Tạo đà cho kinh tế tư nhân - Bài 4: Tạo sân chơi bình đẳng
Tạo đà cho kinh tế tư nhân - Bài 1: Tăng tốc mạnh mẽ
Tạo đà cho kinh tế tư nhân - Bài 3: Mở cửa "đón khách" FDI
(ABO) Ghi nhận từ thực tiễn mới thấy, những năm gần đây cùng với cả nước, Tiền Giang đã không ngừng đổi mới, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, hỗ trợ, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực.
MÔI TRƯỜNG THÔNG THOÁNG
Một trong những điểm nhấn quan trọng là Tiền Giang đã tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Kết quả rõ nét nhất là được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá và ghi nhận. Trong cuộc trao đổi với phóng viên gần đây về chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Tiền Giang, Giám đốc Toyota Tiền Giang Đỗ Văn Triều đánh giá rằng, chính quyền địa phương hỗ trợ rất tốt. Cụ thể, từ khi thành lập đến nay, Toyota Tiền Giang luôn nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ rất kịp thời của các ban, ngành, địa phương. Chưa kể, môi trường đầu tư ở Tiền Giang rất tiềm năng. Trải qua thời gian đầu tư kinh doanh tại Tiền Giang chúng tôi nhận thấy thị trường Tiền Giang rất tốt và tin tưởng rằng tốc độ tăng trưởng sẽ tốt hơn trong những năm sắp tới.
![]() |
Cảng du thuyền, Trung tâm Thương mại Central Plaza Mỹ Tho tạo nên diện mạo mới cho TP. Mỹ Tho. Ảnh: TRUNG HẬU. |
Có hơn 20 năm đầi tư trên mảnh đất Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng cho rằng, từ chủ trương chung về phát triển kinh tế tư nhân của Trung ương, hiện nay tỉnh Tiền Giang hưởng ứng và làm rất quyết liệt. Những động thái đó đã thổi một luồng khí mới cho việc phát triển doanh nghiệp của địa phương. Điều mong mỏi của doanh nghiệp là không khí này được duy trì ở mức độ lâu dài. Cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cần dựa trên tinh thần chính quyền là người đồng hành hơn nhà quản lý đối với doanh nghiệp. Khi thay đổi được tư duy, cách nhìn về doanh nghiệp, những khó khăn đi theo sẽ có nhiều thay đổi...
Nhìn ở khía cạnh khác, ông Huỳnh Hữu Thiện, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Minh Hưng Tiền Giang cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, với các hiệp định kinh tế chuẩn bị có hiệu lực, doanh nghiệp chịu không ít áp lực, không chỉ là TPP hay AFTA. Đứng ở góc nhìn của doanh nghiệp, dưới sự chỉ đạo liên tục của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, việc kêu gọi đầu tư, thu hút đầu tư, tạo mảnh đất đầu tư cho doanh nghiệp đã được quan tâm mạnh mẽ thông qua việc tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, tạo cầu nối giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, thông qua các cuộc họp đối thoại giữa UBND tỉnh và doanh nghiệp là cơ hội để cho doanh nghiệp chia sẻ và tìm cơ hội phát triển.
LUỒNG GIÓ MỚI
Kiến tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hiệu quả là câu chuyện dài, với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với những gì Tiền Giang đã và đang nỗi lực, sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân mở rộng sân chơi bình đẳng hơn.
Thực tế đã ghi nhận, thời gian qua Tiền Giang đã phát huy tốt lợi thế là cửa ngõ giao thương của 2 vùng kinh tế động lực của cả nước, cửa ngõ giao thương ra biển Đông của các tỉnh ven sông Tiền và các nước trong tiểu vùng sông Mê kông mở rộng, đặc biệt là khai thác tốt các công trình hạ tầng giao thông trọng yếu trên địa bàn khi cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương hoàn thành gắn với hệ thống giao thông thủy, bộ kết nối liên vùng. Điều này đã giúp cho Tiền Giang ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, điểm đáng chú hơn đối với kinh tế tư nhân của Tiền Giang được đánh dấu mốc từ năm 2016 khi Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Điều này được cộng đồng doanh nghiệp xem như tạo thêm một luồng gió mới thổi vào môi trường đầu tư của tỉnh và đã mang lại hiệu ứng tích cực.
Bởi theo con số thống kê, chỉ trong 5 năm 2016 - 2020, tỉnh tiền Giang đã có hơn 3.340 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký trên 20 ngàn tỷ đồng, vốn đầu tư bình quân 6 tỷ đồng/doanh nghiệp, gấp 1,5 lần quy mô bình quân giai đoạn 5 năm trước đó. Một điều cũng rất đặc biệt là, trong giai đoạn này có nhiều doanh nghiệp lớn góp mặt ở Tiền Giang như: Dự án của Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam có vốn đầu tư 4.909 tỷ đồng, Khu thương mại-dịch vụ TP. Mỹ Tho (Big C), Cảng du thuyền, Trung tâm Thương mại Central Plaza Mỹ Tho… Tất nhiên, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh Tiền Giang những năm gần đây vẫn chưa dừng lại. Bởi nếu chỉ tính riêng năm 2024, tỉnh Tiền Giang có khoảng 900 doanh nghiệp thành lập mới.
Nhìn nhận một cách tổng thể hơn, kinh tế tư nhân đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của Tiền Giang. Con số thống kê những năm gần đây cũng cho thấy, tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong tổng GRDP của tỉnh Tiền Giang tương đối cao, bình quân trong những năm gần đây là trên 80%. Điều này chứng tỏ rằng môi trường đầu tư kinh doanh của Tiền Giang đã dần chuyển biến theo hướng tích cực, chỉ số phản ánh năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện, tạo niềm tin về sự đồng hành, gần gũi giữa chính quyền và doanh nghiệp.
A.P
(Còn tiếp)