Thứ Sáu, 14/12/2018, 10:12 (GMT+7)
.
Nhức nhối nạn cho vay nặng lãi

Bài 1: Cho vay nặng lãi hoành hành

Hoạt động cho vay nặng lãi đang nổi lên, khiến nhiều người dân cảm thấy vô cùng bất an. Hoạt động của các đối tượng này không dừng lại ở các khu vực đông dân cư, mà còn “vươn vòi” đến nhiều vùng quê.

NGÀY CÀNG TINH VI

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, ở nhiều tuyến đường từ thành thị cho đến nông thôn có rất nhiều tờ quảng cáo “cho vay không thế chấp” được dán trên các cây xanh, cột điện, bức tường, là phương thức mời chào của nhiều đối tượng cho vay nặng lãi.

Thực tế cho thấy, hoạt động của các đối tượng cho vay nặng lãi ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều mánh khóe để qua mắt cơ quan chức năng. Có trường hợp, các đối tượng cho vay nặng lãi “núp bóng” các công ty tài chính, cơ sở kinh doanh nhằm tạo vỏ bọc hoàn hảo trước pháp luật.

Một trường hợp cho vay nặng lãi “núp bóng” công ty tài chính bị phát hiện tại huyện Chợ Gạo.
Một trường hợp cho vay nặng lãi “núp bóng” công ty tài chính bị phát hiện tại huyện Chợ Gạo.

Ghi nhận tại TX. Cai Lậy, thấy có dán nhiều tờ rơi với nội dung “cho vay họ góp”. Người dân nơi đây cho biết, những tờ quảng cáo đó là của nhóm người từ địa phương khác đến dán để cho vay.

Để tìm hiểu rõ hơn về phương thức hoạt động của các đối tượng cho vay nặng lãi, chúng tôi ngồi chờ tại nơi mà người dân cho biết các đối tượng hay đến thu tiền góp hằng ngày.

Theo đó, khoảng hơn 13 giờ 30 phút, các đối tượng bắt đầu đi thu tiền góp. Một đối tượng quấn khăn kín mặt, dùng xe máy rảo quanh các con hẻm để thu tiền góp.

Chúng tôi tiếp cận một phụ nữ bán nước giải khát tại TX. Cai Lậy có vay tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi. Theo tiết lộ của người này, đã vay của các đối tượng cho vay nặng lãi 5 triệu đồng, trả góp theo ngày, lãi suất khoảng 20%/tháng.

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công an tỉnh, để đấu tranh, xử lý tội phạm cho vay nặng lãi, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Công an ban hành kế hoạch chuyên đề về đấu tranh xử lý tội phạm cho vay nặng lãi và kế hoạch cao điểm đấu tranh xử lý tình trạng cho vay nặng lãi, bảo kê.

Ngành Công an đã rà soát, lên danh sách các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu cho vay nặng lãi để đấu tranh.

Kết quả, Công an tỉnh đã lập hồ sơ quản lý 77 đối tượng; cảm hóa, giáo dục, cho làm cam kết không hoạt động cho vay nặng lãi 134 đối tượng; tổ chức kiểm tra 5 băng, nhóm với 26 đối tượng cho vay nặng lãi với lãi suất 20% - 30%/tháng… Hiện Công an tỉnh đang quản lý 8 công ty và 197 cá nhân có dấu hiệu cho vay nặng lãi.
 

Theo một số người dân, bên cạnh các đối tượng cho vay nặng lãi ở ngoài tỉnh đang hoành hành, cũng có một số người tại địa phương chuyên cho vay với lãi suất từ 10%/tháng trở lên.

Lãi suất cho vay thỏa thuận bằng miệng. Người vay chỉ cần ký tên hoặc lăn tay vào giấy vay tiền là có thể nhận tiền, mà không cần tài sản thế chấp.

Ngoài những trường hợp trên, thời gian qua, qua phản ánh, tình hình cho vay nặng lãi trong khu công nghiệp (KCN) cũng diễn biến phức tạp.

Theo Chủ tịch Công đoàn của một công ty trong KCN Tân Hương (xã Tân Hương, huyện Châu Thành), do công nhân thiếu tiền nên một số người đã vay tiền của các đối tượng bên ngoài. Họ đưa thẻ ATM (cùng mật khẩu tài khoản) cho đối tượng cho vay để “làm tin”.

Đến lúc lương có, đối tượng cho vay sẽ dùng thẻ ATM để rút, lấy đúng số tiền công nhân đã vay, cộng với lãi suất và trả lại số tiền dư.

Có trường hợp, số tiền còn dư trong thẻ bị các đối tượng chiếm đoạt. Lãi suất mà các đối tượng cho vay tại KCN Tân Hương dao động từ 10% - 15%/tháng.

