.
ĐẠI TÁ NGUYỄN VĂN LỘC, PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG AN TỈNH TIỀN GIANG:

Cảnh báo tội phạm công nghệ cao chiếm đoạt tài sản

Cập nhật: 08:28, 04/08/2022 (GMT+7)

Thời gian qua, hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến rất phức tạp, gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi và ngày càng đa dạng. Các đối tượng thường lợi dụng lòng tham, niềm tin hoặc sự sợ hãi của bị hại để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước vấn đề trên, Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã có những chia sẻ hành vi, thủ đoạn và cách phòng tránh đối với loại tội phạm trên với phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc.

* PV: Đại tá đánh giá như thế nào về tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng?

* Đại tá Nguyễn Văn Lộc: Thời gian qua, nhất là sau thời điểm giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng có chiều hướng gia tăng. Dự báo tình hình này còn diễn biến phức tạp trong năm 2022 và thời gian tới. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông ngày càng đa dạng và phức tạp, đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, càng về sau tính chất, mức độ và hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang tiếp nhận 124 vụ lừa đảo qua không gian mạng, tài sản thiệt hại trên 30 tỷ đồng. Căn cứ kết quả điều tra xác minh các vụ việc, tiền sau khi lừa đảo được các đối tượng chuyển vào các tài khoản không xác định được chủ sở hữu thực sự (tài khoản mua bán trên mạng) hoặc chuyển qua nhiều tài khoản trung gian (như ví momo, Sacombank Pay...), chuyển mua tiền ảo... để rửa tiền, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt rất hạn chế.

* PV: Đại tá có thể cho biết một số phương thức và thủ đoạn của tội phạm sử dụng trong thời gian qua?

* Đại tá Nguyễn Văn Lộc: Thủ đoạn tuyển dụng nhân viên chốt đơn mua hàng online để nhận tiền hoàn đơn cùng với tiền hoa hồng (chốt đơn Shopee, Lazada; tuyển nhân viên Express Mỹ Tho... ), những lần đầu tiên đối tượng trả tiền sòng phẳng để kích thích và tạo lòng tin cho nạn nhân, sau đó đối tượng lôi kéo nạn nhân chuyển những khoản tiền lớn hơn để có thu nhập cao, nếu nạn nhân nghi ngờ muốn lấy lại tiền thì phải chuyển thêm tiền cho đủ định mức mới rút tiền được... đến khi nạn nhân cạn kiệt tiền thì đối tượng cắt liên lạc, chiếm đoạt số tiền của nạn nhân.

Hoặc các đối tượng sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, gọi điện thoại, giả danh nhân viên bưu điện, ngân hàng thông báo nợ cước viễn thông, nợ ngân hàng quá hạn, nợ tiền điện; giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án gọi điện thoại đe dọa, gây sức ép với các yêu cầu khác nhau cho rằng bị hại có liên quan đến các vụ án ma túy, tội phạm rửa tiền mà Công an đang thụ lý điều tra, đe dọa sẽ ra lệnh bắt để phục vụ điều tra, các cuộc gọi thường kéo dài, không cho bị hại có thời gian trao đổi với người thân hoặc đe dọa nếu tiết lộ thông tin thì sẽ bị khởi tố về tội lộ bí mật nhà nước.

Đến khi bị hại hoang mang lo sợ, chúng yêu cầu muốn chứng minh trong sạch thì phải chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng để kiểm tra, nếu đồng tiền sạch thì bọn chúng sẽ chuyển trả lại, nhằm chiếm đoạt tài sản.

Qua mạng xã hội Facebook, các đối tượng tự giới thiệu là người nước ngoài kết bạn, làm quen với các phụ nữ Việt Nam nhằm tán tỉnh, yêu đương, sau thời gian trò chuyện, đối tượng hứa hẹn sẽ chuyển như trang sức, mỹ phẩm, quà có giá trị và số lượng lớn đồng USD qua đường hàng không về Việt Nam để làm quà tặng, tiếp theo giả danh nhân viên Hải quan, An ninh yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho chúng để nộp thuế hoặc lệ phí hải quan, tiền phạt rồi chiếm đoạt (đã xảy ra 13 vụ, thiệt hại tài sản trên 3,3 tỷ đồng).

