Thứ Tư, 30/11/2022, 16:15 (GMT+7)
.

Bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường khu vực EVFTA Và CPTPP

(ABO) Ngày 30-11, Sở Công Thương Tiền Giang phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo bàn về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường khu vực EVFTA và CPTPP trong bối cảnh mới. Tham dự có Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Phan Văn Chinh; Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn và hơn 200 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý cấp trung ương, các sở một số tỉnh, thành phố, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, nền kinh tế Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu và rộng hơn vào tiến trình trao đổi thương mại toàn cầu thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do quan trọng với mức độ cam kết cao. Việt Nam hiện đang là thành viên của 15 Hiệp định thương mại tự do và con số này dự kiến vẫn sẽ tiếp tục được tăng lên trong thời gian tới.

ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phát biểu khai mạc Hội thảo
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Phan Văn Chinh  phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong đó, Việt Nam đã tham gia 2 FTA thế hệ mới, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đó là CPTPP và EVFTA. Việc ký kết các Hiệp đình này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu hàng hóa. Thông qua hai Hiệp định này, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận tới 37 thị trường lướn với dân số hơn 1 tỷ người, mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng, kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và tạo ra sức bật lớn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Mặc dù đạt được những thành tựu vượt bậc về kết quả xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường EVFTA và CPTPP. Nhờ những ưu đãi mà các Hiệp định mang lại, song hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường này cũng đang phải đối mặt với không ít rào cản, khó khăn. Bên cạnh những khó khăn đến từ bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ mậu dịch nổi lên ở nhiều nước và khu vực; khó khăn, thách thức còn đến từ các quy định về kiểm dịch và an toàn động thực vật (SPS), quy định về dán nhãn hàng hóa (TBT) hoặc các quy định liên quan về môi trường, lao động,… của các thị trường nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với các thị trường mà Việt Nam mới thiết lập quan hệ FTA nhưng có tiêu chuẩn rất khắt khe như EU và các nước CPTPP.

Tại Hội thảo đại biểu được nghe các diễn giả thông tin các nội dung cần thiết và lưu ý để tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA và CPTPP
Tại Hội thảo đại biểu được nghe các diễn giả thông tin các nội dung cần thiết và lưu ý để tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA và CPTPP

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, việc tổ chức hội thảo được tổ chức với sự tham dự của đại diện Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp các tỉnh thành phố vùng đồng băng sông Cửu Long hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu là rất quan trọng nhằm đánh giá tình hình, thông tin thị trường xuất khẩu khu vực EVFTA và CPTPP. Đồng thời bàn các giải pháp, định hướng tổ chức sản xuất hàng hoá đáp ứng đúng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, tận dụng tốt các lợi thế từ EVFTA, CPTPP và các cơ hội của bối cảnh mới, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam bền vững các khu vực thị trường này thời gian tới.

Đồng thời, để các cơ quan quản lý nhà nước phổ biến, tuyên truyền, làm rõ hơn các cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đến xuất khẩu hàng hoá sang các khu vực thị trường trên, dựa trên cơ sở các cam kết, ưu đãi thuế quan từ hai Hiệp định EVFTA và CPTPP. Qua đó, góp phần hỗ trợ các địa phương nói chung và vùng đồng băng sông Cửu Long nói riêng về nuôi trồng, xuất khẩu trọng điểm, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt và có kế hoạch xuất khẩu phù hợp, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường và tận dụng được lợi thế từ các FTA.

Tại hội thảo, đại biểu đã được nghe các diễn giả báo cáo chuyên đề “Đánh giá kết quả xuất khẩu sang các thị trường EVFTA, CPTPP và các ưu đãi thuế quan doanh nghiệp cần lưu ý”; Quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định EVFTA và CPTPP. Đại diện các Hiệp hội rau quả, lương thực, điều, doanh nghiệp Dịch vụ Logistics và các doanh nghiệp chia sẻ thông tin về thị trường xuất khẩu ngành hàng, nhận định các cơ hội, thách thức và đề xuất các giải pháp nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA, CPTPP. Các cơ quan quản lý địa phương cũng đã đề xuất cơ chế chính sách tận dụng cơ hội phát triển thị trường và đề xuất các giải pháp thúc đẩy thị trường xuất khẩu sang khu vực hiệp định EVFTA và CPTPP.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Đánh giá về tác động của các Hiệp định thương mại đối với xuất khẩu hàng hóa của Tiền Giang, Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, trong thời gian qua, việc thực thi các FTA trên địa bàn đã góp phần mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu của tỉnh. Đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh...

Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cũng cho biết, việc tham gia và thực hiện các FTA nói chung, 2 FTA thế hệ mới CPTPP và EVFTA nói riêng trong thời gian qua đã tạo lợi thế cạnh tranh nhất định cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, do những biến động kinh tế, chính trị và việc tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại làm cho tăng trưởng xuất khẩu của hầu hết các ngành xuất khẩu của tỉnh, nhất là may mặc, thủy sản, thủ công mỹ nghệ sang thị trường EU trong quý 4-2022 và thời gian tới sẽ không cao.

Hội thảo đã đánh giá tình hình, thông tin thị trường xuất khẩu khu vực EVFTA và CPTPP. Đồng thời, bàn các giải pháp, định hướng tổ chức sản xuất hàng hoá đáp ứng đúng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, tận dụng tốt các lợi thế và các cơ hội của bối cảnh mới, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá Việt Nam bền vững các khu vực thị trường này thời gian tới.

LÝ OANH

 

 

.
.
.