.

Đổi nguy hiểm lấy bình yên

Cập nhật: 21:24, 23/01/2024 (GMT+7)

Cả nước đang mở đợt cao điểm vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo: Phát động chương trình “đổi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy”. Đây có thể xem là biện pháp “nhất tiễn song điêu”.

Lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam vận động người dân vùng cao giao nộp vũ khí. Ảnh: Báo Công an nhân dân.
Lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam vận động người dân vùng cao giao nộp vũ khí. Ảnh: Báo Công an nhân dân.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định: Nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn cho người dân, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Theo Bộ Công an, trong hơn 5 năm qua, toàn quốc đã vận động nhân dân giao nộp khoảng 100.000 khẩu súng các loại; gần 20.000 bom, mìn, lựu đạn, khoảng 4.000kg thuốc nổ. Trong khi đó, năm 2023, toàn quốc xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người, thiệt hại về tài sản sơ bộ ước tính gần 900 tỷ đồng...

Hiện nay, vũ khí, vật liệu nổ trong dân vẫn còn khá nhiều và việc chế tạo, mua bán các loại vũ khí nóng đang diễn ra tinh vi, phức tạp. Dịp Tết Nguyên đán, tình trạng buôn bán, tàng trữ pháo lậu càng nhức nhối. Bình chữa cháy thì gia đình nào cũng cần, nhưng không phải ai cũng có điều kiện để mua. “Đổi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy” là chương trình có ý nghĩa thiết thực.

Cách làm này cần được nhân rộng; quá trình thực hiện nên lồng ghép, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; vận động nhân dân tích cực phát hiện, tố giác, phối hợp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các trường hợp vi phạm. Sau khi đổi vũ khí, vật liệu nổ lấy bình chữa cháy, cần hướng dẫn cách sử dụng cho người dân.

Nhà không có vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép là giảm nguy cơ mất an toàn, không vi phạm pháp luật. Nhà có thêm bình chữa cháy càng bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của gia đình. Làm cho người dân hiểu rõ mục đích, lợi ích của chương trình thì việc đổi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy sẽ thành công.

(Theo www.qdnd.vn)

 

.
.
.