Thứ Sáu, 11/08/2023, 09:19 (GMT+7)
.
BÀI TOÁN KINH TẾ TUẦN HOÀN - KIẾN TẠO NỀN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

BÀI 3: "Bước đệm" khởi sắc

BÀI 1: Vấn đề cũ, thách thức mới

BÀI 2: Bắt kịp với xu thế

Với vị trí địa lý thuận lợi, Tiền Giang có nhiều lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là gắn ngành Nông nghiệp trong triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH).

Các mô hình sơ khai trong chu trình KTTH bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

HƯỚNG TRIỂN KHAI CHUNG

Điển hình như huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có vùng lúa cao sản và chuyên canh cây ăn trái lớn nhất của Tiền Giang. Huyện có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 33.102 ha; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế với trên 53%, còn lại là công nghiệp và xây dựng 26,45% và dịch vụ 20,28%. Từ lâu, huyện Cái Bè nổi tiếng với những cánh đồng lúa bạt ngàn và những vườn cây ăn trái sum sê mùa nào thức nấy mang lại cho nông dân địa phương những nguồn lợi, giá trị kinh tế lớn. Lúa - gạo, xoài, mận, bưởi, cam quýt... là những đặc sản nổi tiếng của vùng đất Cái Bè được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Công ty TNHH Chăn nuôi gia cầm Năm Hưởng (huyện Chợ Gạo) chuyên nuôi gà lấy trứng kết hợp với quy trình  sản xuất phân gà dạng viên, dùng để bón cho cây trồng, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường.
Công ty TNHH Chăn nuôi gia cầm Năm Hưởng (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) chuyên nuôi gà lấy trứng kết hợp với quy trình sản xuất phân gà dạng viên, dùng để bón cho cây trồng, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường.

Theo số liệu tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, đến cuối năm 2022, huyện có trên 8.500 ha trồng lúa canh tác 3 vụ/năm, 3.500 ha rau màu, trên 23.000 ha trồng cây lâu năm; trong đó, có trên 22.400 ha trồng cây ăn trái các loại. Đặc biệt, trong năm 2022, huyện có sản lượng lúa trên 174.000 tấn, gần 65.000 tấn rau màu và trên 471.000 tấn trái cây các loại, đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang hằng năm. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có trên 1.200 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và trên 750 doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu là xay xát và lau bóng gạo. Ngoài ra, huyện còn có các cơ sở cơ khí phục vụ nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm tiêu dùng, may mặc, đan lát, bánh, kẹo...

Thời gian qua, nhiều đề tài, dự án khoa học - công nghệ được triển khai có hiệu quả, góp phần định hình nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao trên địa bàn huyện Cái Bè như: Dự án “Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp nhà màng trong canh tác dưa lưới” tại xã Hậu Mỹ Trinh; Dự án “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025” tại các xã Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B, Hậu Mỹ Trinh; Đề tài “Chứng nhận vườn đầu dòng xoài cát Hòa Lộc” tại xã Hòa Hưng...

Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cái Bè Nguyễn Thanh Nguyệt cho biết, thời gian qua, nhiều mô hình, giải pháp hướng tới sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn bền vững được áp dụng trên địa bản huyện như: Trên 90% mô hình sản xuất lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và sản xuất lúa giống chất lượng cao… đã góp phần tích cực trong việc thay đổi tập quán sản xuất lúa của nông dân, nhất là giảm mật độ gieo sạ và sử dụng cân đối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Việc áp dụng biện pháp cấy vùi phân bón thông qua việc sử dụng phân bón tan chậm và chỉ bón 1 lần trong suốt quá trình canh tác vừa bảo vệ sức khỏe nông dân và thân thiện với môi trường; đồng thời, giúp tiết kiệm bình quân 2 - 3 triệu đồng/ha/vụ từ việc giảm giống, phân, thuốc và giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện đã tổ chức triển khai nhiều chuyên đề cho nông dân hướng đến chăn nuôi sạch, an toàn sinh học và ứng dụng mô hình VietGAP... để sản phẩm đạt tiêu chuẩn, vươn ra thị trường xuất khẩu…

HIỆU QUẢ TỪ “SỨC HÚT”

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi đánh giá, đến nay, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng được một số mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bền vững, tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân tham gia áp dụng và nhân rộng mô hình như “Nuôi gà ác đẻ trứng theo hướng VietGAP”, “Nuôi thỏ sinh sản theo hướng công nghiệp”, “Nuôi heo thịt chuồng sàn theo hướng VietGAP”, “Nuôi dê sữa theo hướng VietGAP gắn với du lịch sinh thái”, “Chăn nuôi gà thịt thả vườn theo hướng hữu cơ”, VAC (vườn - ao - chuồng), tôm - lúa và một số trang trại sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời để giảm chi phí và giúp giảm phát thải khí nhà kính... Đáng chú ý trong đó là mô hình Xử lý chất thải trong chăn nuôi heo bằng hầm biogas làm chất đốt và mô hình Nuôi trùn quế là những minh chứng cho việc tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp thành sản phẩm có ích theo nguyên lý của KTTH.

