Thứ Tư, 10/05/2017, 21:13 (GMT+7)
.

Công tác PCCC tại các nhà hàng, khách sạn, karaoke

Qua thực tế kiểm tra 32 cơ sở nhà hàng, khách sạn, karaoke trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết các loại hình cơ sở này ban đầu xin giấy phép xây dựng nhà ở hoặc kinh doanh nhỏ lẻ, sau đó cải tạo, nâng cấp chuyển đổi công năng hoạt động, mở rộng quy mô kinh doanh nhưng không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) theo quy định.

Những vi phạm phổ biến là: Không có hồ sơ thiết kế và thông qua thẩm duyệt thiết kế về PCCC; không lắp đặt trang thiết bị, phương tiện PCCC tại chỗ; chỉ có 1 cửa, 1 cầu thang duy nhất, không có cửa, cầu thang dự phòng để thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra; lực lượng PCCC tại chỗ vừa thiếu, vừa yếu, chưa được tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ PCCC…

Do đặc điểm, tính chất hoạt động của các loại hình cơ sở này là tập trung đông người, sử dụng nhiều nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị điện nên dễ phát sinh các điều kiện, nguyên nhân gây cháy. Khi cháy xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Điển hình là vụ cháy xảy ra vào lúc 13 giờ 15 phút ngày 12-10-2016 tại quán Karaoke Cosy (số 80, đường Lê Văn Phẩm, phường 5, TP. Mỹ Tho) làm thiệt hại về tài sản trên 14 tỷ đồng, nguyên nhân cháy là do sự cố về điện.

Để khắc phục những sơ hở, thiếu sót, bất cập nêu trên và để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn cháy xảy ra đối với các cơ sở nhà hàng, khách sạn, karaoke, cần quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ những giải pháp sau:

1. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức, kiến thức pháp luật về PCCC nói chung, tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ đối với nhà hàng, khách sạn, karaoke nói riêng, để mọi người đề cao ý thức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các quy định, biện pháp an toàn PCCC, chủ động phòng ngừa cháy xảy ra.

2. Các đơn vị chức năng khi cấp giấy phép xây dựng, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự phải yêu cầu chủ cơ sở thực hiện đầy đủ các điều kiện, giải pháp về đảm bảo an toàn PCCC và thoát nạn theo quy định của pháp luật.

3. Đối với chủ cơ sở, khi xây dựng mới hoặc chuyển đổi công năng hoạt động từ nhà ở sang kinh doanh nhà hàng, khách sạn, karaoke, khi nâng cấp quy mô hoạt động phải lập hồ sơ thông qua thẩm duyệt thiết kế về PCCC; lắp đặt hệ thống, thiết bị PCCC, lối thoát nạn dự phòng; bố trí lực lượng PCCC tại chỗ theo quy định và phù hợp với tính chất, quy mô hoạt động của cơ sở.

4. Các đơn vị chức năng, định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, hướng dẫn chủ cơ sở thực hiện chặt chẽ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

5. Đối với người dân, khi tham gia hoạt động ở các nhà hàng, khách sạn, karaoke phải thực hiện nghiêm túc nội quy PCCC, sự hướng dẫn của nhân viên quản lý; đồng thời phải chú ý quan sát kỹ các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC, thoát nạn tại chỗ để đảm bảo an toàn tính mạng của chính mình khi có sự cố cháy xảy ra.

Đại tá NGUYỄN ANH THEO

(Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an tỉnh)

.
.
.