“TAN NHÀ, NÁT CỬA”

Chúng tôi tìm đến nhà các hộ dân là nạn nhân của những đối tượng cho vay nặng lãi. Qua nhiều ngày hỏi thăm, rất khó khăn mới có người chịu chia sẻ về hoàn cảnh của họ.

Theo đó, gia đình chị T.T. (ngụ huyện Gò Công Tây) đã sống trong lo sợ do bị chủ nợ thuê công ty đòi nợ đến đòi tiền. Chị T.T. cho biết, nhóm người của công ty đòi nợ thuê đến đòi tiền gia đình chị với thái độ rất hung hăng, liên tục chửi bới.

Nói về việc bị dính bẫy của các đối tượng cho vay nặng lãi, chị T.T. cho biết, năm 2016, do làm ăn thua lỗ nên chị có mượn tiền của bà M., tổng cộng các lần mượn là 300 triệu đồng. Mỗi ngày, chị T.T. phải trả cho bà M. khoảng 4,5 triệu đồng tiền lãi.

Trả lãi được khoảng hơn 1 tháng, chị T.T. đề nghị bà M. chuyển sang trả lãi tháng, nhưng bà M. không đồng ý. Để có tiền trả lãi cho bà M., chị T.T. tiếp tục vay của bà K.T. 450 triệu đồng vào cuối năm 2017, với lãi suất 10.000 đồng/ngày/1 triệu đồng.

Tính ra, mỗi ngày chị T.T. phải trả cho bà K.T. khoảng 4,5 triệu đồng tiền lãi. Chỉ sau mấy tháng, số tiền cả vốn lẫn lãi đã đội lên 850 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, do “lãi mẹ đẻ lãi con”, chị T.T. còn vay tiền của một số đối tượng cho vay nặng lãi ở ngoài tỉnh, mỗi lần từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Theo chị T.T., chị biết các đối tượng cho vay qua các tờ rơi, quảng cáo treo dọc đường. Có lần, chị vay 30 triệu đồng, mỗi ngày các đối tượng cho vay thu 1,3 triệu đồng tiền góp (trong thời gian 30 ngày). Tính ra, chị phải chịu lãi suất lên đến khoảng 20%/tháng.

Gia đình ông M.C. (ngụ huyện Chợ Gạo) cũng bị rơi vào bẫy của các đối tượng cho vay nặng lãi. Cách nay khoảng 1 năm, con ông M.C. có vay 15 triệu đồng của một nhóm người. Sau đó mấy tháng, nhóm người này bắt con ông T. phải trả 200 triệu đồng.

Theo ông T., trước khi trả đủ 200 triệu đồng, nhóm người cho vay ngày nào cũng đến nhà đập phá và định hành hung những người trong gia đình ông. Do bị đe dọa liên tục nên ông T. đã đi vay mượn tiền để trả cho nhóm này. Dù đã trả đủ 200 triệu đồng, nhưng các đối tượng cho vay vẫn kéo đến đòi thêm 100 triệu đồng nữa.

Trước khoản nợ “từ trên trời rơi xuống”, ông T. phản ứng, đã bị các đối tượng này xông vào đánh con ông T. tới tấp. “Mấy ngày sau, nhóm người cho vay lại đến đòi tiền. Tôi nói không có tiền và đang thiếu tiền ngân hàng 130 triệu đồng (tiền vay để trả số tiền 200 triệu đồng trước đó), thì bị nhóm người cho vay uy hiếp, yêu cầu tôi phải vay tiền của chúng để trả tiền ngân hàng rồi vay lại trả cho chúng. Họ dẫn tôi đến văn phòng công chứng ký vay mượn của họ 300 triệu đồng. Họ nói rằng, 300 triệu đồng là số tiền cả vốn lẫn lãi”.

Chưa dừng lại ở đó, khoảng 1 tháng sau, nhóm người cho vay tiếp tục đến nhà ông T. đòi thêm 60 triệu đồng tiền lãi. Người thân trong gia đình ông T. phải đưa “sổ đỏ” cho mượn để vay ngân hàng.

Nhóm người này dẫn người nhà ông T. đến văn phòng công chứng để làm các thủ tục công chứng và tiến hành vay 200 triệu đồng. Các đối tượng cho vay giữ hết số tiền 200 triệu đồng mà không trả lại số tiền còn dư (chỉ nói là lãi phát sinh). Mấy ngày sau, nhóm người này lại tiếp tục kéo đến nhà yêu cầu ông T. phải giao nhà cho bọn chúng và còn thách thức trình báo cơ quan Công an.                 

    Ý PHƯƠNG
 

.
.
Liên kết hữu ích
.