Thứ Tư, 12/01/2022, 10:48 (GMT+7)
.

Cảnh báo tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung và tội phạm lừa đảo công nghệ cao nói riêng ngày càng diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này ngày càng tinh vi, có chiều hướng gia tăng; tính chất, mức độ và hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản  qua không gian mạng.
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

NHIỀU THỦ ĐOẠN

Theo Công an tỉnh Tiền Giang, trong năm 2021, Công an các cấp tiếp nhận, xác minh 103 tố giác, tin báo liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, với tổng tài sản thiệt hại ước tính trên 18 tỷ đồng. Quá trình đấu tranh với loại tội phạm này, cơ quan chức năng xác định các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội chủ yếu tập trung bằng nhiều thủ đoạn.

Điển hình như giả danh là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án gọi điện thông báo với chủ thuê bao có liên quan đến vụ án hình sự để khai thác các thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm cho chúng để kiểm tra nguồn gốc rồi sẽ trả lại. Đồng thời, đe dọa nếu không chuyển tiền sẽ bị bắt giam nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội cũng xảy ra ngày càng phổ biến trên địa bàn tỉnh với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Điển hình như trường hợp của bà T.T.C. (ngụ xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo) bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,5 tỷ đồng.

Theo trình báo của bà C., tài khoản Facebook tên Bhakta Cherty và các tài khoản Zalo tên John Waliiam, Sky Blue nhắn tin thông báo bà C. sẽ được nhận hộp quà bên trong chứa số tiền lớn. Đổi lại, bà C. phải trả phí để nhận các hộp quà đó. Vào các tháng 7, 8, 9, 10-2021, bà C. đã chuyển tiền tổng cộng 13 lần vào số tài khoản của các đối tượng lừa đảo hơn 1,5 tỷ đồng. Dù đã chuyển tiền, nhưng bà C. vẫn không nhận được hộp quà nên đã trình báo cơ quan Công an.

Tương tự, theo trình bày của ông N.H.C. (ngụ huyện Cái Bè), vào ngày 27-5-2021, có 1 người đàn ông gọi vào điện thoại di động của ông, tự giới thiệu tên là Toàn và nói có 150 tấn gạo cần bán. Giá bán gạo của Toàn thấp hơn so với giá gạo chung trên thị trường. Ông C. đồng ý mua ngay và yêu cầu Toàn đem gạo tới 1 kho chứa tại huyện Cái Bè.

Theo Công an tỉnh Tiền Giang, để tránh là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội. Đồng thời, không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan; không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết. Người dân không nên công khai các thông tin cá nhân như: Ngày, tháng, năm sinh, số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng… lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo.
Người dân cảnh giác với những chiêu trò nhận thưởng qua mạng mà yêu cầu nạp tiền thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại người quen, bạn bè nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ cần gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin với người nhờ, không nói chuyện qua tin nhắn.
Đối với các cá nhân có nhu cầu chuyển - nhận tiền từ nước ngoài về chỉ gửi, nhận thông qua ngân hàng có uy tín, không sử dụng các dịch vụ chuyển, đổi tiền quốc tế của cá nhân không hợp pháp. Khi phát hiện sim điện thoại bị vô hiệu hóa, cần gọi ngay cho bộ phận dịch vụ chăm sóc khách hàng của nhà mạng để yêu cầu hỗ trợ, xác minh. Nếu rơi điện thoại, cần báo nhà mạng khóa sim. Các cá nhân không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng của mình cho người khác, đặc biệt là những đối tượng không quen biết….  

Sáng ngày 28-5, có 3 container chở 150 tấn gạo đến kho chứa như đã hẹn. Sau khi kiểm tra, xác định đúng loại gạo cần mua nên ông C. đã thực hiện theo yêu cầu của Toàn, chuyển 600 triệu đồng vào 1 tài khoản ngân hàng do Toàn cung cấp trước khi đem gạo vào kho.

Tiền chuyển đi xong, tài xế không đồng ý giao gạo với lý do “ông chủ chưa nhận được tiền”. Ông C. gọi cho “ông chủ” thì gặp ngay người bạn kinh doanh cùng mặt hàng.

Mọi chuyện mới vỡ ra, đúng vào ngày 27-5, có người tên Toàn gọi điện thoại đặt mua 150 tấn gạo. Khi nào gạo đến kho sẽ trả tiền. Toàn yêu cầu giao gạo tại huyện Cái Bè, đúng địa chỉ mà ông C. yêu cầu. Lúc này, ông C. gọi điện thoại cho Toàn thì thuê bao đã khóa, Zalo không nhận tin nhắn. Vụ việc được ông C. trình báo Công an.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 17-8-2021, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp Công an tỉnh Tây Ninh lần lượt bắt giữ Huỳnh Hòa Khánh (sinh năm 1974, ngụ xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) và Đỗ Trần Phương Duy (sinh năm 1993, ngụ xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho). Đồng thời, thu giữ nhiều tang vật liên quan đến hành vi lừa đảo. Trước các chứng cứ và tang vật, Khánh và Duy đã thừa nhận hành vi phạm tội.

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG

Theo Công an tỉnh, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp phòng ngừa, xử lý có hiệu quả tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Song song đó, ngành Công an sẽ đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng các mô hình, tổ chức quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm và phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền, thông báo về chủ trương, chính sách, pháp luật; cảnh báo về hành vi, thủ đoạn, hậu quả, chế tài xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sát thực tế gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan, cơ quan báo chí tuyên truyền về phòng, chống tội phạm lừa đảo, phổ biến đường dây nóng của Công an tỉnh là 0693599511 về tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngành Công an tiếp tục chủ động nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh, nhất là sử dụng Internet, mạng viễn thông để thực hiện hành vi phạm tội để tham mưu, đề xuất, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, lập hồ sơ quản lý, đấu tranh, xử lý các đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, ngành Công an sẽ tiếp nhận đầy đủ, phân loại, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật tố giác, tin báo về tội phạm liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngành sẽ tập trung điều tra, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời phong tỏa, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản và triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt; phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp tiến hành truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm để răn đe, phòng ngừa chung.

Ý PHƯƠNG - HÀ NAM

.
.
.