.

Nhiều điểm mới của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Cập nhật: 15:57, 22/01/2024 (GMT+7)

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội (QH), với 432 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 87,63%), QH đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được đánh giá sẽ tạo nhiều thuận lợi, gỡ khó cho đối tượng chịu sự tác động.

DỰ ÁN LUẬT LỚN, PHỨC TẠP ĐƯỢC CHUẨN BỊ CÔNG PHU, KỸ LƯỠNG

Trước khi các đại biểu QH bấm nút thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tại Kỳ họp bất thường này, QH dành nhiều thời gian để thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong ngày làm việc đầu tiên (15-1).

Dự án Khu dân cư dọc sông Tiền,  TP. Mỹ Tho.
Dự án Khu dân cư dọc sông Tiền, TP. Mỹ Tho.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) và Chính phủ đã thống nhất các phương án chính sách về 18 vấn đề của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào ngày 18-1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án luật rất khó và phức tạp.

Dự án Luật đã được QH, UBTVQH, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; được trình QH tại 4 kỳ họp, 2 hội nghị đại biểu QH hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp chính thức của UBTVQH (trong đó có 1 phiên cho ý kiến về Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân) và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân.

QH xem xét dự thảo Luật tại Kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt và tất cả ý kiến đại biểu QH đã được tiếp thu, giải trình, không còn đại biểu QH nào phát biểu thêm. Điều đó cho thấy tinh thần cẩn trọng của QH và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều; đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết 18 ngày 16-6-2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.

Việc hoàn thiện các nội dung cụ thể và các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước và thực hiện theo đúng quan điểm đã xác định tại Nghị quyết 27 ngày 9-11-2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đến nay, UBTVQH, Chính phủ và các cơ quan đã thống nhất cao về dự thảo Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
 
TIẾP THU, CHỈNH LÝ NHIỀU NỘI DUNG LỚN

Theo Ủy ban Kinh tế của QH, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được QH thông qua, có nhiều điểm mới, trong đó có 5 nhóm vấn đề mới:

Nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Nhóm này có nhiều quy định, như mở rộng quyền sử dụng đất, tiếp cận đất đai đối với công dân Việt Nam, chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc sửa đổi Luật Đất đai được đánh giá là tạo nhiều điều kiện thuận lợi, gỡ khó cho đối tượng chịu sự tác động (trong ảnh: Dự án Khu dân cư An Hòa, TP. Mỹ Tho).
Việc sửa đổi Luật Đất đai được đánh giá là tạo nhiều điều kiện thuận lợi, gỡ khó cho đối tượng chịu sự tác động (trong ảnh: Dự án Khu dân cư An Hòa, TP. Mỹ Tho).

Nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp, trong đó có nhiều quy định mới, như: Thu hồi đất phục vụ cho hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất, kinh doanh - điều này được thiết kế mới, thể chế hóa đầy đủ Điều 54 của Hiến pháp là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật sự cần thiết; mở rộng quy định liên quan đến cơ chế thỏa thuận về đất, chuyển mục đích sử dụng đất, người đang có đất; mở rộng quỹ đất; quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; nguồn lực đất đai cho xây dựng nhà ở xã hội...

Nhóm vấn đề thứ ba liên quan đến quy định nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Trong đó, có quy định về đất sử dụng kết hợp đa mục đích; giới hạn, thu hẹp trường hợp phải xin phép; vấn đề nhận chuyển đổi đất nông nghiệp để tăng cơ hội tích tụ sản xuất quy mô lớn; vấn đề nhận chuyển nhượng đất trồng lúa với người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp...

Nhóm vấn đề thứ tư, liên quan tài chính đất đai đã tách bạch vấn đề về định giá đất; chính sách hỗ trợ miễn, giảm về đất; một số chính sách ổn định tiền thuê đất như là một hoạt động đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhóm vấn đề thứ năm, quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với sử dụng đất đai; trong đó, điểm đáng chú ý là cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, ví dụ vấn đề liên quan đến nhận chuyển nhượng dự án bất động sản, gia hạn đất nông nghiệp.

Ngoài ra, một trong những điểm mới quan trọng trong Luật Đất đai (sửa đổi) là nâng cao chất lượng và cơ chế về thông tin dữ liệu đất đai để mọi người dân tiếp cận dễ dàng, đầy đủ hơn, phục vụ đời sống, sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế của QH cho thấy, về bảng giá đất (Điều 159), theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, bảng giá đất được quy định 5 năm một lần và phải điều chỉnh, bổ sung đối với trường hợp có biến động về giá đất thị trường.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường hợp thực hiện điều chỉnh bảng giá đất trong quá trình áp dụng, dẫn đến bảng giá đất không phản ánh đúng giá đất thực tế trên thị trường. Thể chế hóa Nghị quyết 18 ngày 16-6-2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và trên cơ sở thống nhất giữa các cơ quan, dự thảo Luật quy định ban hành bảng giá đất hằng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất.

Dự thảo Luật cũng quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1-1 của năm tiếp theo hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm bảng giá đất sẽ được cập nhật phù hợp với thực tế.

Về thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở, tại điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 127 Luật Đất đai vừa được QH thông qua quy định: Được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở; được sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với đất ở hoặc đất ở và đất khác.

Trường hợp cần thiết, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền để trình QH xem xét ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác quy định của Luật.

Ngoài ra, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định cụ thể việc cấp “sổ đỏ” cho đất không giấy tờ mà không vi phạm pháp luật về đất đai; Quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội; Các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá đấu thầu; Giảm đầu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất…

Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Riêng Điều 190 và Điều 248 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2024…

H.T

.
.
.