Thứ Tư, 02/11/2022, 19:10 (GMT+7)
.

Đảm bảo bí mật, an toàn người tố giác, tin báo tội phạm

(ABO) Chiều 2-11, Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thanh Nguyên làm Trưởng đoàn đã đến làm việc với Công an tỉnh về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác khởi tố, điều tra các vụ án hình sự.
 
Tham gia Đoàn giám sát có Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Trầm; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hữu Lợi.
 
Đồng chí Trần Thanh Nguyên phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Trần Thanh Nguyên phát biểu tại buổi làm việc.
 
Xác định công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là công tác đặc biệt quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cơ quan điều tra luôn đảm bảo thực hiện đúng pháp luật về trình tự, thủ tục và thời hạn trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của công dân, cơ quan, tổ chức.
 
Từ ngày 1-1-2019 đến 31-3-2022, Công an các đơn vị, địa phương đã tiếp nhận hơn 9.200 tin báo, tố giác cần phải giải quyết; kết quả đã giải quyết 7.347 tin báo, tố giác (quyết định khởi tố vụ án hình sự 3.384 tin báo, tố giác; quyết định không khởi tố 2.871 tin báo, tố giác; quyết định tạm đình chỉ giải quyết 1.092 tin báo, tố giác).
 
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.
 
Theo đánh giá của Công an tỉnh Tiền Giang, việc đảm bảo bí mật về cá nhân, tổ chức cung cấp tố giác, tin báo về tội phạm được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không có trường hợp người tố giác khiếu nại về cơ quan điều tra làm lộ bí mật người tố giác, tin báo tội phạm hoặc trình báo việc lộ thông tin gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
 
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Nhung, Trưởng ban Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Nhung, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi làm việc.
 
Việc thực hiện các hoạt động khám xét, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu; xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra; đối chất, nhận dạng; công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi… đảm bảo khách quan, đúng trình tự quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
 
Từ ngày 1-10-2019 đến 31-3-2022, Cơ quan điều tra cấp tỉnh, huyện ra quyết định khởi tố 4.571 vụ; có 4.571 đủ căn cứ khởi tố; khởi tố bổ sung 4 vụ; 260 vụ khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Cũng thời gian trên, Cơ quan điều tra cấp tỉnh, huyện thụ lý giải quyết 6.140 vụ, với 5.073 bị can (phục hồi điều tra 97 vụ, 104 bị can). Kết quả giải quyết 4.511 vụ, với 3.565 bị can. 
 
Thành viên đoàn giám sát phát biểu ý kiến.
Thành viên đoàn giám sát phát biểu ý kiến.
 
Lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, khó khăn hiện nay là lực lượng điều tra viên còn ít so với yêu cầu công việc thực tế về số lượng án, tố giác, tin báo về tội phạm phải thụ lý giải quyết; trình độ, kinh nghiệm điều tra chưa đồng đều dẫn đến tình trạng chạy theo vụ việc, tỷ lệ điều tra khám phá án chưa cao và xảy ra thiếu sót trong hoạt động điều tra.
 
Công tác dự nguồn, bổ nhiệm điều tra viên hiện nay gặp khó khăn do yêu cầu về tiêu chuẩn bằng cấp, phải thi chuyển điều tra viên và công viêc của điều tra viên mang trách nhiệm pháp lý cao, nguy hiểm, vất vả nhưng không có chế độ chính sách ưu đãi tương xứng nên chưa khuyến khích được cán bộ, chiến sĩ tham gia lĩnh vực công tác điều tra…
 
Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang giải trình một số nội dung do thành viên đoàn giám sát đề nghị.
Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang giải trình một số nội dung theo đề nghị của các thành viên đoàn giám sát.
 
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đề nghị Công an tỉnh giải trình về những hạn chế, tồn tại, như: Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố hầu hết đạt dưới 90%; trong đó, số tạm đình chỉ khá cao, số phục hồi giải quyết thấp, một số nơi chưa đạt 50% như các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, TX. Cai Lậy và TP. Mỹ Tho.
 
Tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm chưa đạt chỉ tiêu theo quy định (dưới 75%), tội rất nghiêm trọng đạt dưới 90%; trong đó, số tạm đình chỉ một số nơi khá cao như các huyện Tân Phước, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và TP. Mỹ Tho. Án trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm, đây là loại truy xét rất khó để khám phá… 
 
Thành viên đoàn giám sát kiến nghị Công an tỉnh các vấn đề như quan tâm về quỹ đất, vị trí để xây dựng trụ sở làm việc cho công an cơ sở; kho bảo quản vật chứng ở một số cơ sở quá tải; xử lý nghiêm các tin báo vu khống, tin giả; cần phản hồi kết quả giải quyết tin báo cho người dân; tổ chức đánh giá các mô hình do Công an phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các hội đoàn thể, những mô hình hiệu quả cần được phát huy, nhân rộng; biểu dương, khen thưởng người dân tố giác tin báo phòng chống tội phạm có hiệu quả… 
 
 
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Nguyên đề nghị Công an tỉnh tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ, chiến sĩ trong tiếp nhận tin báo, tố giác ở cơ sở; quan tâm hỗ trợ, bổ sung biên chế cho những địa bàn có diện tích rộng, tình hình phức tạp; rà soát trang bị, hỗ trợ phương tiện, công cụ hỗ trợ để cán bộ cơ sở làm nhiệm vụ. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp tuần tra giữa lực lượng Công an và Quân sự; phân loại đối tượng ở địa phương để lực lượng theo dõi, tiếp cận từ sớm.
 
Lực lượng Công an phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các hội đoàn thể chính trị - xã hội phát huy các mô hình quần chúng bảo vệ an ninh trật tự, các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cần có cơ chế thông tin phản hồi cho người tố giác, bảo vệ bí mật trong tác nghiệp, đảm bảo an toàn cho người tố giác…
 
VĂN THẢO
 
.
.
.