Thứ Tư, 02/08/2023, 09:42 (GMT+7)
.

Cà phê doanh nhân: Kênh kết nối chính quyền và doanh nghiệp thêm gần nhau

Mô hình Cà phê doanh nhân lần đầu được tỉnh Tiền Giang tổ chức. Đây được kỳ vọng sẽ là một kênh kết nối giúp chính quyền và doanh nghiệp (DN) thêm gần nhau.

THÊM MỘT KÊNH KẾT NỐI CHÍNH QUYỀN VÀ DOANH NGHIỆP

Thực tế mô hình Cà phê doanh nhân hay Cà phê DN không phải là mới và đã được nhiều tỉnh, thành tổ chức. Tuy nhiên, với mong muốn tạo thêm cầu nối giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành với DN, sau thời gian chuẩn bị, Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang đã tổ chức mô hình này. Mục tiêu cuối cùng là vì sự phát triển của các DN, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao đổi, thăm hỏi DN tại buổi Cà phê doanh nhân.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao đổi, thăm hỏi DN tại buổi Cà phê doanh nhân.

Với góc độ DN, ông Nguyễn Văn Ửng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nông Thuận Phát (TP. Mỹ Tho) cho rằng, việc tỉnh Tiền Giang tổ chức mô hình Cà phê doanh nhân là hoạt động rất có ý nghĩa. Điều này giúp DN thêm gần gũi với lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ngành.

Với quyết tâm đồng hành cùng DN, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN phát triển. Lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành đã chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc DN của lãnh đạo tỉnh đã có sự chuyển hướng nhằm tạo thêm sự gần gũi. Theo đó, thời gian qua, các buổi gặp gỡ DN được tỉnh tổ chức với quy mô vùng, khu vực và lĩnh vực. Điều này nhằm tạo không gian gặp gỡ gần gũi, cởi mở hơn, giúp các DN thoải mái trình bày các khó khăn, vướng mắc hay bày tỏ ý kiến. Sự chuyển hướng này cho thấy quyết tâm của tỉnh trong việc đồng hành cùng DN, nhằm giúp các DN có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.

Các DN khi có khó khăn gì trong các lĩnh vực về đất đai, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, nguồn vốn… sẽ có điều kiện gặp gỡ trao đổi với lãnh đạo các sở, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn. “Mô hình Cà phê doanh nhân này các tỉnh, thành khác đã tổ chức. Tôi hy vọng lãnh đạo tỉnh và Hiệp hội DN tỉnh có hướng đi riêng cho tỉnh để không trùng lắp với các tỉnh bạn đang làm, nhằm có sự đột phá riêng” - ông Ửng bày tỏ.

Lần đầu tiên tham dự buổi Cà phê doanh nhân, bà Trần Thị Ngọc Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước) cảm nhận được không khí chân tình, ấm áp, cởi mở. Theo bà Dung, đây là một mô hình rất hay, tạo điều kiện cho các DN giao lưu, học hỏi. Trong môi trường này, các DN và lãnh đạo tỉnh có thể rút ngắn khoảng cách, tạo sự cởi mở.

Trong buổi đầu tiên, các DN có thể làm quen với nhau, chia sẻ về hoạt động sản xuất, kinh doanh và sản phẩm của mình. “Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn ủng hộ DN để phát triển kinh tế tỉnh nhà, do đó đã luôn gần gũi rồi. Với việc có thêm những buổi Cà phê doanh nhân như thế này, lãnh đạo tỉnh càng thêm gần gũi, nắm bắt, hỏi thăm tình hình hoạt động của DN. Đây là những động viên rất quý giá đối với DN” - bà Dung phấn khởi nói.

VÀ HƠN THẾ NỮA

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Đức, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang, với vai trò cầu nối giữa chính quyền và DN, Hiệp hội DN tỉnh cho rằng, cần có nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nhân. Bên cạnh những buổi gặp gỡ chính thức theo quy định của luật, mô hình Cà phê doanh nhân là hình thức tích hợp để tạo ra không khí ấm cúng, thân mật giữa chính quyền và DN.

Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành chụp hình lưu niệm cùng các DN.
Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành chụp hình lưu niệm cùng các DN.

Qua tổ chức, Hiệp hội DN tỉnh nhận được sự đánh giá cao của DN. Các DN có thể thoải mái bày tỏ ý kiến của mình, để hiểu rõ nhau hơn. Đây là cơ hội rất tốt để DN tự tin hơn trong phát triển. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng nâng cao được ý thức trách nhiệm của mình. Các sở, ngành hiểu DN hơn thì sẽ mạnh dạn hơn trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Ông Hesagawa Junichi, Tổng Giám đốc Công ty Maruwn Logistics Việt Nam chi nhánh Tiền Giang cho biết, DN hiện có 5 chi nhánh và trụ sở chính tại TP. Hà Nội. Tại Tiền Giang, DN chủ yếu phục vụ các khách hàng tại Khu công nghiệp Long Giang, khách hàng Trung Quốc. DN sẽ sử dụng các dịch vụ của Nhật Bản để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Đến dự buổi Cà phê doanh nhân, DN rất vui và gặp được rất nhiều lãnh đạo sở, ban, ngành. DN hy vọng các buổi cà phê như thế này sẽ được duy trì để gặp được nhiều người hơn, có cơ hội chia sẻ, trao đổi thông tin.

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Đức, mô hình Cà phê doanh nhân không phải là mới. Tuy nhiên, đây là cơ hội để Tiền Giang quảng bá hình ảnh của mình. Bởi tỉnh mong muốn thực hiện tốt các chính sách để thu hút đầu tư, ưu đãi DN. Do đó, nếu làm chương trình này sâu sắc hơn thì đây cũng là điều kiện để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thu hút đầu tư nước ngoài cũng như ngoài tỉnh nói riêng. Đây cũng là hình thức tăng cường kết nối các DN, thu hút đầu tư, góp phần cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Trong thời gian tới, định hướng của Hiệp hội DN tỉnh là sẽ biến mô hình này thành những hội thảo nhỏ để trao đổi một số chủ đề cần thiết cho các DN. Điều này nhằm giới thiệu những định hướng phát triển. Do đó, Hiệp hội DN tỉnh sẽ mời lãnh đạo các tập đoàn lớn tại TP. Hồ Chí Minh, những nơi khác về cùng tham dự để trao đổi kinh nghiệm phát triển DN, kinh tế, mở rộng thêm tầm nhìn cho các doanh nhân tỉnh nhà.

ANH THƯ

.
.
.