Thứ Ba, 04/07/2023, 09:01 (GMT+7)
.
NỬA NHIỆM KỲ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XI: TIỀN GIANG NỖ LỰC VƯƠN LÊN

BÀI 1: Lấy lại đà tăng trưởng

Mục tiêu quan trọng của Tiền Giang là trở thành tỉnh phát triển trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2025. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh chắc chắn còn nhiều việc phải làm.

Tiền Giang đã và đang nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể như: Tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, kim ngạch xuất khẩu, tổng thu ngân sách…

VƯỢT KHÓ

Điểm quan trọng trong chặng đường tới là Tiền Giang đã xác định các khâu đột phá và nỗ lực hoàn thành để đi lên cùng với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang gần chạm đến đích năm 2025.
Kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang gần chạm đến đích năm 2025.

Đi vào từng chỉ tiêu cụ thể mới thấy sự nỗ lực của các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của nhiều yếu tố. Chẳng hạn, đối với sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, sau cơn “cuồng phong” của dịch Covid-19, hoạt động của nhiều doanh nghiệp ngừng trệ, đơn hàng đứt gãy, nhưng bằng nỗ lực vượt khó, các doanh nghiệp bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng.

Đề cập về những thách thức đã qua và những chiến lược cho những năm tiếp theo, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Sông Tiền Nguyễn Thị Ánh cho biết, năm 2022 vừa qua so với các năm trước cũng có nhiều khó khăn, nhất là đối với người lao động, lý do chính là các đơn hàng giảm hơn, do tình hình các nước tiêu thụ chậm.

Tuy nhiên, công ty cũng có lợi thế là có mặt lâu năm trên thị trường, xây dựng được thương hiệu, có khách hàng truyền thống nên đơn hàng cũng có thường xuyên. “Để tạo đà cho năm 2023 và những năm tiếp theo, công ty sẽ tập trung vào vùng nuôi, sẵn sàng nguồn nguyên liệu phục vụ cho 2 nhà máy chế biến. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2023, công ty cũng đã có một số đơn hàng nên an tâm sản xuất và hướng đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu”- bà Nguyễn Thị Ánh cho biết.

Cùng lĩnh vực xuất khẩu, Tổng Giám đốc GODACO Nguyễn Văn Đạo phân tích thêm, khi dịch Covid-19 tạm thời lắng xuống, năm 2022 ngành Thủy sản nói chung đã lấy lại đà tăng trưởng đột phá. Việt Nam trở thành 1 trong 3 quốc gia trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới.

Nhìn ở bức tranh tổng thể hơn, ông Nguyễn Văn Đạo cũng phân tích thêm, hoạt động của các công ty hiện nay cũng gặp không ít khó khăn trong nước cũng như ngoài nước, nhưng cũng có những thông tin lạc quan như Trung Quốc bỏ chính sách Zero Covid, đây là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam.

“Thật ra, nhu cầu của thị trường luôn cao hơn khả năng cung ứng của các doanh nghiệp nên các chỉ tiêu đặt ra công ty có khả năng đạt được. Chưa kể năm 2023, công ty dự định đầu tư thêm vùng nuôi khoảng 50 ha, nâng sản lượng lên khoảng 100.000 tấn nguyên liệu/năm, khởi công thêm nhà máy chế biến với công suất 100 tấn nguyên liệu/ngày và tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực. Tổng kim ngạch công ty đặt ra cho kế hoạch 5 năm là 500 triệu USD”- ông Nguyễn Văn Đạo cho biết.

TẬN DỤNG LỢI THẾ

Nhìn trên bức tranh tổng thể, kim ngạch xuất khẩu là một trong những chỉ tiêu cụ thể được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với mức đề ra là 4,5 tỷ USD vào năm 2025.

Thế nhưng, khi bước vào đầu nhiệm kỳ đã chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 trong 2 năm 2020 - 2021, nên tình hình hoạt động của các doanh nghiệp gặp khó dẫn đến kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang giai đoạn này cũng trên đà chậm lại.

Tuy nhiên, thông qua nhiều giải pháp phục hồi, kinh tế Tiền Giang nói chung, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp nói riêng đã dần lấy lại đà hồi phục và có bước tăng trưởng.

