.

Hội Cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang: Nhiều ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Cập nhật: 14:52, 18/03/2023 (GMT+7)

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi nhân dân cả nước, riêng Thường trực Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận hơn 130 ý kiến tâm huyết của hội viên CCB các cấp. Qua đó, nhằm góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng vì lợi ích nhân dân, phát huy nguồn lực đất đai cho sự phát triển đất nước.

Thường trực Hội CCB tỉnh đã có Công văn gửi đến Hội CCB huyện, thị, thành, Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các cấp Hội đã tổ chức 13 cuộc với hơn 210 hội viên tham gia, ghi nhận 134 ý kiến đóng góp. Đa số các ý kiến đều thống nhất với nội dung của Dự thảo Luật Đất đai. Thông qua các ý kiến góp ý, cán bộ, hội viên CCB trên địa bàn tỉnh đã phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, góp phần tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của hội viên và tổ chức Hội đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, hội viên CCB về việc sửa đổi Luật, góp phần cụ thể hóa các quy định về đất đai sát với thực tiễn.

Thường trực Hội CCB tỉnh đã tổng hợp ý kiến đóng góp của cán bộ, hội viên CCB đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu như: Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được thể hiện tại Điều 78 của Chương VI. Tuy nhiên, nhiều hội viên có ý kiến bổ sung các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như xây dựng trạm y tế xã, bệnh viện, trường học. Hội viên đề nghị trong Luật nên ghi rõ thêm thời gian Nhà nước kêu gọi đấu thầu có thời gian cụ thể, nếu quá thời hạn cần phải kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu thẩm quyền quy hoạch, thu hồi đất. Qua đó sẽ tránh được lãng phí đất đã thu hồi để thực hiện dự án.

Hội CCB TX. Gò Công tổ chức lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Hội CCB TX. Gò Công tổ chức lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến góp ý cần bổ sung thêm Điều 82 về thẩm quyền thu hồi đất, cụ thể: Thẩm quyền thu hồi đất cần quy định 2 cấp có thẩm quyền thu hồi đất (UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện). Cụ thể, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền ra quyết định thu hồi: Đất của tổ chức; Đất của tổ chức tôn giáo; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài (được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất); Tổ chức ở nước ngoài, có chức năng ngoại giao; Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. UBND cấp huyện có thẩm quyền ra quyết định thu hồi: Thửa đất gia đình, cá nhân, cộng đồng; Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất của xã, phường, thị trấn. Khi thu hồi cần quy định rõ mức hỗ trợ thu hồi hợp lý, hạn chế trường hợp lợi dụng cơ chế Luật để làm sai mục đích thu hồi.

Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một trong những nội dung trọng tâm của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đã có 12 ý kiến đóng góp của hội viên CCB tỉnh về nội dung này. Tại Điều 89 về nguyên tắc bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất, hội viên CCB đề nghị Ban Soạn thảo cần thể chế hóa các quy định, các tiêu chí theo tinh thần Nghị quyết 18 về các vấn đề tái định cư như: Nhà ở, diện tích phân bổ trên đầu người, việc làm, điện, nước sinh hoạt… tránh ghi chung chung như “tốt hơn chỗ ở cũ”. Ở đoạn cuối khoản 2, Điều 89 nên bổ sung nội dung sau: Người sống cùng với người có đất bị thu hồi có quyền yêu cầu bồi thường khi đáp ứng đủ điều kiện của pháp luật. Đồng thời, thay thuật ngữ “bằng đất” tại khoản 4, Điều 3 của dự thảo Luật bằng thuật ngữ “bằng Quyền sử dụng đất” và khoản 6, Điều 3 (giải thích về từ ngữ chiếm đất) nên quy định thành một điều luật riêng, tách khỏi Điều 3 của dự thảo Luật.

Đối với các dự án nhà ở thương mại, các dự án kinh tế nói chung do các nhà đầu tư thực hiện thì nhà đầu tư phải thỏa thuận trực tiếp với người sử dụng đất để thống nhất bồi thường giá trị đất bị thu hồi. Nhằm phân biệt dự án thương mại do nhà đầu tư thực hiện và dự án công trình công cộng do Nhà nước thực hiện. Nhà nước cần có các quy định ngăn chặn được nạn phân lô bán nền đất nông nghiệp “núp bóng” đồng quyền sử dụng đất. Hội viên CCB đã kiến nghị về vấn đề này, chỉ cho những người trực tiếp canh tác sản xuất nông nghiệp mới có chung quyền sử dụng đất.

Góp ý về nội dung giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai, hội viên CCB có ý kiến liên quan đến quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai nên chuyển toàn bộ cho Tòa án nhân dân giải quyết, vì UBND cấp xã không đủ thẩm quyền giải quyết. Ngoài ra, hội viên CCB còn đề nghị Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên bổ sung theo hướng bỏ đối tượng là hộ gia đình, vì hiện nay xác định các thành viên trong hộ còn gặp nhiều khó khăn (do còn gây mất đoàn kết trong hộ gia đình).

Bên cạnh đó, hội viên CCB đã có ý kiến đề nghị bổ sung cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... (được quyền sử dụng đất đối với tất cả các loại đất), vì cán bộ, người hưởng lương không sở hữu đất nông nghiệp là không hợp lý. Công dân có đất và tài sản gắn liền với đất trong các khu quy hoạch, khu dự án trong thời gian chờ thực hiện, thì công dân có đủ quyền sử dụng đất. Hội viên đề nghị bổ sung thêm phần cấp đất cho cá nhân, cho vợ chồng, cho hộ đất thừa kế. Quy định người được cấp thổ cư lần đầu không thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất thổ cư lần đầu; vùng chưa quy hoạch khu dân cư, nhưng ở nông thôn mà nơi đó hiện hữu có khu dân cư thì được cấp phép xây dựng nhà. Hội viên CCB cũng cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang bị trùng với Luật Quy hoạch. Ngoài ra, căn cứ vào Nghị quyết 18 phải khác với câu chữ khi thể chế thành pháp luật, không có tiêu chí rõ ràng, không chung chung.

VĂN THẢO

.
.
.