Thứ Ba, 26/06/2018, 14:32 (GMT+7)
.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng cháy

Chợ và các cơ sở kinh doanh karaoke có lượng người đến mua sắm, vui chơi rất đông. Trong khi đó, tại những địa điểm này có các vật dụng dễ bắt lửa, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rất cao.

Vụ cháy khu vựa trái cây ở chợ Thạnh Trị (phường 4, TP. Mỹ Tho) vào tháng 10-2013 và tại quán Karaoke Cosy (phường 5, TP. Mỹ Tho) vào tháng 10-2016 là điển hình. Chính vì vậy, đẩy mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các địa điểm này là hết sức cần thiết.

CHỢ CÓ THỜ Ơ VỚI CHÁY?

Dạo quanh một vòng chợ Thạnh Trị (phường 4, TP. Mỹ Tho), nơi từng xảy ra vụ cháy đã thiêu rụi hơn 60 quầy, sạp trong khu vực vựa trái cây vào năm 2013, chúng tôi dễ dàng nhận thấy các tiểu thương để các vật dụng, hàng hóa án ngữ cửa thoát hiểm; đèn thoát hiểm không được bật sáng; chuông báo cháy không được gắn cố định...

Tại nhà lồng kinh doanh ăn uống, các hộ kinh doanh câu móc điện tứ tung. Điều đáng quan tâm là, các lối thoát hiểm phía sau chợ (hướng cầu Thạnh Trị) có một bãi giữ xe máy, nếu xảy ra sự cố cháy sẽ gây khó khăn cho người thoát nạn.

Trao đổi với phóng viên Báo Ấp Bắc, Trưởng ban Quản lý (BQL) chợ Thạnh Trị Lê Văn Thành cho biết, hiện nay, lực lượng PCCC cơ sở có 6 người, phương tiện chữa cháy được trang bị 2 mô-tơ, 1 máy chuyên dụng, 30 bình chữa cháy cầm tay và hồ chứa nước hơn 70 m3. Mỗi ngày, BQL chợ đều khởi động máy bơm để tránh trường hợp bị trục trặc khi có sự cố xảy ra...

Lực lượng chức năng kiểm tra thiết bị PCCC tại chợ Mỹ Tho.
Lực lượng chức năng kiểm tra thiết bị PCCC tại chợ Mỹ Tho.

Đối với một số chợ được xã hội hóa, công tác PCCC được quan tâm, đầu tư về mọi mặt. Chợ Mỹ Tho (phường 1, TP. Mỹ Tho) có diện tích 2.000 m2, hiện có 307 hộ kinh doanh, được BQL chợ phân ra làm nhiều khu kinh doanh các mặt hàng riêng biệt, hành lang và lối thoát hiểm được thông thoáng.

Trưởng ban Điều hành chợ Mỹ Tho Nguyễn Ngọc Chương cho biết, BQL chợ phát đĩa CD tuyên truyền về PCCC 2 lần/ngày trên hệ thống loa phóng thanh, nhắc nhở các hộ kinh doanh không được để hàng hóa và xe máy ở hành lang thoát hiểm.

Hiện nay, đội PCCC cơ sở có 4 người, phương tiện chữa cháy được trang bị 2 máy bơm và 40 bình chữa cháy cầm tay đặt khắp chợ và 55 m3 nước, sẵn sàng đáp ứng khi có sự cố xảy ra.

Mặt khác, thường xuyên nhắc nhở các tiểu thương không để các vật dụng chắn tủ chữa cháy trên vách tường và làm khuất các bình chữa cháy cầm tay; hướng dẫn cách sử dụng các dụng cụ chữa cháy cho các tiểu thương gần thiết bị chữa cháy...

Hiện nay, hầu hết BQL chợ thường xuyên nhắc nhở tiểu thương hạn chế thắp nhang, trước khi đóng cửa phải kiểm tra kỹ hệ thống điện và nguồn nhiệt còn trong ki-ốt, đặc biệt là với các hộ kinh doanh mặt hàng dễ cháy. Tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết không được đốt nhang hay thắp đèn thờ cúng và đốt vàng mã trong nhà lồng chợ.

