Chủ Nhật, 02/07/2023, 09:35 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển thương mại điện tử

(ABO) Để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp để phát triển thương mại điện tử (TMĐT).

Sàn giao dịch điện tử Tiền Giang mở ra cơ hội kết nối giữa các cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng.
Sàn giao dịch điện tử Tiền Giang mở ra cơ hội kết nối giữa các cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng.

Xác định TMĐT là một trong những loại hình kinh doanh mới và phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay, thời gian qua, UBND tỉnh cũng như các sở, ngành liên quan đã tích cực hỗ trợ, triển khai các giải pháp để thúc đẩy loại hình kinh doanh này.

Các doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh bước đầu cũng đã nhận thấy được lợi ích từ việc phát triển TMĐT nên cũng tích cực tham gia.

Theo Sở Công thương, nhằm hỗ trợ kết nối giữa các cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm của tỉnh, Sở đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành có liên quan xây dựng phần mềm Sàn giao dịch điện tử Tiền Giang.

Sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên quảng bá tại Sàn giao dịch điện tử Tiền Giang.
Sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên quảng bá tại Sàn giao dịch điện tử Tiền Giang.

Từ khi chính thức triển khai hoạt động từ ngày 9-3-2021 đến tháng 5-2023, Sàn giao dịch điện tử Tiền Giang có 259 tài khoản cá nhân đăng ký trên sàn. Trong số tài khoản cá nhân này, có 31 tài khoản DN, hợp tác xã (HTX) được tạo ra.

Hiện tại, trên sàn có tổng cộng 193 sản phẩm được đưa lên để giới thiệu, quảng bá về sản phẩm do từng đơn vị sản xuất, kinh doanh, chủ yếu là hàng thực phẩm, sản phẩm chế biến, sản phẩm OCOP và hàng nông sản.

Trong đó, có 73 sản phẩm do 31 tài khoản DN đăng lên, còn lại là 120 sản phẩm OCOP do tài khoản quản lý đăng lên.

Bên cạnh đó, các đơn vị còn đưa lên sàn khoảng 110 tin, bài trong chuyên mục “Kết nối cung cầu” và 40 tin, bài trong chuyên mục “Tin tức”.

Cũng theo Sở Công thương, nhằm mục tiêu triển khai các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, ngành Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 109/KH-UBND ngày 31-3-2022 về thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2022 và Kế hoạch khung giai đoạn 2022 - 2025.

Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, kinh doanh trên sàn TMĐT cho DN cũng như phát triển nguồn nhân lực TMĐT, Sở Công thương đã phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương, các ngành, đơn vị liên quan đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ về TMĐT cho các cán bộ quản lý nhà nước và DN, HTX trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã đạt một số kết quả bước đầu.

Sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên quảng bá tại Sàn giao dịch điện tử Tiền Giang.
Sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên quảng bá tại Sàn giao dịch điện tử Tiền Giang.

Tuy nhiên, việc phát triển TMĐT hiện nay cũng gặp một số khó khăn. Trước hết là các DN, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia trên Sàn giao dịch diện tử Tiền Giang còn thấp.

Hoạt động của DN tham gia trên sàn giao dịch điện tử vẫn còn hạn chế, chủ yếu là quảng bá, do đơn hàng nhỏ lẻ nên các DN khó cung ứng.

Bên cạnh đó, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin để kinh doanh trên sàn TMĐT của các DN, HTX còn hạn chế nên chưa thực sự quan tâm việc kinh doanh trên sàn TMĐT.

Công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động liên quan đến lĩnh vực TMĐT trên địa bàn tỉnh còn hạn chế do thiếu công cụ và chuyên môn trong kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến TMĐT.

Ngoài ra, nguồn nhân lực quản lý nhà nước lĩnh vực về TMĐT còn ít, không chuyên trách, trình độ chuyên môn chưa sâu nên gặp khó khăn trong quá trình thực hiện công tác quản lý về TMĐT...

Theo Sở Công thương, trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh, ngành Công thương sẽ tiếp tục duy trì và nâng cấp sàn giao dịch TMĐT của tỉnh.

Đồng thời, phối hợp với Viễn thông Tiền Giang nâng cấp sàn giao dịch điện tử để DN, HTX, hộ kinh doanh có thể nhận thông tin đơn đặt hàng nhanh hơn qua tin nhắn điện thoại.

Một trong những giải pháp quan trọng là tổ chức đào tạo, tập huấn về ứng dụng TMĐT cho đội ngũ quản lý, DN, HTX, cơ sở sản xuất nhằm nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc ứng dụng TMĐT trong xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu.

Ngoài ra, Sở Công thương sẽ hỗ trợ DN của tỉnh kết nối với các sàn TMĐT lớn như: Sendo, Voso, Postmart, Tiki, Shopee, Lazada... để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các mặt hàng đặc trưng của tỉnh.

ANH THƯ

.
.
.