Tiền Giang: Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý, khai thác, vận chuyển khoáng sản
(ABO) Ngày 12-5-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiên Giang ban hành Công văn 3466 về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý, khai thác, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Trong Công văn, Ủy ban nhân dân tỉnh nhận định, qua hơn 1 năm thực hiện Đề án Phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản (đất, cát, sỏi,…) trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: các Sở, ngành tỉnh, địa phương từ cấp huyện đến cấp xã đã tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung của Đề án; chủ động tăng cường công tác kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi khai thác tài nguyên trái phép, vận chuyển cát, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, hoán cải trái quy định; qua số liệu báo cáo ghi nhận toàn tỉnh đã tổ chức 1.260 lượt kiểm tra, đã phát hiện 334 vụ việc vi phạm với 461 đối tượng vi phạm, với số tiền xử phạt được 11.335.781.000 đồng, số lượng cát tịch thu là 19.111,61 m3. Kết quả trên đã góp phần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp, góp phần đảm bảo an toàn trật tự trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Phương tiện khai thác cát trái phép bị lực lượng Công an bắt quả tang ngày 24-5-2024. Ảnh: Tuấn Lâm |
Bên cạnh kết quả đạt được, thực trạng cho thấy vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định như: tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn tiếp diễn; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát trái phép chưa được thực hiện thường xuyên; số vụ việc được kiểm tra, phát hiện và xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế đang diễn ra; công tác phối hợp xử lý của lực lượng chức năng của tỉnh với huyện, giữa các tỉnh, các huyện, các xã giáp ranh còn hạn nên các đối tượng thường lợi dụng các địa bàn giáp ranh này để hoạt động, gây khó khăn cho việc phát hiện và xử lý.
Hiện nay, tình hình khai thác khoáng sản (cát) trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý vi phạm như: tổ chức bố trí lực lượng cảnh giới dày đặc từ trên bờ đến dưới sông; đối tượng vi phạm không hợp tác, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của cơ quan chức năng, có trường hợp nhảy sông bỏ trốn gây khó khăn trong công tác xử lý; sử dụng người làm thuê không có nơi ở cố định, không biết chữ, kinh tế khó khăn, để đối phó lực lượng chức năng; chủ sở hữu phương tiện không đứng ra nhận trách nhiệm chỉ đạo những người làm thuê khai thác cát trái phép để tránh bị tịch thu phương tiện...
Để tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Các Sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp tục thực hiện nghiêm nội dung được phân công, được giao tại Quyết định 2107 ngày 18-9-2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Kế hoạch 123 ngày 11-4-2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản cát sông và cửa biển trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Quyết định 3652 ngày 31-12-2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân công nhiệm vụ quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thăm dò, khai thác, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Công văn 3082 ngày 28-4-2025 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường quản lý khai thác cát phục vụ các công trình trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; định kỳ báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 15 hàng tháng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện:
- Chỉ đạo, yêu cầu Ủy ban nhân dân các xã có mỏ cát được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép khai thác khẩn trương tổ chức, thành lập tổ giám sát cộng đồng quản lý mỏ trên địa bàn xã.
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của địa phương và các sở, ngành chức năng liên quan. Nếu trên địa bàn nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra phức tạp, kéo dài mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm hoặc có cán bộ, công chức tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu.
- Triển khai thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương; xây dựng quy chế phối hợp với các huyện giáp ranh; cung cấp thông tin đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh các vi phạm trong hoạt động khoáng sản; kịp thời đưa tin, công bố các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản...
3. Công an tỉnh (Tổ Công tác liên ngành theo Quyết định 2109 ngày 18-9-2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh) chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ (Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng Cảnh sát giao thông…) tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ khoáng sản (cát) trái phép tại khu vực phản ánh; đồng thời chỉ đạo lực lượng Công an cấp xã tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân xã thực hiện nhiệm vụ được phân công tại khoản 20 Điều 1 Quyết định 3652 ngày 31-12-2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân công nhiệm vụ quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thăm dò, khai thác, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; định kỳ báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 15 hàng tháng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (Tổ Công tác liên ngành theo Quyết định 2110 ngày 18-9-2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh) triển khai thực hiện nghiêm nhiệm vụ được phân công tại khoản 4 Điều 1 Quyết định 3652 ngày 31-12-2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân công nhiệm vụ quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thăm dò, khai thác, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản trái phép trong khu vực biên giới theo quy định của pháp luật; định kỳ báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 15 hàng tháng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. Sở Nông nghiệp và Môi trường:
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; kể cả đối với các khu vực mỏ cát được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt cấp phép khai thác khoáng sản; kiểm tra, đo đạc địa hình đáy sông, tuyệt đối không được khai thác vượt cao trình cho phép và khai thác ngoài phạm vi cho phép.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện (nơi có dự án khai thác cát), các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát sự ổn định của đường bờ, đảm bảo các mỏ khai thác trong phạm vi được cấp phép và đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
- Theo dõi, đôn đốc các chủ mỏ thực hiện nghiêm các nghĩa vụ thuế, phí, camera giám sát, thiết bị định vị, các quy định khai thác mỏ và các nội dung có liên quan theo quy định.
- Tổng hợp, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện các nội dung chỉ đạo trên trước ngày 20 hàng tháng; kịp thời tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét các nội dung có liên quan khi vượt thẩm quyền.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo nêu trên. Thủ trưởng các đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các nhiệm vụ được giao trong thực hiện nhiệm vụ quản lý các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
P.V