Thứ Tư, 09/08/2023, 11:16 (GMT+7)
.
BÀI TOÁN KINH TẾ TUẦN HOÀN - KIẾN TẠO NỀN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

BÀI 2: Bắt kịp với xu thế

BÀI 1: Vấn đề cũ, thách thức mới

Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, nguy cơ ô nhiễm xuyên biên giới, ô nhiễm theo dòng chảy công nghệ lạc hậu, chất thải vào Việt Nam ngày càng lớn. Trước thực trạng trên, nước ta đang đề ra các công cụ hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn từ xa.

TÌM HƯỚNG ĐI MỚI

Theo nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Trường Đại học Cần Thơ, lối tư duy kinh tế truyền thống như trước đây là vận hành nền kinh tế tuyến tính như một dòng chảy, biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên thành các vật liệu và sản phẩm cơ bản rồi bán ra thông qua một loạt những bước tạo thêm giá trị gia tăng, theo xu hướng bán được càng nhiều càng tốt, dẫn tới sự hoang phí khi sử dụng các nguồn tài nguyên trong các thị trường thường đã bão hòa.

Thời gian qua, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi heo ở Tiền Giang xây dựng hầm biogas xử lý chất thải; đồng thời, cung cấp nguồn năng lượng sạch phục vụ lại cho sinh hoạt, sản xuất như đun nấu, thắp sáng, chạy động cơ đốt trong...                                                                                              Ảnh: S.N
Thời gian qua, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi heo ở Tiền Giang xây dựng hầm biogas xử lý chất thải; đồng thời, cung cấp nguồn năng lượng sạch phục vụ lại cho sinh hoạt, sản xuất như đun nấu, thắp sáng, chạy động cơ đốt trong... Ảnh: S.N

Đồng thời, mô hình kinh tế tuyến tính có vòng đời vật chất ngắn, không tái sử dụng, không tái chế dẫn đến sử dụng nguồn tài nguyên kém hiệu quả; tác hại môi trường và sử dụng tài nguyên kém hiệu quả vì chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ ra môi trường, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ và khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Dựa vào thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, TS. Nguyễn Thành Hiếu và các cộng sự tại Viện Cây ăn quả miền Nam khẳng định, ngành trồng trọt Việt Nam có lượng phát thải trong nông nghiệp rất lớn. Tổng lượng phế, phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam năm 2022 ước tính gần 160 triệu tấn, trong đó có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt chiếm 56,2%; 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi, chiếm 38,7%; 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp, chiếm 3,7%; gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản, chiếm 0,6%. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp nước ta thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2 quy đổi, chiếm trên 30% tổng lượng khí nhà kính toàn quốc; trong đó, gần 70% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp đến từ các hoạt động trồng trọt.

Nền nông nghiệp phát triển theo hướng KTTH là quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Mô hình KTTH tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường.

Riêng lĩnh vực trồng trọt chiếm tới gần 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp toàn cầu, trong đó phát thải khí trong trồng lúa nước chủ yếu là phát thải khí metan, chiếm khoảng 12% tổng lượng phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực trồng trọt; tiếp đến là lúa mì 5% và mía 2%. Những con số này cho thấy chất thải từ ngành Nông nghiệp là rất lớn. Đồng thời, nhiều vùng sản xuất trên cả nước đã báo cáo xuất hiện sự suy giảm đa dạng sinh học, suy giảm môi trường do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.

Tại vùng sản xuất lúa ĐBSCL, lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng vượt 6 lần ngưỡng khuyến cáo gây ô nhiễm cho môi trường đất, sông, ao hồ và nguồn nước ngầm. Đối mặt với nguy cơ này, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, cho rằng chúng ta phải cần có chiến lược để xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả - bền vững. Một trong những hợp phần đó là kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong nông nghiệp.

Mô hình này vận hành trong sản xuất nông nghiệp là nông nghiệp không chất thải, không phế phẩm, ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học vào giải quyết triệt để phụ phẩm, biến chất thải thành giá trị hữu ích tái sử dụng trong nông nghiệp. Đồng thời, giúp môi trường tái sinh mạnh hơn trong cơ chế tuần hoàn và tạo ra hệ sinh thái rõ ràng hơn trong nông nghiệp. Trong đó, con người đóng vai trò hỗ trợ tiến trình xảy ra nhanh hơn và vận hành theo trật tự của tự nhiên mang lại hiệu quả kinh tế. Quy mô của KTTH trong nông nghiệp rất đa dạng, từ quy mô hộ gia đình đến trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp, làng, xã, vùng cho đến quy mô toàn quốc.

TẠO TIỀN ĐỀ TIẾP CẬN

Theo đánh giá của Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi, nhìn chung thời gian qua về các mô hình KTTH trên thực tế đã được người dân và doanh nghiệp ứng dụng trên địa bàn tỉnh, mặc dù bản thân họ chưa rõ đó là mô hình KTTH. Mặt khác, có không ít các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn chưa quan tâm và chưa có lộ trình chuyển đổi sang loại mô hình kinh tế này.

Vậy nên, nhằm quyết liệt hơn trong tiến trình chuyển dịch sang mô hình KTTH để hòa vào xu thế chung của thế giới, PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh cho biết, hiện Việt Nam đã đưa ra các mục tiêu phát triển bền vững và đã cam kết quốc tế theo hướng tiếp cận chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “KTTH” cần được xem là một ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo của phát triển đất nước.

Do đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và phát triển kinh tế xanh cần theo hướng “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái, xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường”.

Nhằm thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 7-6-2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 687 về phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam. Theo đó, đồng chí Lưu Văn Phi cho rằng, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để khu vực ĐBSCL nói chung và Tiền Giang nói riêng đẩy mạnh việc triển khai rộng rãi mô hình KTTH, nhằm khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Bên cạnh đó, để khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết quốc tế về mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 3444 về phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 với nhiều mục tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng tưởng GDP ngành Nông nghiệp 2,5% - 3%/năm, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42% và diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 1 triệu ha, tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%, tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%, có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt, tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2% - 3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước…

Trên cơ sở các mục tiêu đặt ra, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn tin tưởng rằng, với ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân cùng với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng sẽ thành công trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng KTTH, góp phần hoàn thành các mục tiêu của thập kỷ phục hồi các hệ sinh thái.

LÊ MINH

(Còn tiếp)

.
.
.