Thứ Năm, 02/02/2023, 21:59 (GMT+7)
.

Vài lãnh đạo phòng kiểm định của Cục Đăng kiểm nhận tiền hối lộ định kỳ theo tháng, theo quý

Qua điều tra cho thấy, vài lãnh đạo phòng kiểm định của Cục Đăng kiểm nhận tiền hối lộ định kỳ theo tháng, theo quý của một số trung tâm đăng kiểm để bỏ qua lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động, bỏ qua lỗi vi phạm.

Tại cuộc họp báo Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 2-2 , báo chí quan tâm đến kết quả điều tra các sai phạm của các trung tâm đăng kiểm và Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Với vụ án này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đến nay đã khởi tố 248 bị can với các tội danh nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác, sản xuất, mua bán trao đổi công cụ, thiết bị phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật. Đây là vụ án tham nhũng có tổ chức, hành vi sai phạm tiêu cực có hệ thống được tổ chức xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, lãnh đạo phòng kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm đăng kiểm, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội.

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an thông tin tại cuộc họp báo tối 2-2. Ảnh: VIẾT CHUNG
Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an thông tin tại cuộc họp báo tối 2-2. Ảnh: VIẾT CHUNG

Qua điều tra cho thấy, một vài lãnh đạo phòng kiểm định của Cục Đăng kiểm nhận tiền hối lộ định kỳ theo tháng, theo quý của một số trung tâm đăng kiểm để bỏ qua lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất; ký duyệt mã đăng kiểm hoặc thuê viết phần mềm có tính năng chỉnh sửa kết quả kiểm định về khí thải, phanh hay đèn…

“Đây cũng là lý do tại sao có người nói rằng có phương tiện cơ giới trước khi đi đăng kiểm thì "tất cả các bộ phận của xe đều kêu, trừ còi" nhưng sau khi "làm phép" tại trung tâm đăng kiểm thì vẫn trong tình trạng tất cả các bộ phận của xe đều kêu, trừ còi nhưng xe vẫn hoạt động tốt. Đây là việc rất nguy hiểm và là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn”, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.

Về tiến độ điều tra xử lý các vụ án tham nhũng lớn hiện nay, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, với vụ án ở Cục lãnh sự (Bộ Ngoại giao), đến nay, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 41 bị can, tăng 2 bị can so với thông tin tại họp báo Chính phủ tháng 12-2022; số tiền kê biên, phong tỏa, ngăn chặn là 8.000 tỷ đồng. Vụ Việt Á cũng đã khởi tố 104 bị can, tăng thêm 2 bị can so với thông tin tại họp báo Chính phủ tháng 12-2022; số tiền kê biên, phong tỏa, ngăn chặn là khoảng 1.700 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng so với tháng trước.

Mục tiêu của Bộ Công an là phấn đấu kết thúc điều tra các vụ án lớn này trong trong quý 1-2023, nhưng tiến độ điều tra phụ thuộc vào kết quả điều tra, không loại trừ khả năng có thêm tình tiết mới.Tại họp báo, về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai xong quy trình đánh giá tác động, xin ý kiến của các bộ ngành, tổ chức, chuyên gia, kể cả các tổ chức quốc tế.

Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ trong đầu tuần tới. Sau khi nghị định ra đời, Bộ Tài chính cho rằng, các quy định sẽ thích ứng với tình hình thực tế, từ đó củng cố niềm tin của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát hành. Đồng thời, chúng ta cũng bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.Về dự thảo Nghị định quy định chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thông tin, để thể chế hóa Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, trong tháng 12-2022, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tư pháp thống nhất báo cáo Thủ tướng xây dựng nghị định về nội dung này. Đây là nghị định rất phức tạp, khó, mới, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực, vị trí cán bộ. Bộ Nội vụ sẽ nỗ lực để xây dựng Nghị định bảo đảm được thể thế hóa chủ trương của Đảng, bảo đảm tính khả thi. Theo Thứ trưởng, phải rõ được các đối tượng áp dụng vì sẽ rất rộng; phải rõ các nguyên tắc; rõ quy trình thực hiện, khuyến khích và bảo vệ cán bộ; rõ điều kiện khuyến khích và bảo vệ cán bộ…

“Mục tiêu là phải bảo đảm tính khả thi. Nhưng, đây là nghị định rất khó, phức tạp”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thừa nhận. Đồng thời cho biết phấn đấu trong quý 2-2023 sẽ trình Chính phủ.

(Theo sggp.org.vn)


 

.
.
.