Liên tục tuyên truyền qua hệ thống loa nhằm nâng cao ý thức của các hộ kinh doanh về PCCC. Đồng thời, BQL chợ kiểm tra đóng các cầu dao ở các sạp và tổ chức trực ban vào lúc tan chợ để kịp thời phát hiện, xử lý khi có hỏa hoạn xảy ra.

VUI CHƠI KHÔNG QUÊN PHÒNG CHÁY

Các cơ sở kinh doanh karaoke thường sử dụng các vật liệu trang trí nội thất, cách âm dễ cháy như: Mút xốp, cao su non, phông rèm…

Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh karaoke thường được thiết kế rất kín, mặt trước tòa nhà hầu như bị che chắn bởi các biển quảng cáo lớn, điều kiện thông gió gần như không có..., nên khi xảy ra cháy sẽ gây ra hiện tượng tụ khói, gây khó khăn cho việc tổ chức cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy của cơ quan chức năng.

Không chỉ vậy, nguy cơ lớn gây cháy, nổ còn do việc thay đổi công năng sử dụng từ nhà ở thành quán karaoke nhưng không chú ý đến các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC. Tình trạng khách thắp nến tổ chức sinh nhật, hút thuốc lá... trong phòng karaoke diễn ra phổ biến, nên tình trạng cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo Điều 38 và Điều 41, Nghị định 167 ngày 12-11-2013 của Chính phủ: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng khi bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông và các vật dụng khác cản trở lối thoát nạn. Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng khi không có thiết bị chiếu sáng sự cố trên lối thoát nạn hoặc có không đủ độ sáng theo quy định hoặc không có tác dụng. Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với hành vi không trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy theo quy định.

Một cơ sở kinh doanh karaoke trên đường Hùng Vương (xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) có 22 phòng karaoke, hầu hết các phòng đều được gắn thiết bị chữa cháy tự động.

Anh Trang Anh Tuấn, chủ cơ sở trên cho biết, hiện đội PCCC cơ sở có 5 người, được trang bị kỹ năng PCCC cơ bản. Khi nhân sự của quán thay đổi, thì cơ sở kinh doanh đưa đi tập huấn lại.

Khi khách sử dụng thuốc lá trong phòng, nhân viên sẽ mang gạt tàn thuốc vào để khách không vứt tàn thuốc bừa bãi.

Chị Nguyễn Thị Phương, một chủ cơ sở kinh doanh karaoke trên đường Lê Văn Phẩm (phường 6, TP. Mỹ Tho) cho biết: Đội PCCC cơ sở có 6 người và tất cả nhân viên của quán đều biết cách vận hành máy bơm nước, các thiết bị chữa cháy cầm tay khi có sự cố cháy xảy ra.

Ngoài ra, 20 bình chữa cháy cầm tay được đặt những nơi dễ nhìn thấy và đèn hành lang, đèn thoát hiểm luôn được bật sáng. Mặt khác, tại quán luôn có người nhà túc trực 24/24 giờ, kiểm tra tất cả các phòng trước khi ngủ...

Thượng tá Lê Tấn Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an tỉnh cho biết, theo quy định tại khoản 3, phụ lục II, Nghị định 79/2014 của Chính phủ: “…Cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí đông người có khối tích từ 1.500 m3 trở lên…” là cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, sẽ do Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH quản lý.

Hiện đơn vị đang trực tiếp quản lý 8 cơ sở kinh doanh karaoke. Việc thay đổi công năng của ngôi nhà thành quán karaoke thì không thể đảm bảo các điều kiện về PCCC. Do vậy, để bảo đảm an toàn PCCC đối với các cơ sở kinh doanh karaoke buộc phải được thẩm duyệt thiết kế và kiểm tra, nghiệm thu về PCCC trước khi đưa vào hoạt động theo quy định.

VĂN THẢO

.
.
.