.

12 biện pháp phòng ngừa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh

Cập nhật: 15:58, 02/10/2020 (GMT+7)

Dưới đây là 11 biện pháp phòng ngừa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh:

1. Người đứng đầu cơ sở cần quan tâm thật sự đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC); tăng cường công tác tuyên truyền về PCCC đến toàn thể, người lao động nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức trong công tác PCCC.

Chữa cháy tại một cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ảnh: HẠ GIAO
Chữa cháy tại một cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ảnh: HẠ GIAO

Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở đối với công tác PCCC rất quan trọng. Để đảm bảo an toàn cho phát triển bền vững của cơ sở, sự bình yên cuộc sống cho mọi người, giữ vững an ninh trật tự chung, mỗi chủ cơ sở phải thực sự thấy được trách nhiệm của mình, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, chắc chắn cháy, nổ không xảy ra.

Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCCC, người đứng đầu cơ sở phải chú trọng công tác huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào quần chúng tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy; quản lý và duy trì hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoặc đội  phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành; thường xuyên kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy; xử lý hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

2. Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy; tổ chức chữa cháy và giải quyết khắc phục hậu quả cháy.
Ngoài ra, người đứng đầu cơ sở có tính đặc thù về PCCC như:

Đặc khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; cơ sở khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng, bảo quản sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, vật tư, hàng hóa khác có nguy hiểm về cháy, nổ; cơ sở là các công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm và các công trình khai thác khoáng sản khác;

Cơ sở sản xuất, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị, dụng cụ điện; cơ sở là chợ, trung tâm thương mại, siêu thị,  kho tàng; cơ sở là cảng, nhà ga, bến xe; cơ sở là trụ sở làm việc, thư viện, bảo tàng, kho lưu trữ thì phải thực hiện các biện pháp đặc thù về PCCC phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy, nổ của từng loại cơ sở.

3. Tại cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ.

4. Kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực kinh doanh, sản suất.

5. Không được lưu trữ quá nhiều hàng hóa trong kho, hàng hóa phải được sắp xếp theo từng dãy để tạo khoảng trống chống cháy lan.

6. Phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị máy móc, hệ thống điện, lắp đặt thiết bị bảo vệ như cầu dao tự động, cầu chì cho hệ thống điện toàn cơ sở, từng khu vực, tách riêng biệt các nguồn điện: Chiếu sáng, bảo vệ phục vụ thoát nạn, chữa cháy, nguồn điện sản xuất, sinh hoạt.

7. Không lập bàn thờ để thờ cúng và đun nấu trong khu vực sản xuất, văn phòng làm việc; không sử dụng vật liệu là chất cháy để làm mái, trần nhà, vách ngăn.

8. Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn chung cho cả công trình, cho từng khu vực; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn.

9. Thành lập đội PCCC cơ sở và phải được huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cứu hộ, cứu nạn, có phân công thường trực canh gác.

10. Trang bị phương tiện PCCC và cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở.

11. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người trong tình huống phức tạp nhất.

12. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo ngay cho Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 hoặc báo cho chính quyền, Công an nơi gần nhất; đồng thời, tìm mọi cách dập cháy, tổ chức việc thoát nạn, cứu người theo phương án chữa cháy đã đề ra.

HOÀNG NAM

.
.
.