Thứ Ba, 18/08/2020, 09:04 (GMT+7)
.
Tiền Giang: Giải pháp nào cho chợ tự phát?

Bài cuối: Để không còn chợ tự phát

Bài 1: Mối nguy hiểm rình rập

Chợ tự phát lâu nay là nỗi đau đầu của các ngành, các cấp. Nhưng thực tế cho thấy, nếu có quyết tâm, giải pháp phù hợp thì vẫn có thể giải quyết được.

Lực lượng chức năng giải tỏa việc mua bán, kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường tại đường dẫn lên cầu Mỹ Thuận (huyện Cái Bè).
Lực lượng chức năng giải tỏa việc mua bán, kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường tại đường dẫn lên cầu Mỹ Thuận (huyện Cái Bè).

NHIỀU NƠI ĐÃ CHUYỂN BIẾN 

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Lê Văn Hưởng, các ngành, các cấp trong tỉnh đã làm tốt công tác kiểm tra giải tỏa các khu vực họp chợ tự phát phức tạp như: Khu vực trước cổng Công ty TNHH MTV Wondo Vina dọc Quốc lộ 50 (huyện Chợ Gạo), khu vực đường dẫn vào cầu Hai Tân trên tỉnh lộ 864 (thuộc xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) và đường dẫn vào cầu Thầy Cai (giáp ranh 2 xã Long Trung và Long Tiên, huyện Cai Lậy). Đồng thời, các ngành, các cấp tiến hành di dời chợ Bắc (gần cầu Chợ trên tỉnh lộ 867, thuộc xã Long Định, huyện Châu Thành), khu vực buôn bán tập trung trước cổng Khu công nghiệp (KCN) Tân Hương (Quốc lộ 1, xã Tân Hương, huyện Châu Thành) và trước KCN Long Giang (xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước)…

Đến nay, một số nơi, khu vực chợ dần đảm bảo đường thông, hè thoáng. Đặc biệt, để giải quyết dứt điểm việc buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường trước và trong KCN Tân Hương gây mất an ninh trật tự, mất mỹ quan trong và ngoài KCN, tỉnh và huyện Châu Thành đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng đường gom mở rộng lề Quốc lộ 1 (mỗi bên thêm 5 m) đoạn từ KCN Tân Hương đến ngã ba Hòa Tịnh cũng như tập trung 1.167 hộ bán hàng rong lấn chiếm lòng, lề đường ở khu vực này (938 hộ bán buổi sáng, 648 hộ bán buổi chiều và 419 hộ bán cả buổi sáng, chiều) vào 2 khu chợ tập trung. Đến nay, việc buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường bên trong KCN đã không còn, gần 60% tiểu thương được tập trung vào bán tại chợ ở cổng 2 (Lộ Đất) và cổng 3 của KCN.

Còn tại huyện Chợ Gạo, Ban ATGT tỉnh và huyện đã tiến hành cưỡng chế giải tỏa các công trình xây dựng lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ của 32 hộ xây dựng lấn chiếm hành lang lộ giới Quốc lộ 50 đoạn qua cầu Bình Phan để kinh doanh. Hay mới đây, tại huyện Cái Bè, Đoàn liên ngành tỉnh và huyện Cái Bè tiến hành giải tỏa toàn bộ các hộ buôn bán lấn chiếm 2 bên Quốc lộ 1 thuộc xã Hòa Hưng (từ cầu Rạch Giồng đến cầu Mỹ Thuận); gia cố hàng rào, bít lối đi tự phát nối giữa đường gom lên Quốc lộ 1; cho người dân ký cam kết không tổ chức mua bán; xử phạt hành chính đối với các trường hợp cố tình không chấp hành, tiếp tục tái lấn chiếm.

KIÊN TRÌ, KẾT HỢP NHIỀU GIẢI PHÁP

Để không còn chợ tự phát lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, các giải pháp như ra quân giải tỏa, xử lý vi phạm hành lang ATGT, xây dựng các chợ tập trung, xây dựng và mở rộng đường gom trên quốc lộ là vẫn chưa đủ.

Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban ATGT huyện Cái Bè Nguyễn Quốc Thanh cho biết, kinh nghiệm rút ra từ công tác chống tái lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường thời gian qua cho thấy, để công tác trên đạt hiệu quả, chính quyền tại khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của người dân; đồng thời, ra quân liên tục xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm. Ngoài ra, UBND huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải tỏa, chống lấn chiếm lòng, lề đường để làm nơi mua bán.

Tại TP. Mỹ Tho, thành phố đã ban hành kế hoạch phối hợp giải tỏa hành lang ATGT đô thị giữa các ngành, các cấp, UBND các xã, phường nhằm xây dựng đường phố sạch - đẹp, văn minh. Qua đó, kiên quyết xử lý các trường hợp tái lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để giữ xe, kinh doanh; dùng xe đẩy để mua bán; các ô tô, mô tô dừng đỗ không đúng nơi quy định... tại các tuyến đường và các chợ trên địa bàn; chủ động làm việc với các hộ thường xuyên chiếm dụng vỉa hè, lòng, lề đường để buôn bán, giữ xe; thường xuyên nhắc nhở và tuyên truyền đảm bảo hành lang ATGT trên đài truyền thanh các xã, phường.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng chợ tự phát lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, Sở Công thương đã đề nghị các địa phương thống kê hiện trạng, xây dựng lộ trình và có kế hoạch giải quyết triệt để các điểm chợ tự phát. Cùng với đó, Sở Công thương phối hợp với các địa phương xây mới, sửa chữa các chợ để các tiểu thương có nơi buôn bán ổn định. Cụ thể, trong năm 2019, đơn vị xây dựng 5 chợ mới, nâng cấp, sửa chữa 21 chợ; trong năm 2020, quy hoạch xây dựng 8 chợ mới, nâng cấp, sửa chữa 13 chợ.

Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Vũ cho rằng, vai trò nòng cốt để giải quyết vấn nạn chợ tự phát lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường là chính quyền địa phương. Theo đó, địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo trật tự lòng, lề đường, vỉa hè trên địa bàn quản lý; cần thiết có thể lắp đặt biển “cấm họp chợ” đối với khu vực buôn bán tập trung tự phát. Nếu có điều kiện, chính quyền địa phương có thể đưa lực lượng túc trực ở các điểm thường xuyên họp chợ tự phát để kịp thời phát hiện, xử lý; duy trì lực lượng liên ngành của địa phương để triển khai kiểm tra thường xuyên, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè trái phép.

“Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần nhân rộng các mô hình về tuyến đường ATGT; hè thông, lề thoáng… đã phát huy hiệu quả như mô hình Xây dựng đường huyện 53 thành “Tuyến đường cựu chiến binh tự quản” của Hội Cựu chiến binh xã Tân Hội (TX. Cai Lậy); tuyến đường đảm bảo ATGT; vỉa hè, lòng đường thông thoáng, sạch - đẹp… để nâng cao ý thức, tạo thói quen cho người dân về đảm bảo hành lang ATGT”- đồng chí Nguyễn Văn Vũ cho biết thêm.

TUẤN LÂM

.
.
.