Để duy trì tăng trưởng xuất khẩu sầu riêng bền vững
Sầu riêng đang được xem là cây ăn trái phát triển “nóng” ở Việt Nam sau sự kiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc vào ngày 11-7-2022.
Ngay sau đó không lâu, hàng trăm tấn sầu riêng vận chuyển đến thị trường Trung Quốc và không ngừng gia tăng trong năm 2023 cũng như trong 2 tháng đầu năm 2024. Trong niềm vui chung đó cũng có những trăn trở nhất định là làm sao để duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững ngành hàng này.
ĐỘT PHÁ VỀ XUẤT KHẨU
Sầu riêng được xem là loại cây trồng có những thăng trầm rất lớn trong quá trình phát triển thị trường do nhiều yếu tố tác động. Thời kỳ trước năm 2022, xuất khẩu sầu riêng còn hạn chế, phần lớn phục vụ thị trường trong nước, trong khi đó ngay cả trên sân nhà sầu riêng Việt Nam cũng chịu sự lấn lướt bởi sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan, do vậy giá sầu riêng của Việt Nam thấp.
Biểu đồ kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam giai đoạn 2018 - 2023. Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Bộ Công thương. |
Năm 2022 khởi đầu cho sự tăng trưởng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 421 triệu USD, năm 2023 đã đột phá tăng trưởng rất “nóng” với kim ngạch 2,241 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt cao đã góp phần vào tăng trưởng chung của ngành rau quả (tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước năm 2023 đã đạt 5,6 tỷ USD, sầu riêng chiếm đến 40%). Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, đây cũng là thị trường xuất khẩu sầu riêng chủ lực của Việt Nam.
Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2023 Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng tươi, sản lượng hơn 543 ngàn tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 508% về lượng và tăng 658% về trị giá so với năm 2022. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu sầu riêng tươi của Việt Nam, đạt hơn 523 ngàn tấn, trị giá 2,03 tỷ USD, chiếm hơn 96% tổng lượng và 96,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
DIỆN TÍCH TRỒNG VƯỢT ĐỊNH HƯỚNG
Diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh trong những năm gần đây. Nếu như năm 2016, cả nước chỉ có 33,4 ngàn ha thì năm 2022 đã hơn 112 ngàn ha, cao gấp 3,4 lần diện tích của 6 năm trước đó. Trong năm 2023, diện tích trồng sầu riêng tiếp tục được mở rộng và đạt khoảng 127 ngàn ha.
Ảnh: MINH THÀNH |
Như vậy, không phải đợi đến tháng 7-2022 khi Trung Quốc cho phép sầu riêng của Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này, mà trước đó cây sầu riêng cũng đã được nhiều nhà vườn ở Tây Nguyên, Tây Nam bộ và một số tỉnh ở Đông Nam bộ quan tâm đầu tư.
Xuất khẩu tăng, giá sầu riêng cải thiện, không ít nhà vườn ở miền Tây Nam bộ bán được giá sầu riêng trên 150 ngàn đồng/kg tại vườn, điều này đã và đang tạo thu nhập tốt cho nông dân. Giá sầu riêng hiện khá hấp dẫn và có lợi cho nhà vườn, theo đó lợi nhuận trong sản xuất sầu riêng cũng đạt cao hơn nhiều loại cây trồng khác.
Đây cũng chính là đòn bẩy kích thích nhà vườn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đốn bỏ những cây ăn trái khác hiệu quả thấp hoặc chuyển đổi ruộng lúa sang trồng sầu riêng. Trong 2 năm gần đây, nhiều địa phương tăng tốc mở rộng diện tích trồng sầu riêng, cả nước hiện đã vượt so với định hướng đặt ra khoảng 50 ngàn ha sầu riêng (Đề án Phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025 và 2030 theo Quyết định số 4085 ngày 27-10-2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng phát triển sầu riêng đến năm 2030 khoảng 65.000 - 75.000 ha). Đây là điều khiến nhiều người lo ngại vấn đề cung - cầu và giá cả sầu riêng sẽ diễn biến phức tạp.
VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM
Duy trì sự tăng trưởng về thị trường nói chung và xuất khẩu nói riêng cho ngành hàng sầu riêng là vấn đề đặt ra cho nhà quản lý cũng như giới thương mại. Khi thị trường biến động, xuất khẩu gặp trục trặc sẽ tác động tiêu cực đến nhiều đối tượng, nhất là nông dân trồng sầu riêng.
