Thứ Sáu, 27/10/2017, 21:09 (GMT+7)
.

Siết chặt việc khai thác nước và khoáng sản

Ngành chuyên môn đã ban hành những quy định chặt chẽ về khai thác tài nguyên nước, về quản lý và bảo vệ khoáng sản. Những tổ chức, cá nhân nào vi phạm trên các lĩnh vực trên sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

 TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NGUỒN TÀI NGUYÊN NƯỚC

Nhằm đảm bảo ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước của công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt và các chức năng khác của nguồn nước; phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, địa chất thủy văn, chế độ dòng chảy, đặc điểm nguồn nước, quy mô khai thác, sơ đồ bố trí công trình và các đặc điểm khác liên quan đến việc bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt; phù hợp với hiện trạng sử dụng đất và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của khu vực có công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt.

Từ đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 24 về việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt thì công trình khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt hoặc cấp nước cho nhiều mục đích, trong đó có cấp nước cho sinh hoạt của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, bao gồm: Công trình khai thác nước mặt với quy mô trên 100 m3/ngày đêm, công trình khai thác nước dưới đất, với quy mô trên 10 m3./ngày đêm.

Đối với phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt:
Trường hợp công trình khai thác nước với quy mô trên 100 m3/ngày đêm đến dưới 50.000 m3/ngày đêm, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn: 1.000 m về phía thượng lưu và 100 m về phía hạ lưu đối với khu vực miền núi, 800 m về phía thượng lưu và 200 m về phía hạ lưu đối với khu vực đồng bằng, trung du.

Trường hợp công trình khai thác nước với quy mô từ 500.000 m3./ngày đêm trở lên, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn: 1.500 m về phía thượng lưu và 100 m về phía hạ lưu đối với khu vực miền núi; 1.000 m về phía thượng lưu và 200 m về phía hạ lưu đối với khu vực đồng bằng, trung du.

Đối với công trình khai thác nước dưới đất để cấp cho sinh hoạt có quy mô trên 10 m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm, phạm quy vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn 20 m tính từ miệng giếng. Đối với công trình khai thác nước dưới đất để cấp cho sinh hoạt có quy mô từ 3.000 m3./ngày đêm trở lên, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn 30 m tính từ miệng giếng.

Trên cơ sở đó, ngày 11-9-2017, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt phải tuân thủ các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ nguồn nước dưới đất và tuân thủ các yêu cầu khác về bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Tổ chức trực tiếp quản lý, vận hành công trình khai thác nước có trách nhiệm đề xuất phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt thuộc phạm vi công trình khai thác của mình; phối hợp với UBND cấp huyện, xã nơi có công trình khai thác nước và các cơ quan liên quan xác định ranh giới phạm vi của vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, sử dụng và theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình.

XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KHOÁNG SẢN

Do đặc thù khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường, hoạt động khai thác không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nên các hành vi vi phạm thường gặp theo quy định của Nghị định 33 ngày 3-4-2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản là:

Vi phạm quy định về khai thác khoáng sản không có giấy phép khai thác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, như: Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, cụ thể như sau:

a) Phạt 1 đến 3 triệu đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác đến dưới 10 m3.
b) Phạt 3 đến 5 triệu đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 10 đến dưới 15m3.
c) Phạt 5 đến 10 triệu đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 15 đến dưới 20 m3.
d) Phạt 10 đến 20 triệu đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 20 đến dưới 30 m3.
đ) Phạt 20 đến 30 triệu đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 30 đến dưới 40 m3.
e) Phạt 30 đến 40 triệu đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 40 đến dưới 50 m3..
g) Phạt 40 đến 50 triệu đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 50 m3 trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm h.
h) Phạt từ 100 đến 200 triệu đồng khi khối lượng khoáng sản là cát, sỏi lòng sông đã khai thác từ 50 m3 trở lên.

Hình thức phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản hoặc toàn bộ giá trị bằng tiền của khối lượng khoáng sản đã tiêu thụ, tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm g, h; đồng thời buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.

SĨ NGUYÊN

.
.
.