Thứ Hai, 13/05/2019, 14:13 (GMT+7)
.

Tiền Giang quyết liệt ngăn chặn dịch tả heo châu Phi

Trong thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã triển khai quyết liệt các giải pháp để ngăn ngừa dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xâm nhiễm vào địa bàn. Tuy nhiên, trước tình hình dịch đang diễn biến khá phức tạp khi mới đây tỉnh Đồng Nai và Bình Phước đã phát hiện, tiêu hủy và công bố một số ổ DTHCP, nên công tác triển khai các giải pháp phòng, chống cần phải quyết liệt hơn mới ngăn chặn được dịch bệnh này lây nhiễm vào địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành và địa phương kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi.                                                         			                                   Ảnh: Nguyễn Sự
Lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành và địa phương kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Nguyễn Sự

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Mẫn cho biết, theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ tháng 2-2019 đến nay, DTHCP đã xảy ra tại 23 tỉnh, thành trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, trong tuần qua tại tỉnh Đồng Nai đã xảy ra 4 ổ DTHCP và Bình Phước xuất hiện 1 ổ dịch bệnh này. Vì vậy, tỉnh Tiền Giang cần phải quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống thì mới mong ngăn ngừa được dịch.

* Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, đến thời điểm này tỉnh Tiền Giang đã triển khai các công tác phòng, chống DTHCP xâm nhiễm vào địa bàn như thế nào?

* Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn: Sau khi nhận được thông tin DTHCP xuất hiện, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều Quyết định và Công văn trong việc ứng phó với DTHCP. Sở NN&PTNT đã ban hành nhiều Quyết định, kế hoạch về công tác kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT và các huyện, thị đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các ngành có liên quan triển khai các chốt kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh.

Đến thời điểm này, các chốt kiểm dịch đã kiểm tra được trên 1.000 phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ngang qua chốt, với số lượng gần 300 ngàn con và gần 17.000 kg sản phẩm động vật.

Sở NN&PTNT cũng đã thành lập 2 Đoàn kiểm tra, hướng dẫn 11 huyện, thị, thành các biện pháp phòng, chống DTHCP; tổ chức hội thảo chuyên đề: “Triển khai khẩn cấp các giải pháp ứng phó với DTHCP trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, với 205 người tham dự; cấp phát 15.000 tờ rơi, với nội dung phòng, chống DTHCP; tập huấn, tuyên truyền 16 cuộc, với gần 500 người tham dự ở các huyện Cái Bè, Tân Phước
và Tân Phú Đông.

Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức nhiều lượt kiểm tra các điểm thu gom heo trên địa bàn tỉnh để nắm tình hình vận chuyển heo từ các tỉnh, thành phía Bắc nhập vào địa bàn tỉnh. Các địa phương cũng đã tuyên truyền đến các thương lái, hộ kinh doanh thịt heo cam kết không kinh doanh thịt heo khi chưa được kiểm soát giết mổ của cơ quan Thú y… 

* PV: Trước áp lực DTHCP có nguy cơ lây nhiễm vào đàn heo trên địa bàn tỉnh, ngành NN&PTNT đã có yêu cầu gì đối với các địa phương trên địa bàn tỉnh?

* Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn: Để kịp thời ngăn ngừa DTHCP, Sở NN&PTNT đã có Công văn đề nghị UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp các ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ phát bệnh DTHCP để người dân cảnh giác, chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi; đồng thời, nếu xảy ra dịch, người dân khai báo kịp thời với cơ quan chức năng nhằm xác minh, lấy mẫu xét nghiệm bệnh DTHCP...; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên gia súc để phát hiện sớm, báo cáo nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh vừa mới phát sinh.

Ngoài ra, các địa phương cần thành lập các Đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh tại các địa bàn có nguy cơ cao như: Xã chăn nuôi heo trọng điểm, xã giáp ranh với tỉnh bạn, xã có điểm thu gom heo, cơ sở giết mổ động vật tập trung, đặc biệt là điểm giết mổ heo trái phép; tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật và giết mổ động vật chưa qua kiểm soát của cơ quan chuyên môn.

Các địa phương cần chỉ đạo thực hiện có hiệu quả và đúng tiến độ công tác tiêu độc sát trùng; UBND cấp xã phải củng cố, kiện toàn lại lực lượng thú y xã và chỉ đạo thú y cơ sở tăng cường công tác giám sát, báo cáo tình hình dịch bệnh động vật cho cơ quan quản lý thú y cấp huyện theo quy định của Luật Thú y.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng đã giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục phối hợp các đơn vị có liên quan kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là heo tại các chốt kiểm dịch theo quy định; sẵn sàng phối hợp với các đơn vị có liên quan cấp huyện xác minh, lấy mẫu khi có dịch bệnh xảy ra và đề xuất xử lý gọn các ổ dịch đầu tiên; tăng cường công tác thanh, kiểm tra về việc vận chuyển, mua bán, giết mổ động vật và sản phẩm động vật, chủ yếu là heo; thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình DTHCP trong khu vực.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

.
.
.