Ảnh: MINH THÀNH. |
Chính vì vậy, cần phải quan tâm đến tất cả các khâu của chuỗi cung ứng sầu riêng, trong đó khâu sản xuất sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thị trường về quy cách sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, trước và sau thu hoạch; thực hiện tốt khâu truy xuất nguồn gốc, có mã vùng trồng, mã nhà đóng gói… là giải pháp căn cơ để tạo lòng tin lâu dài và góp phần vào việc duy trì thị trường xuất khẩu sầu riêng lâu bền.
Nhu cầu thị trường Trung Quốc đối với trái sầu riêng còn có xu hướng tăng, song sắp tới đây việc cạnh tranh giữa sầu riêng sản xuất từ các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Campuchia, Lào… với sầu riêng của Việt Nam sẽ trở nên gay gắt hơn. Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc và các yêu cầu trong Nghị định thư.
Nhà vườn và doanh nghiệp cần sát cánh bên nhau, liên kết chặt chẽ và cùng nhau thực hiện các hoạt động, các khâu công việc theo quy trình sản xuất sầu riêng đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và truy xuất nguồn gốc. Nếu trái sầu riêng của Việt Nam không chú trọng cải thiện về chất lượng, mẫu mã và đáp ứng các yêu cầu của thị trường Trung Quốc thì sẽ tự làm khó cho mình, sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường này.
Ngoài thị trường Trung Quốc, các nước khác cũng có nhu cầu nhập khẩu sầu riêng, tùy thuộc vào từng thị trường có khác nhau về số lượng và hàng rào kỹ thuật. Một số thị trường có yêu cầu kỹ thuật cao như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU… sẽ là thách thức lớn cho sầu riêng khi nhập khẩu vào các thị trường này.
Nhà vườn trồng sầu riêng cần tuân thủ vùng trồng được khuyến cáo, không nên mở rộng diện tích tại các vùng không đáp ứng điều kiện đất đai, tưới tiêu nước, thời tiết khí hậu…. Vùng ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt nếu không có biện pháp khắc phục thì không nên trồng sầu riêng vì sẽ đạt hiệu quả thấp, thậm chí thua lỗ.
Các địa phương cần xây dựng kế hoạch phát triển cây sầu riêng theo hướng hình thành vùng tập trung, có đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến và thương mại sầu riêng. Đồng thời, tăng cường sản xuất sầu riêng trái vụ là giải pháp quan trọng để chiếm lĩnh thị trường trong các tháng từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm; bởi lẽ đây là thời gian khá khan hiếm sản lượng sầu riêng thu hoạch và cung ứng cho thị trường của nhiều nước trên thế giới.
Ngay tại Việt Nam, cũng chỉ có vùng Đồng bằng sông Cửu Long là có lợi thế hơn cả so với các vùng trồng còn lại trong sản xuất sầu riêng trái vụ. Hoàn thiện quy trình sản xuất sầu riêng trái vụ cho các tiểu vùng trồng, vẫn đảm bảo năng suất, duy trì tuổi thọ cho cây sầu riêng và an toàn thực phẩm là vấn đề cốt lõi trong sản xuất sầu riêng trái vụ.
Về lâu dài, sầu riêng Việt Nam cần đa dạng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu đi nhiều thị trường sẽ làm giảm áp lực cho thị trường Trung Quốc, vốn là thị trường không ổn định cho nhiều loại trái cây trong những năm qua. Đa dạng sản phẩm sầu riêng bao gồm sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh, sầu riêng sấy, bột sầu riêng… là hướng đi cần quan tâm để các sản phẩm sầu riêng của Việt Nam có thể tiếp cận và xâm nhập nhiều thị trường trên thế giới.
Cùng với đó là tăng cường chế biến sầu riêng nhằm giảm áp lực cho sầu riêng tươi khi rộ mùa, nhất là vào các tháng chính vụ. Cho dù xuất khẩu sầu riêng tươi hay chế biến thì điều kiện cần là phải quản lý được chất lượng trái sầu riêng, đây là bài học của các nhà cung cấp trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng trong việc giữ được uy tín trong xuất khẩu.
Việc tăng cường khâu liên kết giữa nông dân trồng sầu riêng thành các tổ chức nông dân như hợp tác xã…; đồng thời, xây dựng kết nối bền chặt giữa các tổ chức nông dân với doanh nghiệp, để từ đó hình thành các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, có uy tín trong xuất khẩu.
Điều này đang đặt ra cho ngành hàng sầu riêng cần phải quản lý chặt chẽ tất cả các khâu của chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn, việc làm không hề đơn giãn và không thể chủ quan cho các đối tượng tham gia chuỗi giá trị sầu riêng.
TS. ĐOÀN HỮU TIẾN