Thứ Hai, 21/04/2025, 15:26 (GMT+7)
.

Xây dựng đồng bộ hệ thống bộ máy chỉ đạo: Đòn bẩy trong xây dựng nông thôn mới

(ABO) Xác định công tác tổ chức, chỉ đạo là nhân tố quyết định đến hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã chủ động kiện toàn đồng bộ hệ thống bộ máy chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở.

Ngay từ khi triển khai chương trình, tỉnh Tiền Giang đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình NTM các cấp, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động. 

Ở cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, cùng sự tham gia của thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan. Cấp huyện cũng thành lập đầy đủ Ban Chỉ đạo tại 11 đơn vị hành chính, do Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban.

Tại cấp xã, 100% xã có Ban Chỉ đạo do Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban, Ban Quản lý do Chủ tịch UBND xã phụ trách. Cấp ấp cũng được tổ chức chặt chẽ, với Ban Phát triển ấp do Bí thư ấp đứng đầu, huy động cán bộ phụ trách các lĩnh vực chuyên môn tham gia.

Thực hiện theo Quyết định số 1920/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã thành lập và kiện toàn Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh và cấp huyện, đảm bảo tổ chức bộ máy tinh gọn nhưng hiệu quả. Văn phòng cấp tỉnh gồm 1 Chánh Văn phòng (kiêm nhiệm), 1 Phó Chánh Văn phòng chuyên trách và các công chức chuyên trách, kiêm nhiệm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường).

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra tiến độ xây dựng NTM tại huyện Châu Thành vào tháng 4-2023.
Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra tiến độ xây dựng NTM tại huyện Châu Thành vào tháng 4-2023.

Tại cấp huyện, 11/11 huyện, thị, thành phố đều có Văn phòng Điều phối, do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Chánh Văn phòng. Mỗi xã cũng bố trí ít nhất 1 công chức phụ trách xây dựng NTM (kiêm nhiệm từ các lĩnh vực nông nghiệp - địa chính - môi trường).

Nhìn chung, bộ máy chỉ đạo và giúp việc các cấp được kiện toàn đầy đủ, đúng chức năng, bảo đảm sự thống nhất trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện. Các Văn phòng điều phối hoạt động hiệu quả, đóng vai trò trung tâm phối hợp các ngành, đơn vị, đảm bảo tiến độ và chất lượng của chương trình.

Ngay từ khi bắt đầu thực hiện chương trình, tỉnh đã rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và xác định công tác này có tính chất quyết định đối với kết quả xây dựng NTM. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã kết hợp tổ chức đào tạo 9 lớp đại học, 17 lớp trung cấp và thực hiện bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu cho cán bộ, công chức xã theo quy định của Bộ Nội vụ.

Ban Chỉ đạo tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 108 lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ cấp huyện, xã về công tác xây dựng NTM với 5.201 lượt người dự với các chuyên đề như: Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng NTM; Hướng dẫn lập đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM; Hướng dẫn lập và triển khai quy hoạch xây dựng NTM; Giải pháp thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM...

Nhìn chung, các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã tập trung vào việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với chương trình khung và các chuyên đề đã được cấp Trung ương phê duyệt và sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực tại địa phương.

Nhờ đó, Chương trình NTM tại Tiền Giang ngày càng đi vào chiều sâu. Văn phòng Điều phối các cấp chủ động tham mưu, điều phối, tuyên truyền, giám sát, đánh giá Bộ tiêu chí NTM theo lộ trình. Sự phối hợp giữa các sở, ngành trong kiểm tra, thẩm định các tiêu chí được triển khai thường xuyên; đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong vận động nhân dân hiến đất, góp ngày công lao động, phát triển sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Qua đó, tỉnh Tiền Giang đã đạt được những kết quả nổi bật trong xây dựng NTM với 100% huyện hoàn thành xây dựng NTM (2 huyện NTM nâng cao) và 100% xã hoàn thành xây dựng NTM.

C.THẮNG

 

.
.
.