Thứ Sáu, 21/05/2021, 09:41 (GMT+7)
.
Sâu sát cơ sở, lắng nghe dân và giải quyết kịp thời

Bài 1: Kết quả từ 1 nhiệm kỳ

Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp, các ngành của tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều vụ khiếu nại lâu năm cơ bản được giải quyết, không để xảy ra điểm nóng, góp phần ổn định an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Nhiệm kỳ qua, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh được các cấp, các ngành giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ cơ sở.

NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG

Luật Tiếp công dân quy định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tháng; chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân ít nhất hai ngày trong một tháng; chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tuần. Như vậy, tiếp công dân là một nhiệm vụ bắt buộc đối với người đứng đầu chính quyền các cấp. Việc tiếp công dân là để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Để công tác tiếp công dân thực sự đi vào nền nếp, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã chủ trì hội nghị quán triệt công tác tiếp công dân cho thủ trưởng các sở, ngành; chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và chủ tịch UBND 173 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Thanh tra tỉnh Tiền Giang đã thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất công tác tiếp công dân đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị các cấp trên địa bàn tỉnh với 1.056 lượt. Qua kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn; đồng thời tiến hành rà soát việc bố trí địa điểm tiếp công dân của các sở, ngành, cấp huyện và cấp xã, báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để nâng cấp sửa chữa và bố trí địa điểm tiếp công dân thành phòng riêng, trước nhất là ở cấp xã.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Danh chủ trì buổi tiếp công dân năm 2019.                                                                                                                                                                     Ảnh: THU HOÀI
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh chủ trì buổi tiếp công dân năm 2019. Ảnh: THU HOÀI

Việc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang được Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao. Từ ngày 16-8-2017 đến 15-8-2018, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang có tỷ lệ trực tiếp tiếp công dân định kỳ cao hơn quy định, với 27 ngày (tỷ lệ hơn 225%) và xếp thứ 3 trên cả nước về tỷ lệ trực tiếp tiếp công dân.

Trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh Tiền Giang đã tiếp 23.661 lượt với 31.241 người; trong đó, tiếp 405 đoàn đông người với 7.139 lượt người. Nội dung tiếp công dân phần lớn là nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, tranh chấp liên quan đến lĩnh vực hành chính (đền bù, giải tỏa, tranh chấp đất hoặc khiếu nại đòi lại đất); các vụ việc khiếu nại đông người là số vụ việc có nội dung cũ, đã được các cấp, các ngành xem xét giải quyết, sau đó tiếp khiếu kiện.

XÓA DẦN “ĐIỂM NÓNG” KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Để giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện kéo dài, tỉnh đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo làm cơ sở cho việc ra quyết định cuối cùng. Qua đó, tỉnh đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực thi pháp luật về tiếp dân, khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh thực hiện, góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Từ năm 2015 đến 2020, đã nhận 1.433 đơn, thư khiếu nại, tố cáo; trong đó, đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đủ điều kiện thụ lý giải quyết là 739 đơn (598 đơn khiếu nại và 141 đơn tố cáo). Có 589/598 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền được giải quyết, đạt tỷ lệ 98,5% (chỉ tiêu tỷ lệ đạt là 85%); nội dung khiếu nại đa số về lĩnh vực đất đai đền bù, giải tỏa. Và có 141/141 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền đã được giải quyết, đạt 100%; nội dung tố cáo chủ yếu tập trung vào các chế độ, chính sách và việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện sai quy định…

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cấp, các ngành đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước số tiền trên 615 triệu đồng và trên 5.530 m2 đất; kiến nghị giao trả 583 m2 đất, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 6.452,2 m2 cho công dân và trả 597 triệu đồng cho người dân; kiến nghị xử lý hành chính 24 người và chuyển cơ quan điều tra 1 vụ với 3 người.

Tiền Giang đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý công tác tiếp công dân và đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Năm 2019, tỉnh đã xây dựng và triển khai phần mềm Quản lý công tác thanh tra, tiếp công dân và khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh. Phần mềm này được Thanh tra tỉnh tập huấn cho các cơ quan hành chính từ tỉnh đến xã, từ đó giảm bớt số lượng “đơn, thư ảo” khi chỉ 1 đơn mà người dân gửi nhiều đơn vị tránh trùng lặp, mất thời gian xử lý. Đây là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

NHIỀU VỤ VIỆC PHỨC TẠP ĐƯỢC GIẢI QUYẾT

Theo Thanh tra tỉnh Tiền Giang, trên địa bàn tỉnh, hầu hết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đã được giải quyết theo đúng pháp luật, đảm bảo thấu tình, đạt lý. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra các vụ việc tập trung khiếu nại đông người, kéo dài liên quan đến Dự án Khu công nghiệp Long Giang, Dự án Quốc lộ 1A, Dự án Cụm dân cư - Khu thương mại Cai Lậy.

Các dự án trong những năm gần đây, tỉnh đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Điển hình như Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, có 3.298 hộ bị ảnh hưởng và  một ít hộ khiếu nại, không chịu chấp hành bồi thường; nhưng sau khi chính quyền và các cơ quan chức năng tiếp xúc, giải thích, vận động thì không có trường hợp nào bị cưỡng chế.

Qua thực tế giải quyết khiếu nại của công dân liên quan đến các dự án, cho thấy việc khiếu kiện kéo dài có nguyên nhân nhận thức, hiểu biết pháp luật của một số người dân còn hạn chế; một vài trường hợp đã được ngành chức năng giải quyết đúng quy định, nhưng bị phần tử xấu kích động, lôi kéo nên vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo.

Một số cá nhân lợi dụng dân chủ, lợi dụng diễn đàn để tố cáo, đả kích, nói xấu cán bộ nhằm làm giảm uy tín của cán bộ. Một số ít nhóm người tụ tập ở các cơ quan, nhà lãnh đạo tỉnh, trụ sở công quyền cùng những băng rôn, biểu ngữ và dùng lời lẽ xúc phạm đến một số cán bộ tỉnh nhà để gây áp lực, yêu cầu giải quyết khiếu nại theo yêu cầu của họ. Một ít trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc chưa quan tâm đúng mức công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác quản lý nhà nước ở một vài ngành, lĩnh vực còn nhiều tồn tại, hạn chế, tạo sơ hở để các phần tử xấu khai thác, kích động người dân khiếu nại, tố cáo. Công tác hòa giải, đối thoại ở cấp cơ sở có lúc, có nơi chưa được quan tâm, nên nhiều mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân chưa được giải quyết kịp thời...

VĂN THẢO

   (còn tiếp)

.
.
.