai thác lợi thế và khả năng cạnh tranh từng vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện các đề án mang tính chiến lược và mang lại những dấu ấn tích cực, thể hiện đậm nét nhất là đối với cây ăn trái thông qua Đề án Đầu tư phát triển cây thanh long, cây sầu riêng; Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông.

Kết quả dễ nhận thấy, thể hiện rõ nét thông qua một số cây trồng chủ lực, tập trung vào thanh long và sầu riêng. Theo Sở NN-PTNT, kết quả thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020 cho thấy, một số cây ăn trái đã vượt xa chỉ tiêu đề ra.

Chẳng hạn, đối với cây thanh long của Tiền Giang hiện đã đạt diện tích hơn 9.690 ha, tăng hơn 4.650 ha so với năm 2016 (tốc độ tăng bình quân 18%/năm). Năng suất bình quân của thanh long tăng nhanh qua các năm, từ 23 tấn/ha năm 2016 lên hơn 33 tấn/ha năm 2020.

Tổng sản lượng thanh long tăng tương ứng với tăng năng suất và diện tích nhưng với tốc độ tăng nhanh hơn từ 116.407 tấn năm 2016 lên 248.621 tấn năm 2020, tốc độ tăng bình quân 24%/năm. Như vậy, thanh long đã vượt 29% về diện tích và 51% về sản lượng so với mục tiêu đến năm 2020.

Nhưng câu chuyện tái cơ cấu của ngành Nông nghiệp, hay nói đúng hơn là trong lĩnh vực cây ăn trái những năm gần đây cần phải nói đến là cây sầu riêng. Bởi, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn Tiền Giang tăng liên tục, đã vượt xa mục tiêu của Đề án Đầu tư phát triển cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và cũng để lại nhiều mối lo hơn.

Con số thống kê từ Sở NN-PTNT cho thấy, diện tích trồng sầu riêng của Tiền Giang tăng khá nhanh, từ 9.111 ha năm 2016 lên 14.510 ha năm 2020, tốc độ tăng bình quân 12%/năm. Năng suất bình quân của sầu riêng cũng tăng qua các năm, từ 24,8 tấn/ha năm 2016 lên 30 tấn/ha năm 2020.

Tổng sản lượng ngày càng tăng, từ 202.300 tấn năm 2016 lên 230.360 tấn năm 2020, tốc độ tăng bình quân 3%/năm, đã vượt 58% về diện tích và 15% về sản lượng so với mục tiêu đến năm 2020 (do năm 2020, Tiền Giang có hơn 3.537 ha sầu riêng bị chết do ảnh hưởng của mặn nên sản lượng thu hoạch giảm, dẫn đến tốc độ tăng trưởng về sản lượng thấp hơn tốc độ tăng trưởng về diện tích).

Tuy nhiên, con số này chưa dừng lại, bởi thống kê đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã có hơn 19.950 ha, diện tích cho thu hoạch 12.492 ha, sản lượng thu hoạch được đạt 355.000 tấn/năm.

NHIỀU MỐI LO

Câu hỏi đang được đặt ra là, vì sao sự chuyển dịch trong ngành Nông nghiệp chỉ được chú ý nhiều trong lĩnh vực trồng trọt, mà cụ thể là đối với cây ăn trái. Điều này cũng dễ dàng được lý giải thông qua hiệu quả kinh tế mang lại đã tạo nên sức hấp dẫn không hề nhỏ.

Phải khẳng định rằng, chính cây ăn trái đã góp phần đổi đời cho rất nhiều hộ nông dân. Điều này đã được khơi nguồn và tạo tiền đề trong nhiều năm trước. Chính sức hấp hẫn của nguồn thu nhập đã thúc đẩy nông dân tập trung chuyển đổi sang một số loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, đã tạo nên phong trào rầm rộ trong thời gian vừa qua.

Đánh giá sơ bộ của Sở NN-PTNT mới thấy rằng, nếu như năm 2013 cây bưởi chỉ mang lại hiệu quả kinh tế khoảng 363 triệu đồng/ha/năm, đã tăng lên 630 triệu đồng. Còn nếu tính trên cây sầu riêng, năm 2013 chỉ đạt 380 triệu đồng/ha/năm, vươn lên hơn 936 triệu đồng.

