Thứ Tư, 06/09/2023, 10:16 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Quản lý mã số vùng trồng, thúc đẩy nông sản xuất khẩu bền vững

Thời gian qua, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được cấp mã số vùng trồng (MSVT) và các cơ sở được cấp mã số cơ sở đóng gói (CSĐG) tiếp tục được mở rộng. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cùng với các ngành liên quan đã tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu của MSVT và mã số CSĐG trên địa bàn tỉnh

MỞ RỘNG DIỆN TÍCH CÓ MSVT

Công tác quản lý MSVT thời gian qua tiếp tục được Sở NN&PTNT quan tâm thực hiện. Cụ thể, trong tháng 3-2022, Sở NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị “Triển khai công tác quản lý MSVT và CSĐG trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” cho Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị, thành. Cùng với đó, Sở NN&PTNT đã thực hiện 102 cuộc tuyên truyền, tập huấn với 3.625 lượt người tham dự. Các buổi tập huấn cung cấp cho các hộ nông dân những nội dung của Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và các yêu cầu về thực hiện MSVT đối với các thị trường xuất khẩu trái cây.

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra tình hình thu mua, sơ chế sầu riêng tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu MSH (huyện Cai Lậy).
Đoàn công tác của tỉnh Tiền Giang kiểm tra tình hình thu mua, sơ chế sầu riêng tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu MSH (huyện Cai Lậy).

Trong đầu năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) đã tổ chức 4 lớp TOT tập huấn cho hơn 200 cán bộ kỹ thuật cấp huyện, xã về thiết lập và giám sát MSVT, mã số CSĐG cũng như các yêu cầu, quy định cụ thể của các nước nhập khẩu đối với từng loại trái cây. Song song đó, Chi cục đã tổ chức 5 lớp tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật về giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 3 cuộc thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp để hỗ trợ nâng cao chất lượng gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng, thanh long, mít trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Tính đến thời điểm hiện tại, MSVT cây ăn trái được cấp và đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 279, diện tích hơn 20.303 ha, gồm: 71 MSVT mít, 78 MSVT thanh long, 32 MSVT xoài, 12 MSVT vú sữa, 5 MSVT dưa hấu, 3 MSVT chôm chôm, 2 MSVT nhãn, 72 MSVT sầu riêng, 4 MSVT bưởi. Trong đó, MSVT được cấp sang thị trường Trung Quốc là 183, diện tích gần 19.151 ha, với 7 chủng loại cây trồng, gồm: Mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chôm chôm, nhãn và sầu riêng. Tiền Giang có 307 mã số CSĐG đã được cấp phục vụ xuất khẩu, cụ thể là thị trường Trung Quốc có 299 mã số, các thị trường khó tính có 8 mã số.

Hiện nay, tỉnh đã tiếp nhận 131 hồ sơ, trong đó vùng trồng có 86 hồ sơ và 45 hồ sơ CSĐG. Tất cả đã gửi báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật và kết quả có 2 hồ sơ vùng trồng (1 hồ sơ/19 ha mít, 1 hồ sơ/33,6 ha thanh long) và 32 CSĐG được phê duyệt mã số; các vùng trồng và CSĐG còn lại đang chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra, phê duyệt mã số.

TĂNG CƯỜNG HƯỚNG DẪN VÀ KIỂM TRA, GIÁM SÁT

Để quản lý chặt chẽ MSVT, mã số CSĐG, Sở NN&PTNT đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành 7 cuộc kiểm tra việc chấp hành quy định về sử dụng và duy trì các điều kiện, yêu cầu của MSVT, mã số CSĐG sầu riêng phục vụ xuất khẩu ở 33/39 CSĐG. Qua kiểm tra, có 3 cơ sở đảm bảo duy trì các điều kiện thiết lập CSĐG; 19 cơ sở có duy trì các điều kiện thiết lập CSĐG nhưng công nhân chưa được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, chưa cập nhật đầy đủ ghi chép canh tác; 11 cơ sở không duy trì các điều kiện thiết lập CSĐG như ban đầu đã đăng ký và được phê duyệt.

Hiện tại, Tiền Giang đang triển khai xây dựng thí điểm phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng sầu riêng tại một số địa phương trồng sầu riêng trọng điểm. Theo đó, phần mềm thể hiện các thông tin của vùng trồng sầu riêng thành bản đồ, làm cơ sở nhân rộng bản đồ hóa toàn bộ vùng trồng sầu riêng và các cây trồng chủ lực của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cáp và quản lý MSVT, mã số CSĐG còn gặp một số khó khăn. Điển hình như Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) hiện có 8 MSVT và đang gửi hồ sơ thêm 5 MSVT mới. Trong quá trình quản lý MSVT, hợp tác xã gặp một số khó khăn nhất định.

Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp Huỳnh Tấn Lộc cho biết, hiện nay có một số diện tích sầu riêng trồng xen một số cây kiểng như cây tùng, khó vận động người dân đốn bỏ, đề nghị Sở NN&PTNT, ngành chức năng liên quan có kiến nghị, giải thích với phía Trung Quốc là các cây kiểng không có sâu hại liên quan đến cây sầu riêng.  Bên cạnh đó, hợp tác xã đang liên kết tiêu thụ với 5 doanh nghiệp sầu riêng, do diện tích của hợp tác xã nhỏ nên phải thuê các kho để đóng gói cho các doanh nghiệp này. Do cơ sở thuê nên khó đăng ký mã CSĐG để có thể đảm bảo khâu đóng gói tiêu thụ sầu riêng cho nông dân và các doanh nghiệp.

Toàn tỉnh hiện có 30 MSVT thanh long với hơn 620 ha (trong ảnh: Công nhân  sơ chế thanh long xuất khẩu tại Hợp tác xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo).
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 30 MSVT thanh long với hơn 620 ha (trong ảnh: Công nhân sơ chế thanh long xuất khẩu tại Hợp tác xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo).

Vấn đề về quản lý giá cả và việc thu mua sản phẩm của các doanh nghiệp cũng là một trong những khó khăn của việc quản lý MSVT hiện nay. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) Nguyễn Văn Thật, ngành Nông nghiệp cần quan tâm về vấn đề giá cả, khi doanh nghiệp phối hợp với hợp tác xã xây dựng MSVT có trường hợp doanh nghiệp khác vào trả giá dẫn đến khó khăn trong khâu tiêu thụ. Bên cạnh đó, xã Tam Bình gặp nhiều khó khăn khi còn nhiều diện tích sầu riêng không nằm trong vùng chuyên canh, đang trồng xen với các trái cây khác nên khó quản lý dịch bệnh.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn, để công tác cấp, quản lý MSVT, mã số CSĐG hiệu quả hơn trong thời gian tới, ngoài các nhiệm vụ để ra theo kế hoạch, các chi cục trực thuộc sở, các ngành và địa phương tiếp tục tập trung hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất đảm bảo đạt hiệu quả cao. Đồng chí giao các chi cục, trung tâm khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp theo dõi, hướng dẫn cho nông dân vùng trồng áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác, các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, đảm bảo quy trình chăm sóc, phù hợp với điều kiện từng địa phương; trong đó, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát thực hiện thu hồi hoặc hủy đối với các vùng trồng và CSĐG không đảm bảo các yêu cầu của MSVT, mã số CSĐG.

CAO THẮNG

.
.
.