Thứ Tư, 17/05/2023, 14:39 (GMT+7)
.

Khuyến cáo khi xảy ra cháy ở khu dân cư

(ABO) Thời gian gần đây, đã có rất nhiều vụ cháy liên tiếp xảy ra với con số thương vong và thiệt hại tài sản lớn, đang gióng lên những hồi chuông báo động về công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, đặc biệt tại các khu dân cư.

Hiện trường vụ cháy xảy ra phường 5, TP.Mỹ Tho.
Hiện trường vụ cháy xảy ra phường 5, TP. Mỹ Tho.

Trước vấn đề trên, phóng viên Báo Ấp Bắc đã trao đổi với Thiếu tá Đoàn Khoa Nam, Phó đội trưởng Đội Công tác phòng cháy - Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh Tiền Giang về các khuyến cáo khi xảy ra cháy, đặc biệt là cách thoát hiểm ở khu dân cư khi xảy ra cháy.

* Phóng viên (PV): Khi xảy ra cháy thì người dân sẽ phải làm thế nào để thoát hiểm, thưa đồng chí?

* Thiếu tá Đoàn Khoa Nam: Điều đầu tiên, người dân cần bình tĩnh thông báo cho mọi người và tìm đường thoát.
 
Khi phát hiện cháy, người dân cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết và thoát ra ngoài theo lối cửa chính của căn nhà nếu như lối này chưa bị lửa, khói bao trùm. Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo.
 
Trong trường hợp lối thoát qua cửa chính tại tầng 1 đã bị lửa, khói bao trùm thì bình tĩnh và cùng các thành viên trong gia đình tìm lối thoát khác như di chuyển ra ngoài ban công và sử dụng các phương tiện như thang dây nếu có, hoặc trong trường hợp cấp thiết có thể sử dụng dây thừng hay các dây tự nối bằng các vật dụng như rèm, ga giường, quần, để thoát xuống dưới và ra nơi an toàn. Tuy nhiên, trước khi dùng dây để leo xuống cần phải đảm bảo dây chắc chắn và dây phải buộc vào các cấu kiện vững chắc.
 
Sau đó, người dân cần xác định lối an toàn
 
Để thoát nạn an toàn khi xảy ra hỏa hoạn, trước hết phải xác định được lối ra an toàn khỏi căn nhà đang cháy. Thông thường, các lối thoát đến nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm: Lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề. Bên cạnh đó, đối với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như thang, thang cây, dây tự cứu hạ chậm…
 
Tuyệt đối không trốn vào nhà vệ sinh
 
Người dân tuyệt đối không chạy vào nhà vệ sinh để trốn tránh, bởi rất dễ bị ngạt khói và lửa thiêu khi đám cháy lan ra toàn bộ căn hộ. Trong một số tình huống cấp thiết, để ngăn đám cháy từ các tầng dưới lan lên tầng trên, mọi người có thể xả nước từ nhà tắm để nước tràn ra sàn nhà và chảy xuống các tầng dưới, khi đó có thể ngăn đám cháy lan lên các tầng trên.
 
Tuy nhiên, khi xả nước trong căn hộ cần lưu ý phải cắt cầu dao tổng để tránh bị điện giật do nước tràn làm chập các thiết bị điện.
 
Nhà có lồng sắt cần trang bị búa, rìu, kìm cộng lực. Đối với các nhà, công trình có lồng sắt bao bọc phía ngoài nhà, có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề. Nếu trên các lồng sắt đó không có sẵn các cửa thoát hiểm hãy bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu hoặc các vật dụng khác nhằm bẻ gãy hay banh rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể chui qua và sang công trình liền kề, hoặc xuống nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh. Đặc biệt lưu ý, những hộ dân ở những căn nhà này cần thiết trang bị sẵn những thiết bị phục vụ thoát hiểm như kìm cộng lực, búa, rìu...
 
Phòng bị mọi nguy cơ nguy hiểm
 
Trong tất cả các trường hợp, người dân khi phát hiện cháy phải nhanh chóng gọi điện báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 để kịp thời đến cứu nạn và dập tắt đám cháy. Điều quan trọng nhất là các hộ gia đình cần nêu cao tinh thần "phòng cháy hơn chữa cháy".
 
