Thứ Sáu, 03/04/2020, 10:26 (GMT+7)
.

Để các bến đò ngang an toàn hơn

 “Bến đò ngang an toàn” là mô hình do Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) tỉnh Tiền Giang thực hiện trong thời gian qua đã tạo hiệu ứng tích cực, nâng cao ý thức của người dân khi lên, xuống các bến đò.

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình “Bến đò ngang an toàn” ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hưởng ứng Cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông” do Trung ương Đoàn phát động. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong hội viên, thanh niên và nhân dân về Luật Giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Đoàn viên, thanh niên huyện Tân Phước phát tờ rơi tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho người dân đi đò (ảnh chụp năm 2019).
Đoàn viên, thanh niên huyện Tân Phước phát tờ rơi tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho người dân đi đò (ảnh chụp năm 2019).

NHIỀU “BẾN ĐÒ NGANG AN TOÀN” RA ĐỜI

Theo ghi nhận của chúng tôi, vẫn còn nhiều người dân khi qua các bến đò ngang vẫn chưa quan tâm đến việc mặc áo phao để đảm bảo an toàn. Nhiều người dân cho rằng, các tuyến đò ngang có lộ trình ngắn nên chưa kịp mặc vào đã đến nơi. Trước thực trạng trên, đoàn viên, thanh niên các cấp đã tích cực tổ chức và tham gia vào các đội hình “Bến đò ngang an toàn” để tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân khi đi qua đò ngang.

Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Tân Phú Đông Phan Thị Thảo Sương cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện đã xây dựng 3 “bến đò ngang an toàn”  tại Tân Phú, Rạch Vách, Phú Thạnh. Các đội hình đều có kế hoạch tổ chức ra quân hằng tháng để phát tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền về Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhắc nhở người dân mặc áo phao và phối hợp với các ngành thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các chủ phương tiện trang bị áo phao đảm bảo an toàn”.

Còn ở huyện Tân Phước, với đặc thù có nhiều kinh, rạch chằng chịt phục vụ công tác rửa phèn nên có nhiều bến đò ngang, Hội LHTN Việt Nam huyện Tân Phước đã tổ chức 4 “bến đò ngang an toàn” gồm bến Kinh 2A (xã Phước Lập), bến Cống Dứa (xã Tân Hòa Tây), bến Tân Vinh (xã Tân Lập 2), bến Quảng Thọ (xã Hưng Thạnh).

Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Tân Phước Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết: “Các đội hình thanh niên tình nguyện phụ trách “bến đò ngang an toàn” có từ 10 - 15 thành viên. Tất cả các thành viên trong đội được tham dự lớp tập huấn kiến thức về giao thông đường thủy và kỹ năng, kế hoạch hoạt động của đội thanh niên tình nguyện do Cảnh sát giao thông tổ chức. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa cho chủ phương tiện, các đội hình còn tham gia tu sửa, bảo dưỡng, bảo quản phương tiện, thiết bị và xây dựng hạ tầng khu vực bến đò”.

MÔ HÌNH THIẾT THỰC

Theo đánh giá, các đội hình trên địa bàn huyện Tân Phước đều quản lý tốt các “bến đò ngang an toàn”, với nhiều hoạt động thiết thực. Bí thư Xã đoàn Phước Lập Nguyễn Thanh Pha cho biết: “Bến đò Kinh 2A là đường tắt để công nhân đi đến Khu công nghiệp Long Giang làm việc nên lưu lượng phương tiện qua lại rất đông, nhất là vào các giờ cao điểm. Do đó, đội hình thường xuyên có thành viên trực ở bến để hỗ trợ chủ phương tiện và người dân đảm bảo an toàn khi qua bến đò. Cùng với đó, hằng quý đội hình còn phối hợp với Đoàn cơ sở Công an huyện Tân Phước tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Giao thông đường thủy nội địa; hỗ trợ phao, áo phao cho chủ phương tiện chở khách qua bến…”.

Thông qua hoạt động của các đội hình, ý thức chấp hành các quy định an toàn giao thông đường thủy của người dân đã được nâng lên; đặc biệt là các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện. Ông Trịnh Văn Đồng, người điều khiển đò ngang ở bến Kinh 2A (xã Phước Lập) cho biết: “Các thành viên trong đội hình phụ trách “bến đò ngang an toàn” ở đây rất nhiệt tình và phối hợp rất chặt chẽ với tôi trong việc nhắc nhở người dân mặc áo phao khi qua đò. Ngoài ra, thông qua các buổi tuyên truyền, tôi nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn cho người dân khi lên xuống đò”.

Bên cạnh những hiệu ứng tích cực đã đạt được, các “bến đò ngang an toàn” trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn nhất định. Phó Bí thư Huyện đoàn Cái Bè Phùng Thanh Quang cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện có 3 “bến đò ngang an toàn” ở các xã Mỹ Lương, An Thái Đông, thị trấn Cái Bè. Trong quá trình triển khai thực hiện, các đội hình phụ trách vẫn còn gặp một số khó khăn như: Thành viên thường xuyên thay đổi, không ổn định do một số thành viên đi làm ở xa; nhiều dụng cụ, bảng hiệu tuyên truyền bị xuống cấp, hư hỏng… Để khắc phục các khó khăn này, Huyện đoàn đã đẩy mạnh xã hội hóa, vận động kinh phí… để hỗ trợ các đội hình duy trì hoạt động”.

Theo thống kê của Hội LHTN Việt Nam tỉnh, Tỉnh hội đã triển khai xây dựng 23 “bến đò ngang an toàn” ở các huyện: Cái Bè, Tân Phú Đông, Gò Công Tây, Cai Lậy, Châu Thành, Gò Công Đông, Tân Phước. Trong thời gian tới, Hội LHTN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Hội LHTN các huyện, thị, thành khảo sát để tiếp tục xây dựng thêm nhiều “bến đò ngang an toàn” trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

CAO THẮNG

.
.
.