Thứ Năm, 06/07/2023, 09:51 (GMT+7)
.
NỬA NHIỆM KỲ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XI: TIỀN GIANG NỖ LỰC VƯƠN LÊN

BÀI 2: Định hình sản phẩm chủ lực

BÀI 1: Lấy lại đà tăng trưởng

Tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực là một trong những khâu đột phá được Tiền Giang lựa chọn cho chặng đường 2020 - 2025.

Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung tại các vùng động lực của tỉnh, chọn sản phẩm chủ lực để đầu tư phát triển là bước đi quan trọng mà ngành Nông nghiệp Tiền Giang ưu tiên thực hiện trong thời gian qua.

THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN ĐAN XEN

Đánh giá về những điểm thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ nửa nhiệm kỳ của ngành Nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, Chương trình hành động 188 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 10 cùng với thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành tiếp tục là định hướng căn bản để đổi mới tổ chức sản xuất; ứng dụng công nghệ cao; thực hiện chuỗi giá trị trên lúa, cây ăn trái, rau, chăn nuôi và thủy sản; bảo vệ môi trường sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân.

Chưa kể, tình hình hạn, mặn trong 2 năm 2021 - 2022 diễn ra không gay gắt, không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ nông dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa… tiếp tục giúp cho nông, ngư dân ổn định sản xuất.

“Một trong những điểm thuận lợi khác là sầu riêng Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành hàng sầu riêng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc cho xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành hàng này trong thời gian tới” - đồng chí Nguyễn Văn Mẫn cho biết.

Sầu riêng được lựa chọn là một trong những sản phẩm chủ lực, được ưu tiên đầu tư phát triển trong thời gian tới.
Sầu riêng được lựa chọn là một trong những sản phẩm chủ lực, được ưu tiên đầu tư phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong nửa nhiệm kỳ vừa qua cũng có một số khó khăn. Điển hình như năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhất là từ cuối tháng 4-2021 đến tháng 7-2021 dịch bệnh lây lan nhanh, tác động đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội và đã gây khó khăn không ít trong việc thực hiện kế hoạch của ngành Nông nghiệp.

Từ đó, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, giá giảm chủ yếu do thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19; tình hình tiêu thụ một số mặt hàng trái cây xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như: Mít, thanh long... bị ùn ứ tại cửa khẩu trong những tháng đầu năm 2022 làm giá bán các loại trái cây này bị ảnh hưởng.

Chưa kể, giá vật tư nông nghiệp duy trì ở mức cao cùng với giá xăng, dầu tăng cao gây khó khăn cho việc đầu tư sản xuất của nông dân. Ngoài ra, bệnh trên vật nuôi (bệnh dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng trên heo và cúm gia cầm…) vẫn còn xảy ra cùng với bệnh viêm da nổi cục trên bò xuất hiện từ tháng 8-2021 đến nay ảnh hưởng đến thu nhập của người chăn nuôi.

Đan xen với những thuận lợi và khó khăn, nhưng việc tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực theo mục tiêu đã đề ra cũng đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết

Nhìn một cách tổng thể hơn, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn cho biết, giai đoạn cuối năm 2021 - 2023, tăng trưởng kinh tế nông nghiệp dần phục hồi sau năm 2020 - là năm mà ngành Nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn nhất trong hàng chục năm qua và khoảng giữa năm 2021 ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, năm 2021, kinh tế nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 0,68 %, năm 2022 đạt mức tăng trưởng 3,54%; bình quân 2 năm tăng 2,1%/năm; ước năm 2023 đạt mức tăng trưởng 3,5% (kế hoạch 2023 tăng từ 3,5% - 3,8%).

Cơ cấu kinh tế của ngành Nông nghiệp nhìn chung đã có những chuyển dịch đúng hướng, giảm dần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 38,8% năm 2020 giảm còn 37,2% năm 2022. Kinh tế nông nghiệp hiện nay vẫn là nền tảng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang 5 năm 2021 - 2025, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động nhưnh ngành Nông nghiệp Tiền Giang quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu mà Nghị quyết đã đề ra, cụ thể: GRDP khu vực nông, lâm, thủy sản tăng bình quân từ 3% - 3,5% /năm; khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 29,7% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh vào năm 2025; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn đạt 100%; tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2025; đồng thời, đảm bảo các chỉ tiêu về sản xuất phát triển kinh tế của tỉnh.

Một trong những điểm nhấn là ngành Nông nghiệp đã cơ bản xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa lớn. Chẳng hạn, vùng nguyên liệu lúa, hiện trên địa bàn tỉnh có 2 vùng sản xuất tập trung là vùng lúa chất lượng cao ở các huyện phía Tây (Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và TX. Cai Lậy) với diện tích 21 ngàn ha, chiếm gần 40% diện tích trồng lúa của tỉnh và vùng lúa thơm, đặc sản ở các huyện phía Đông (chủ yếu tập trung ở huyện Gò Công Tây và Gò Công Đông) với diện tích 18 ngàn ha, chiếm hơn 32% diện tích trồng lúa của tỉnh.