Hiệu quả mà cây thanh long mang lại cũng khá cao, từ 221 triệu đồng/ha/năm của năm 2013, đến năm 2019 đạt hơn 465 triệu đồng. Điều này góp phần lý giải cho thực tế sản xuất cây ăn trái của Tiền Giang giai đoạn 2013 - 2018 có tốc độ tăng về diện tích là 2,49% và tăng 5,36% về tổng sản lượng…

Đối với 2 loại cây trồng được chú ý nhiều nhất là thanh long và sầu riêng những năm gần đây hiệu quả thu lại cũng có sự biến động lớn. Do chịu tác động mạnh của hạn, mặn, dịch Covid-19 và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên lợi nhuận trung bình 1 ha thanh long năm 2020 chỉ đạt 103 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với năm 2019 (năm 2019 đạt 541 triệu đồng).

Nếu sản xuất nghịch vụ, lợi nhuận gấp 1,7 lần so với sản xuất chính vụ. Trong các năm qua, lợi nhuận thu được từ thanh long ruột đỏ đều tăng do thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao và có xu hướng tăng qua các năm, đây là nguyên nhân chính dẫn đến cơ cấu giống thanh long có sự thay đổi từ 32% thanh long ruột đỏ năm 2016 đến nay đã tăng lên 75%.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, cơ cấu sản xuất nội bộ ngành Nông nghiệp Tiền Giang, từ năm 2016 đến năm 2020, đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản. Cụ thể, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp giảm từ hơn 78% còn xấp xỉ 77%, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,78%/năm; thủy sản tăng từ hơn 21% lên hơn 22%, tốc độ tăng trưởng bình quân 3,94%/năm. Qua đó cho thấy, các chính sách về hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ đã phát huy tác dụng, có hiệu quả. Trong cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp cũng đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất trồng trọt từ hơn 75% xuống còn khoảng 70%, chăn nuôi tăng từ hơn 20% năm lên 24%, dịch vụ nông nghiệp tăng từ hơn 4% lên gần 6%.
 

Tương tự, cây sầu riêng cũng thế. Lợi nhuận trung bình 1 ha sầu riêng năm 2020 đạt hơn 635 triệu đồng/ha, cao gấp gần 12 lần so với lúa, 5,3 lần so với rau màu, 6,1 lần so với thanh long, 1,5 lần so với bưởi da xanh. Trong giai đoạn 2017 - 2020, lợi nhuận bình quân cao nhất mà nhà vườn thu được là hơn 936 triệu đồng/ha vào năm 2018.

Năm 2022 vừa qua, do tác động của nhiều yếu tố nên hiệu quả kinh tế hầu hết các loại cây ăn trái đều thấp hơn so với năm 2021 dẫn đến lợi nhuận của nông dân cũng thấp hơn. Chẳng hạn, thanh long chỉ thu về trên 50 triệu đồng/ha, thấp hơn 8,4 triệu đồng/ha; sầu riêng chỉ đạt hơn 741 triệu đồng/ha, thấp hơn 361 triệu đồng/ha.

Thế nhưng, đến cuối năm 2022 và bước sang năm 2023, sầu riêng lại mang lại cơn “bão” giá, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính đẩy diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh nói riêng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tăng rất nhanh.

Nhìn một cách tổng thể hơn, điểm nổi bật trong thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của Tiền Giang trong thời gian qua là sản xuất nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng; ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất ngày càng được chú trọng; tổ chức lại sản xuất để hình thành các liên kết chuỗi được xem là nhiệm vụ trọng tâm; Cánh đồng lớn được triển khai phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, gắn kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn được đầu tư tương đối đồng bộ.

Tuy nhiên, chính những cơn “địa chấn” liên quan đến sầu riêng, thanh long, dừa... đã để lại bài toán khó cho ngành Nông nghiệp trong bước đường kế tiếp.

ANH PHƯƠNG

(còn tiếp)



 

.
.
.