Với các hộ dân ở nhà hình ống, cần chuẩn bị đầy đủ bình chữa cháy tại nhà, đặc biệt không nên làm lồng sắt bịt kín các lối như ban công và cửa sổ. Trong trường hợp gia đình cơi nới "chuồng cọp" phải làm lối thoát hoặc chuẩn bị sẵn những thiết bị, dụng cụ và hướng dẫn người nhà (đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi) cách sử dụng khi cần thiết.
 
* Phóng viên: Đồng chí có thể khuyến cáo hay cung cấp thêm một số thông tin thoát hiểm khi xảy ra cháy khu dân cư, nhà ở?
 
* Thiếu tá Đoàn Khoa Nam: Khi xảy ra sự cố về cháy, nổ mọi người phải bình tĩnh và gọi điện thoại cho Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy theo số 114. Đồng thời, quan sát thật kỹ, tìm mọi cách di chuyển ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt và hô hoán để mọi người ứng cứu.
 
Đối với các em nhỏ phải làm theo sự chỉ dẫn của người lớn trong gia đình. Khi phát hiện ra cháy trong căn hộ nơi đang sinh sống cần thực hiện ngay việc cắt nguồn điện và nguồn cấp gas vào căn hộ (nếu có). Khi thoát hiểm, vì khói luôn bay lên cao nên để tránh bị ngạt khói, phải tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người khi di chuyển. Đôi lúc, cần bò dưới sàn nếu lượng khói tập trung nhiều và bịt khăn có thấm nước lên miệng, mũi để tránh ngạt rồi thoát ra ngoài. Trong khi bò nên bò theo men bờ tường để tìm lối thoát nạn một cách nhanh nhất.
Khi xảy cháy báo cho người xung quanh thoát hiểm và gọi ngay lực lượng 114.
Khi xảy ra cháy nên nhanh chóng báo cho người xung quanh thoát hiểm và gọi ngay lực lượng phòng cháy, chữa cháy theo số 114.

Khi thoát ra ngoài, cần di chuyển theo đường cầu thang bộ hay theo lối đèn có chữ “EXIT - lối ra” để thoát nạn. Đồng thời, trên đường đi, hãy báo cho hàng xóm hoặc những người khác ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra. Tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy trong quá trình thoát nạn. Không được sử dụng thang máy để thoát nạn vì khi xảy ra sự cố cháy, nổ, rất có thể nguồn điện sẽ bị cắt nên thang máy sẽ bị dừng lại bất cứ khi nào dẫn đến bị kẹt và ngạt khí gây tử vong.

Việc mở cửa một cách bất ngờ cũng có thể gây nguy hiểm, nhất là khi bên kia cánh cửa là phòng kín đang cháy. Hành động mở cửa đột ngột làm Oxy từ bên ngoài tràn vào khiến người mở cửa lãnh trọn ngọn lửa cùng khí độc về phía mình. Nếu phải mở cửa thì phải dùng mu bàn tay để kiểm tra cánh cửa, cảm nhận độ nóng bên ngoài. Có thể hé cửa để quan sát nếu thấy khói, mùi hóa chất, hơi nóng dày đặc phải đóng cửa lại ngay.
 
Khi di chuyển theo lối thoát hiểm, có khả năng đầu tóc, quần áo của mọi người sẽ bị bén lửa. Lúc này, tuyệt đối không được bỏ chạy vì càng chạy ngọn lửa càng bùng to và gây tổn thương nghiêm trọng. Nếu lửa cháy trên tóc phải nhanh chóng cởi áo trùm kín đầu để dập lửa. Nếu lửa bén lên quần áo phải nằm ngay xuống đất, lăn người qua lại hoặc lăn tròn đến khi lửa tắt hẳn mới đứng dậy. Nếu người khác bị bén lửa hãy giúp họ bằng cách dùng mền, quần áo trùm lên người họ hoặc yêu cầu họ nằm xuống đất, lăn qua lăn lại để dập lửa.
 
Trong trường hợp ngọn lửa bùng phát, khói, khí độc bao trùm hành lang và không thể thoát ra ngoài cần bình tĩnh dùng chăn ẩm ướt hoặc băng dính bịt kín các khe cửa để tránh khói, khí độc tràn vào phòng và ở tại phòng chờ lực lượng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đến để đưa ra nơi an toàn. Tuyệt đối không núp trong nhà vệ sinh. Bên cạnh đó, cần di chuyển ra ngoài ban công, cửa sổ gọi to hoặc dùng khăn, áo mũ để ra hiệu cầu cứu.
 
HOÀNG LONG
.
.
.