Thứ Sáu, 24/11/2017, 20:20 (GMT+7)
.

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại

Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông đã đưa rất nhiều thông tin cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có người “sập bẫy”, bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng.

A
Điều tra viên Công an huyện  Gò Công Tây tiếp nhận tin báo về 1 trường hợp bị lừa qua điện thoại.  Ảnh: THANH DUY

NHỮNG CUỘC GỌI “THÔNG BÁO NỢ CƯỚC”

Theo nội dung trình báo từ các vụ lừa đảo qua điện thoại đều sử dụng cùng một “chiêu thức” là “thông báo nợ tiền cước” gọi đến các thuê bao điện thoại cố định. Đầu tiên, phía người gọi sẽ thông báo số tiền cước nợ đến hàng triệu đồng và yêu cầu thanh toán; đồng thời đe dọa sẽ “ngừng cung cấp dịch vụ”. Nếu gặp người bình tĩnh thì phía bên kia sẽ cúp máy. Hoặc là đối tượng sẽ thông báo cho chủ nhân thuê bao điện thoại là có liên quan đến một vụ án lớn nào đó (ma túy) mà Bộ Công an đang vào cuộc điều tra nên toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng sẽ bị phong tỏa. Do đó, người liên quan cần chuyển hết số tiền sang tài khoản (do đối tượng cung cấp) để phục vụ điều tra hoặc để tránh bị tịch thu… Khi chuyển tiền, tuyệt đối đừng để cho nhiều người biết cũng như nhân viên của ngân hàng về lý do chuyển tiền…

Thượng tá Phan Tấn Ca, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh: 

Khi bắt người phải có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, cụ thể là Công an, tổ nhân dân tự quản, đại diện nhân dân nơi người bị bắt đang cư trú, người bị bắt được nghe đọc lệnh bắt, ký tên, ghi ý kiến của mình… Không ai được phép bắt người, nếu người đó không có tội. Còn việc nộp tiền cho cơ quan Công an khi thu giữ tang chứng, vật chứng phải có biên bản. Chuyển khoản thì phải chuyển vào tài khoản của cơ quan Công an, chứ không chuyển cho bất cứ cá nhân nào… và cũng phải có biên bản tạm giữ.

Một phụ nữ ở TX. Cai Lậy cho biết: “Nghe hỏi số tài khoản, tôi biết là bọn lừa đảo nên tôi nói sẽ báo Công an, đến đó thì phía đầu dây bên kia tắt máy”. Rất nhiều trường hợp, khi nhấc máy, nghe đề cập đến nội dung này, người nghe máy đã xác định ngay đây là thủ đoạn lừa đảo nên ngắt máy, dứt khoát kết thúc cuộc trao đổi. Cũng có trường hợp, người nghe máy tìm cách để đối tượng “xuất đầu lộ diện” bằng cách yêu cầu cho địa chỉ để nộp tiền hoặc cho người đến nhận tiền. Tuy nhiên, với loại tội phạm này, chúng đủ “ranh ma” để yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Một phụ nữ ở phường 8, TP. Mỹ Tho cho biết: “Ban đầu, tôi tưởng là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ nhắc cước điện thoại thật, nên tôi cung cấp số chứng minh nhân dân để cô ta kiểm tra. Đến khi cô ta nói chuyện tiền, tài khoản ở Hà Nội thì tôi nói sẽ báo Công an nơi tôi sinh sống. Thế là cô ta ngắt máy, sau đó không liên lạc lại. Tôi không bị lừa, nhưng tôi vẫn thử gọi vào số điện thoại cô ta cho và không liên lạc được”.

Thực tế cho thấy, khi nghe thông báo thông tin liên quan đến tội phạm, trong trạng thái thiếu bình tĩnh, hoang mang, lo lắng, không kiểm soát được phản ứng, một số người đã chuyển tiền cho chúng với niềm tin rằng chúng sẽ trả lại “sau khi điều tra”. Từ đầu năm đến nay, cả chục người trên địa bàn tỉnh đã chuyển tiền và bị chiếm đoạt toàn bộ tài sản trong sổ tiết kiệm. Trong số đó, có người là giáo viên, công chức, tiểu thương, cán bộ hưu trí… Chỉ có 2 người kịp trấn tĩnh ngay sau khi gửi tiền, liên hệ với cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ nên mức thiệt hại không lớn. Một phụ nữ ở TP. Mỹ Tho chuyển cho chúng trên 150 triệu đồng. Sau đó, chị đã đến ngân hàng và cơ quan Công an trình báo sự việc để thực hiện các thủ tục đóng băng tài khoản. Khi đó, tội phạm đã kịp rút đi 50 triệu đồng. Một trường hợp khác, ở TX. Cai Lậy, sau khi chuyển toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm hơn 190 triệu đồng, chị trình báo và kịp thời đóng băng ngay nên chưa mất tiền.