Đề cập về vấn đề này, Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang Lưu Văn Phi phân tích thêm, chỉ số sản xuất công nghiệp của Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2022 tăng bình quân 5,5%/năm.
Dự kiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023 tiếp tục duy trì phát triển, tăng 5,5% so với cùng kỳ.

Nhờ đó, hoạt động xuất khẩu có bước phát triển mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đứng thứ 2/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2023 tăng bình quân 10,4%/năm (năm 2021 thực hiện 3,11 tỷ USD, năm 2022 thực hiện 3,87 tỷ USD).
Tất nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp nói chung, về tình hình xuất khẩu nói riêng, không thể lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”.

Một trong những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, theo đồng chí Lưu Văn Phi, tăng cường hoạt động, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế để các doanh nghiệp tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan ngày càng sâu sắc hơn của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.

Bên cạnh đó là cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tích cực vận động doanh nghiệp tham gia hội chợ trong nước, quốc tế nhằm quảng bá, nâng cao thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh mở rộng thị trường góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất theo tín hiệu thị trường, tạo nguồn hàng, xây dựng thương hiệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Theo đồng chí Lưu Văn Phi, năm 2023 xuất khẩu của Tiền Giang sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác, ước kim ngạch xuất khẩu cao hơn năm 2022 nhưng về tốc độ sẽ tăng thấp hơn, ước năm 2023 thực hiện 4,1 tỷ USD. “Về thị trường xuất khẩu, công tác phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Tiền Giang thời gian qua cũng đã đạt được những kết quả tích cực, tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới.

Các doanh nghiệp cũng đã tận dụng tốt lợi thế có được từ cam kết cắt giảm thuế quan của các nước đối tác FTA đối với hàng xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam. Doanh nghiệp Tiền Giang đã xuất khẩu sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA. Đến nay, sản phẩm của Tiền Giang đã xuất khẩu sang hơn 112 quốc gia, vùng lãnh thổ” - đồng chí Lưu Văn Phi cho biết.

Nhìn về những khó khăn, hạn chế, theo đánh giá của đồng chí Lưu Văn Phi, mặc dù thị trường xuất khẩu nông, thủy sản của Tiền Giang đã được mở rộng nhưng nhìn chung xuất khẩu nhóm hàng này vẫn chủ yếu vào một số thị trường lớn.

Chính vì vậy, khi nhu cầu thị trường có sự biến động, xuất khẩu nhóm hàng này cũng gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Chưa kể, xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cụ thể là khối FDI vẫn chiếm trên 70% xuất khẩu. Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng (vì chiến tranh thương mại, vì dịch chuyển chuỗi cung ứng dưới tác động của các FTA trên thế giới...) thì xuất khẩu của Tiền Giang sẽ chịu tác động mạnh hơn.

Mặt khác, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, chưa kéo được nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp may mặc của tỉnh hiện chủ yếu là gia công, do đó nguyên liệu từ vải, nguyên phụ liệu đều nhập khẩu, tỷ lệ hàng nội địa còn thấp.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đạt chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, đối với lĩnh vực xuất khẩu, theo đồng chí Lưu Văn Phi, cần phát triển mạnh các hoạt động xuất, nhập khẩu với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm xuất khẩu hoặc thay thế nhập khẩu; tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của các nhóm sản phẩm có lợi thế, có tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu như hàng công nghiệp nhẹ, thủy sản (tôm, cá tra), trái cây và nông sản.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển các nhóm sản phẩm mặc dù hiện đang chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu xuất khẩu nhưng có giá trị gia tăng lớn hoặc có tốc độ tăng trưởng cao, có tiềm năng trong sản xuất và xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa; giữ vững và phát triển các thị trường truyền thống, đẩy mạnh xuất khẩu tiêu thụ trực tiếp, có dung lượng lớn và ổn định; tích cực phát triển các thị trường mới; tăng cường ứng dụng công nghệ, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất và chế biến nhằm tạo ra những sản phẩm chế biến có chất lượng, thân thiện với môi trường.                                     
                                                                                                                                                          (còn tiếp)

ANH PHƯƠNG

.
.
.