Thứ Hai, 11/07/2022, 20:07 (GMT+7)
.

Hành vi tung tin thất thiệt sẽ bị xử lý như thế nào?

Tùy theo mức độ vi phạm, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị phạt tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

a
Trung tướng Tô Ân Xô đề nghị mọi người dân không tin, không nghe, không lan truyền các thông tin thất thiệt. Chỉ tiếp nhận các thông tin chính thống từ cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Xử lý nghiêm hành vi đưa thông tin thất thiệt về Tập đoàn Vin Group và ông Phạm Nhật Vượng

Cổng TTĐT Bộ Công an cho biết, ngày 11/7/2022, lực lượng chức năng của Bộ Công an đã xác minh, làm rõ, chuyển hồ sơ sang Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội xử lý theo quy định của pháp luật đối với Tô Vĩ Hoàn (sinh năm 1984, trú tại phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) có hành vi đưa thông tin thất thiệt.

Theo đó, Tô Vĩ Hoàn có hành vi đưa thông tin thất thiệt liên quan đến Tập đoàn Vin Group, ảnh hưởng đến uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tác động xấu đến thị trường chứng khoán.

Đồng thời, Bộ Công an đang xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật đối với 09 cá nhân tại 07 tỉnh thành khác đưa thông tin thất thiệt về ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vin Group bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm xuất cảnh.

Cảnh giác với thông tin thất thiệt

Trước đó, sáng 11/7, Cổng TTĐT Bộ Công an đã phát thông tin cảnh báo: Gần đây, một số tài khoản mạng xã hội lan truyền thông tin về cá nhân đứng đầu doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị áp dụng một số biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề này, đồng chí Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định những thông tin do một số tài khoản mạng xã hội nêu trên là tin đồn thất thiệt, không chính xác.

Hiện các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an đang tiến hành xác minh, làm rõ người có hành vi tung tin đồn thất thiệt để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trung tướng Tô Ân Xô đề nghị mọi người dân không tin, không nghe, không lan truyền các thông tin thất thiệt. Chỉ tiếp nhận các thông tin chính thống từ cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?

Về quy định xử lý hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, Bộ Công an cho biết, Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022), quy định "phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự".

Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân,… thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như: Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331); Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337); Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (Điều 338); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362)…

Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự 2015, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.