Nhưng, có đến 7 trường hợp do tâm lý lo sợ nên khi không liên lạc được với số điện thoại mà bọn tội phạm cung cấp mới trình báo Công an. Lúc đó, tội phạm đã kịp rút hết số tiền đã chuyển, người ít nhất cũng 120 triệu đồng, người nhiều trên 2 tỷ đồng. Mới đây nhất là trường hợp của bà Nguyễn Thị T. ở huyện Gò Công Tây nhưng làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2014, bà nghỉ hưu và về Gò Công Tây chăm sóc mẹ già. Số tiền 120 triệu đồng gửi ngân hàng là của anh chị em góp lại để mẹ bà dưỡng già do bà đứng tên chủ tài khoản. Một ngày giữa tháng 11-2017, có người gọi đến thông báo bà có liên quan đến tội phạm buôn bán ma túy và “dẫn dụ” để bà “tự khai báo” với chúng về số tiền gửi ngân hàng. Vì sợ bị liên lụy, bà T. sợ quá, chuyển hết cho chúng 120 triệu đồng. Sáng hôm sau, bà mới đến Công an huyện báo tin thì bọn tội phạm đã rút hết số tiền 120 triệu đồng.

CƠ QUAN CHỨC NĂNG NÓI GÌ

Từ những vụ việc trên cho thấy, chính tâm lý hoang mang, không kịp suy nghĩ của người nghe điện thoại khi bị đối tượng dồn dập “tấn công” nên nạn nhân đã răm rắp thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo. Có nạn nhân còn nghi ngờ bị đánh cắp thông tin cá nhân từ một nơi nào đó từng liên hệ, giao dịch mà không nghĩ rằng chúng lấy thông tin từ chính cuộc gọi điện thoại với màn kịch “thông báo nợ cước”.

Lãnh đạo một ngân hàng tại TP. Mỹ Tho cho biết: “Theo quy định, nhân viên giao dịch không được phép “tò mò” về tài khoản của khách hàng, không được hỏi nhiều thông tin về người nhận cũng như lý do chuyển tiền. Vì vậy, đã gặp nhiều khó khăn trong việc giúp khách hàng thoát khỏi cái bẫy lừa đảo”. Một nhân viên giao dịch đã từng thực hiện chuyển khoản cho khách hàng bị lừa tâm sự: “Mặc dù nghi là khách bị lừa nên dù quy định của ngành khá nghiêm ngặt nhưng tôi vẫn cố tình hỏi khách hàng chuyển cho ai, vì sao lại rút hết tiền trong tài khoản, người nhận tiền ở đâu… nhưng khách hàng từ chối trả lời! Mà tôi thì không được phép hỏi thêm nữa, cũng không được từ chối thực hiện giao dịch cho khách”. Chỉ huy Công an ở một địa phương cho biết: “Thông thường, sau hai, ba ngày chuyển tiền, nạn nhân mới báo nên đã quá trễ để thực hiện các biện pháp ngăn chặn tội phạm rút tiền. Có nhiều người ngại người thân biết việc, sợ bị chê cười nên không báo Công an. Đó cũng là những cái khó trong công tác điều tra, xử lý”.

Trong trường hợp này, để bảo vệ khách hàng, thiết nghĩ ở các văn phòng giao dịch, ngành ngân hàng nên có dán bảng thông tin về thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này ở nơi mà khách hàng có thể dễ nhận thấy nhất để cảnh báo. Kịp thời đánh thức những người có tâm lý không vững, nhất thời hành động theo hướng dẫn tội phạm, để họ kịp tỉnh ra trước khi yêu cầu thực hiện giao dịch. Phần quan trọng nhất, chính là ý thức cá nhân, ý thức cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đào tinh vi của tội phạm thời công nghệ.

THANH DUY

.
.
.