Hiện nay, vùng Trung tâm của tỉnh Tiền Giang là vùng chuyên canh rau màu lớn nhất tỉnh với diện tích canh tác tập trung hơn 3.500 ha, sản lượng hơn 500 ngàn tấn, chiếm 45% tổng sản lượng rau toàn tỉnh. Chưa kể, vùng nguyên liệu trái cây tập trung ở các huyện, thị phía Tây, dự kiến đến cuối năm 2023, diện tích đạt hơn 82 ngàn ha, tăng 0,84 ngàn ha so với năm 2020; sản lượng ước đạt 1,75 triệu tấn, tăng hơn 230 ngàn tấn so với năm 2020; bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng 0,34% về diện tích và 4,79% về sản lượng.

Đặc biệt, cơ cấu chủng loại cây ăn trái chuyển dần theo hướng tích cực, đã và đang hình thành vùng chuyên canh tập trung với sản lượng lớn, cung cấp cho thị trường như: Vùng sầu riêng với diện tích 17,65 ngàn ha, sản lượng hơn 278 ngàn tấn; vùng thanh long với diện tích 8,9 ngàn ha, sản lượng 260,06 ngàn tấn; vùng bưởi với diện tích 4,73 ngàn ha, sản lượng hơn 86 ngàn tấn....

TẠO ĐẦU RA ỔN ĐỊNH CHO SẢN PHẨM CHỦ LỰC

Sầu riêng là một trong những sản phẩm chủ lực, được chọn ưu tiên phát triển trong thời gian tới. Theo phân tích của Sở Công thương Tiền Giang, với diện tích và sản lượng lớn, nhưng sầu riêng Tiền Giang chủ yếu tiêu thụ sản phẩm dưới dạng trái tươi, bao gồm: Xuất khẩu, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Sản phẩm xuất khẩu chiếm 70% tổng sản lượng sầu riêng trên địa bàn; trong đó, thị trường chính là Trung Quốc (chiếm khoảng 80% tổng sản lượng xuất khẩu).

Xuất khẩu chủ yếu bằng các hình thức tiểu ngạch (hiện chiếm 70% - 80% giá trị xuất khẩu), xuất khẩu chính ngạch còn hạn chế (hiện chỉ chiếm khoảng 20% - 30% giá trị xuất khẩu). Thị trường TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc và ĐBSCL (trong đó có nội tỉnh Tiền Giang) chiếm khoảng 30% tổng sản lượng sản phẩm.

Hình thức tiêu thụ sầu riêng được nông hộ lựa chọn là bán cho thương lái tại vườn theo hình thức “mua đứt bán đoạn” (khoảng 90%) theo từng đợt thu hoạch trên vườn sầu riêng thông qua việc thỏa thuận bằng miệng giữa chủ vườn và thương lái về giá cả theo giá thị trường và theo thời điểm.

Từ đó, tình hình tiêu thụ và giá cả thường không ổn định, phụ thuộc thị trường Trung Quốc và mùa vụ trong năm. Một số hợp tác xã đã có hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp nhưng hiệu quả chưa cao.

Tại thị trường ĐBSCL, ngoài sầu riêng Bến Tre là đối thủ cạnh tranh truyền thống, sầu riêng Tiền Giang hiện đang chịu sự cạnh tranh của sầu riêng các tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Lắk…

Ngoài ra, tại thị trường xuất khẩu, đặc biệt tại Trung Quốc, sầu riêng Tiền Giang đang bị cạnh tranh bởi sầu riêng Thái Lan, Malaysia…

Với lợi nhuận rất cao thu được từ cây sầu riêng, trước áp lực tăng diện tích trồng ồ ạt gần đây, bên cạnh các giải pháp của ngành Nông nghiệp đã và đang thực hiện, về khâu tiêu thụ, ngành Công thương cũng đề xuất nhiều giải pháp.

Theo Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang Lưu Văn Phi, trong thời gian tới ngành Công thương sẽ thiết lập kênh liên lạc (Zalo) với các doanh nghiệp để trao đổi thông tin, tình hình cửa khẩu, các văn bản cấp trên đến doanh nghiệp nhanh và hiệu quả; phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ hội Sầu riêng năm 2024 (dự kiến quý II-2024); phối hợp tham mưu thành lập Hiệp hội Sầu riêng Tiền Giang, có sự quản lý của cơ quan nhà nước; tạo điều kiện để trái sầu riêng thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho người trồng sầu riêng nói riêng và tỉnh nhà nói chung; xúc tiến thương mại thông qua các Hội nghị kết nối và thiết lập hệ thống thông tin theo dõi, đánh giá, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường thâm nhập, phát triển các thị trường nhiều tiềm năng, thị trường mới ngoài thị trường Trung Quốc.

ANH PHƯƠNG

(còn tiếp)

.
.
.