Phân gà dạng viên.
Phân gà dạng viên.

Trong lĩnh vực trồng trọt, thời gian qua, Tiền Giang đã tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về thu gom, xử lý và tái sử dụng phụ phẩm thông qua quy trình ủ kết hợp với phân chuồng tạo thành phân hữu cơ. Đồng thời ở lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã triển khai, khuyến khích và nhân rộng nhiều mô hình xử lý phân gia cầm tươi, cụ thể là phân gà và phân chim cút, tái tạo thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh. Để phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng KTTH gắn với thị trường xuất khẩu, dựa trên lợi thế đặc hữu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội từng khu vực; kết quả tỉnh đã xây dựng và công nhận 174 sản phẩm OCOP; trong đó, có 95 sản phẩm 4 sao và 79 sản phẩm 3 sao.

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực công nghệ chế biến đã khai thác tối đa phụ, phế phẩm để tạo ra giá trị gia tăng, giúp bảo vệ môi trường như: Chiết xuất các phụ phẩm từ chế biến thủy sản (đầu tôm, vỏ tôm, da, mỡ cá tra...), tận dụng phế phẩm từ quá trình chưng cất tinh dầu sả, bưởi; sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên để tạo ra sản phẩm tiểu thủ công nghiệp (nón bàng, chiếu cói, chổi dừa...) của làng nghề truyền thống. Đến nay, các nguồn phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp của Tiền Giang, với tỷ lệ 100% thân cây bắp, 85% rơm, 31% phụ phẩm trên cây lâu năm và 32% phụ phẩm trên cây rau đã được tận dụng để tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, làm nấm, ủ phân hữu cơ, ủ gốc giữ ẩm... Ngoài ra, một phần cỏ dại cũng được tái sử dụng cho các hoạt động nông nghiệp khác, qua đó giúp gia tăng hiệu quả kinh tế, người dân có thể thu lợi thêm từ 500.000 - 700.000 đồng/ha từ rơm.

CƠ HỘI MỞ RỘNG QUY MÔ

Nhận định về cơ hội mở rộng quy mô phát triển KTTH theo chiến lược dài hơi của Tiền Giang, PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, nếu suy xét mối tương tác về phát triển mô hình KTTH theo cấp độ từ hộ, cộng đồng và doanh nghiệp đến phân vùng sinh thái sản xuất theo tiểu vùng sản xuất, theo huyện và liên huyện, đây là nền tảng quan trọng để mở rộng quy mô nghiên cứu và phát triển các mô hình KTTH cho nông nghiệp của tỉnh, không những trước mắt, mà còn là chiến lược dài hơi trong tương lai.

Điển hình trong số đó phải kể đến là mô hình VAC (vườn - ao - chuồng). thời gian qua, mô hình này được nghiên cứu phát triển tại nhiều địa phương trong cả nước. Trong đó, phương thức mô hình truyền thống này ở cấp độ hộ nông dân là từ đầu ra phế phẩm cây trồng sẽ là thức ăn đầu vào cho chăn nuôi, đầu ra từ chất thải chăn nuôi trở thành phân bón hữu cơ trả lại cho cây trồng. Mô hình truyền thống này từ từ phát triển lên theo cách tiếp cận chuỗi thức ăn dựa vào kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi, thu hồi khí từ chất thải vật nuôi qua dạng hầm biogas.

Còn ở cấp độ cộng đồng và doanh nghiệp, phương thức tương tác mô hình VAC có quy mô hệ thống liên kết giữa các thành phần ở cấp độ cộng đồng và doanh nghiệp. Điển hình là nông dân và hợp tác xã sản xuất thủy sản sẽ bán sản phẩm cá, tôm cho nhà máy chế biến; các phế phẩm thủy sản từ nhà máy chế biến sẽ bán ngược lại cho người nuôi hoặc cho doanh nghiệp khác để sản xuất thức ăn thủy sản hoặc nguyên liệu đầu vào chế biến phân hữu cơ. Một phương thức khác là nhóm doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất lúa bán phụ phẩm rơm rạ cho nhóm hộ chăn nuôi hoặc doanh nghiệp để chế biến thức ăn chăn nuôi, làm giá thể trồng nấm rơm hoặc làm chất liệu sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ…

Việc ứng dụng mô hình KTTH theo quy mô phân vùng sản xuất sẽ mở ra cơ hội cho mỗi tiểu vùng phát triển vùng nguyên liệu cho từng chủng loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và rừng theo quy hoạch; cộng đồng và doanh nghiệp hoạt động theo từng phân vùng sản xuất, liên huyện và chức năng từng huyện thực hiện.

LÊ MINH

(Còn tiếp)

.
.
.