Thứ Tư, 02/04/2025, 08:41 (GMT+7)
.

Tín hiệu tích cực từ doanh nghiệp

Trong những tháng đầu năm 2025, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khởi sắc. Một số DN đang chuẩn bị tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Xác định công tác thu hút đầu tư, phát triển DN là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện. Môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện đã thúc đẩy các DN trong và ngoài nước đến tỉnh để đầu tư. Nhiều “ông lớn” đã lựa chọn Tiền Giang là điểm đến đầu tư và thu về những “trái ngọt”. Do đó, các DN tiếp tục mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Những tháng đầu năm, tình hình đơn hàng của các DN trong KCN Long Giang ổn định.
Những tháng đầu năm, tình hình đơn hàng của các DN trong KCN Long Giang ổn định.

Công ty TNHH Want Want Việt Nam - Tập đoàn Want Want là một DN đa quốc gia. Qua quá trình khảo sát chuyên sâu ở nhiều nước, Tập đoàn Want Want quyết định chọn Khu công nghiệp (KCN) Long Giang (huyện Tân Phước) làm nơi để xây dựng và đầu tư nhà máy đầu tiên ở nước ngoài. Tập đoàn thành lập Nhà máy sản xuất Want Want Việt Nam với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD trên diện tích 75.000 m2. Các sản phẩm chính là bánh gạo, đồ uống, sản phẩm từ kem, sản phẩm ăn vặt…

Ông Thẩm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Want Want Việt Nam cho biết, giai đoạn 1 của công ty đã hoàn thành và đi vào sản xuất. Hiện nay, ngoài việc bán hàng và sản xuất tại Việt Nam, sản phẩm của DN đang dần nhận được các đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu và Hoa Kỳ. 

Năng suất nhà máy đang dần được tăng lên. Công ty tin tưởng vào thị trường Việt Nam và tiếp tục đầu tư 30 triệu USD để bổ sung cho dây chuyền sản xuất đồ uống, bánh gạo kẹo và sẽ đưa vào vận hành trong năm nay. Ước tính giá trị sản lượng năm 2025 có thể đạt 40 triệu USD, tăng 60% so với năm 2024.

Theo bà Trần Thị Ngọc Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát Triển KCN Long Giang, trong những tháng đầu năm 2025, các DN trong KCN Long Giang phát triển sản xuất, kinh doanh khá ổn định. Hiện nay, tình hình đơn hàng của các DN rất ổn định. Đặc biệt, KCN thu hút được khoảng 28.000 lao động. Các DN đang tiếp tục mở rộng đầu tư. Đó là những tín hiệu khả quan trong những tháng đầu năm 2025 này. 

Trong năm 2025, các DN trong KCN Long Giang mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền tỉnh Tiền Giang để có thể phát triển sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Cụ thể, các DN mong muốn tỉnh hỗ trợ các chính sách, thủ tục đầu tư, cơ sở hạ tầng…

Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam (KCN Long Giang) chuyên sản xuất giày da. DN có mặt tại tỉnh Tiền Giang từ năm 2015, với tổng vốn đầu tư khoảng 77 triệu USD, tổng số lao động hiện nay là 9.000 người. 

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam, những năm qua, Tiền Giang có những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, nâng cấp hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh. 

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng, DN đã có điều kiện thuận lợi để hoạt động ổn định, mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Bước vào giai đoạn 2025 - 2030, DN tiếp tục đầu tư và mở rộng hoạt động tại Tiền Giang. Theo đó, DN sẽ mở rộng quy mô, nâng cao hiệu suất sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm và tạo thêm nhiều việc làm.

Cụ thể, DN sẽ tăng quy mô sản xuất thêm khoảng 300.000 đôi giày/năm. Song song đó, DN sẽ đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là hệ thống điện mặt trời, nhằm tối ưu hóa chi phí điện và hướng đến phát triển bền vững. Một trong những định hướng quan trọng là tăng cường đào tạo và tuyển dụng nhân lực, tích cực thu hút chuyên gia trong và ngoài nước để chuyển giao công nghệ. Công ty dự kiến sẽ nâng tổng số lao động lên 14.000 người.

Công ty cổ phần Đầu tư ngành nước DNP (DNP Water) là đơn vị đã đầu tư và gắn bó với vùng đất Tiền Giang từ năm 2016 đến nay. Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, DNP Water đã triển khai đầu tư Nhà máy nước Đồng Tâm nằm trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Nhà máy nước Đồng Tâm liên tục cải tiến về công nghệ, áp dụng chuyển đổi số toàn diện, tối ưu công tác vận hành. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang (Tiwaco) trong công tác cấp nước cho khu vực phía Đông của tỉnh. 

Trong năm 2025, Nhà máy nước Đồng Tâm sẽ hoàn thành công tác cải tạo, đảm bảo an toàn cấp nước. Qua đó, đảm bảo công suất phát nước trung bình đạt 70.000 m3/ngày đêm, có thể phát nước tăng cường lên đến 85.000 m3/ngày đêm, phục vụ nước sạch trong tình huống hạn - mặn cho khu vực phía Đông của Tiền Giang.

Theo lãnh đạo DNP Water, DN đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý để đảm bảo mục tiêu trong quý II-2025 khởi công Dự án Trạm bơm nước thô Nhà máy nước Đồng Tâm và hệ thống tuyến ống truyền tải - Dự án liên vùng tỉnh cấp nguồn nước thô cho các nhà máy nước trên địa bàn 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre. Giai đoạn 1, dự án có công suất phát nước 300.000 m3/ngày đêm, với tổng mức đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng. 

Dự kiến, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 dự án trong quý II-2026, dự án sẽ đảm bảo nguồn nước ngọt cấp cho sinh hoạt, sản xuất ứng phó với biến đổi khi hậu và xâm nhập mặn. Giai đoạn 2 của dự án sẽ được triển khai tiếp theo ngay khi hoàn thành giai đoạn 1 với vị trí khai thác nước đặt tại Cái Bè (khu vực ngã ba sông Tiền và sông Cái Cối). Sau khi hoàn thành giai đoạn 2 (dự kiến trước năm 2030), dự án sẽ đảm bảo nguồn nước ngọt cung cấp thêm cho toàn bộ khu vực phía Tây của tỉnh (các huyện Cai Lậy, Cái Bè).

ANH THƯ
 

.
.
.