Tinh vi hơn, đối tượng hack các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo (chủ yếu là của người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài) sử dụng mạo danh chủ tài khoản, nhắn tin đến danh sách bạn bè của chủ tài khoản hỏi mượn tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại gửi cho chúng, từ đó chiếm đoạt tài sản (đã xảy ra 6 vụ, thiệt hại 242 triệu đồng).

Hoặc công phu hơn, đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng online, quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu bị hại chuyển khoản đặt cọc. Sau khi nhận cọc, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng kém chất lượng (đã xảy ra 14 vụ, thiệt hại số tiền gần 1 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, một số đối tượng sẽ gọi điện thoại vào di động của người dân, giới thiệu là nhân viên quản lý tiền thưởng khách hàng của công ty, thông báo khách hàng may mắn trúng thưởng như xe máy, tivi…, muốn nhận được quà thưởng này khách hàng phải mua thêm hàng của công ty để nhận mã số xác nhận tiền thưởng.

Bị hại tin tưởng, nên nhiều lần nhận hàng gửi qua bưu điện và thanh toán tiền bằng hình thức thu hộ (giao tiền cho nhân viên bưu điện khi nhận hàng), nhưng không nhận được quà trúng thưởng, từ đó đối tượng chiếm đoạt tài sản. Với phương thức này, đối tượng lừa được 3 vụ, gây thiệt hại số tiền trên 722,5 triệu đồng.

Ngoài ra, với thủ đoạn là mạo danh cán bộ ngân hàng, yêu cầu bị hại cung cấp số thẻ ATM và mã OTP để hoàn tất giao dịch nộp tiền hoặc xử lý sự cố liên quan đến các giao dịch ngân hàng, từ đó các đối tượng chiếm đoạt tài sản trên 800 triệu đồng (xảy ra 15 vụ).

Thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc qua các sàn giao dịch ảo (sàn vàng, ngoại tệ, bất động sản), các đối tượng tự lập hoặc đứng ra làm đầu mối cho sàn giao dịch nước ngoài để lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch. Sau khi có được lượng khách hàng đầu tư lớn, các đối tượng sẽ công bố “sập sàn” nhằm chiếm đoạt tiền của người đầu tư. Các đối tượng đã lừa nhóm người đầu tư vào sàn SP500 gây thiệt hại trên 1,77 tỷ đồng.

* PV: Trước các thủ đoạn trên, người dân cần làm gì để tránh tội phạm lừa đảo qua không gian mạng hoặc khi bị lừa thì phải làm như thế nào, thưa Đại tá?

* Đại tá Nguyễn Văn Lộc: Người dân khi sử dụng mạng xã hội không nên kết bạn với người không quen biết, không nghe điện thoại khi thấy số điện thoại có đầu số lạ, nhất là các số máy có đầu số nước ngoài 0099..., 0055..., 0088..., 001...; nếu nghe điện thoại của người lạ thì không được làm theo hướng dẫn.

Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như: Số Chứng minh nhân dân (Căn cước công dân), số tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai, khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì; không chuyển tiền, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản ngân hàng của cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai.

Ngoài ra, người dân tuyệt đối không thực hiện yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, viber..., kể cả là của người thân, bạn bè. Cần gọi điện thoại xác nhận nếu người đó là người thân, bạn bè nhằm tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản (bị chiếm quyền kiểm soát tài khoản).

Đặc biệt, cơ quan Công an và cơ quan chức năng (Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân...) không bao giờ thực hiện hoạt động điều tra qua điện thoại, không yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.

Trong mọi trường hợp, người dân không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như Căn cước công dân, giấy Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu cho người không quen biết; không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn (đường link) do đối tượng gửi đến qua tin nhắn, nhất là các đường dẫn yêu cầu đăng nhập làm thủ tục nhận tiền do đối tượng chuyển tiền từ nước ngoài về.

Nếu khi phát hiện đối tượng nghi vấn lừa đảo, người dân cần bình tĩnh điện thoại báo ngay cho Công an để được hỗ trợ; khi đã lỡ chuyển tiền, phát hiện bị lừa đảo thì cần báo ngay cho ngân hàng để kịp thời phong tỏa, ngăn chặn.

* PV: Xin cảm ơn Đại tá!

Thực hiện: TUẤN LÂM - ĐỖ PHI

 

.
.
.