Thứ Hai, 01/12/2014, 17:07 (GMT+7)
.

Kết quả bước đầu triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.049 tổ hòa giải và 6.896 hòa giải viên. Để có cơ sở củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng công tác hòa giải, vào cuối năm 2013 Sở Tư pháp đã tiến hành khảo sát về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, trong đó tiến hành khảo sát 514 phiếu dành cho cán bộ làm quản lý công tác hòa giải và 6.787 phiếu dành cho cán bộ trực tiếp làm công tác hòa giải.

Qua đó cho thấy, kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hòa giải thành đạt xấp xỉ 80%, đã góp phần không nhỏ trong giải quyết mâu thuẫn và tranh chấp nhỏ ở cơ sở.

Để đưa Luật Hòa giải ở cơ sở thật sự đi vào đời sống, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh như: Chỉ thị 14/2014/CT-UBND ngày
17-6-2014 về việc tăng cường công tác tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở và Kế hoạch 168/KH-UBND ngày 28-10-2013 triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Công tác tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng hòa giải viên ở cơ sở luôn được chú trọng, thực hiện thường xuyên. Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức tập huấn kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho 3.147 lượt tổ trưởng, tổ phó tổ hòa giải, bí thư chi bộ và trưởng ấp các xã điểm xây dựng nông thôn mới.

Mặt khác, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh thành lập tổ hòa giải khu nhà trọ công nhân, đến nay đã thành lập và đưa vào hoạt động 26 tổ hòa giải khu nhà trọ.

Nhằm tạo động lực khuyến khích, động viên lực lượng hòa giải viên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đang trình UBND tỉnh Tờ trình để HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết về nội dung chi, mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, quy định mức bồi dưỡng cụ thể cho các hòa giải viên, nhất là chính sách về hỗ trợ cho hoạt động của tổ hòa giải, hỗ trợ cho hòa giải viên khi gặp rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ....

Điểm nổi bật của công tác này trong năm 2014 là: Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 84/KH-UBND ngày 5-5-2014 tổ chức Hội thi “Hòa giải viên giỏi cấp tỉnh” lần III - năm 2014. Theo đó, Phòng Tư pháp các huyện (thành, thị) đã tham mưu UBND cùng cấp tổ chức tốt Hội thi “Hòa giải viên giỏi” cấp huyện lần III - năm 2014.

Trên cơ sở đó, mỗi đơn vị cấp huyện chọn 1 đội để dự hội thi cấp tỉnh, nhằm tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9-11). Hội thi là dịp để các hòa giải viên trau dồi kiến thức, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, góp phần đưa công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

Có thể nói, qua gần 1 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở đã từng bước được nâng lên cả về mặt tổ chức, lực lượng và chất lượng. Công tác này đã thật sự góp phần quan trọng trong việc xây dựng, củng cố tình làng nghĩa xóm, tác động thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế cũng cho thấy, hoạt động hòa giải ở cơ sở hiện nay còn nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, ở một số xã (phường, thị trấn), các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chưa thật sự quan tâm công tác hòa giải; thiếu sự phối hợp giữa các ban, ngành để tiến hành hòa giải; nhiều hòa giải viên còn hạn chế về trình độ nghiệp vụ, kiến thức pháp luật để vận dụng trong quá trình hòa giải.

Ngoài ra, vẫn còn tồn tại tình trạng khi sự việc xảy ra chưa phát hiện kịp thời hoặc giải quyết qua loa nên kết quả hòa giải chưa cao..., đã làm hạn chế kết quả và chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải.

Ðể công tác hòa giải ở cơ sở phát huy hiệu quả, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự ở địa phương, cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu hòa giải thành theo Chỉ thị 06-CT/TU ngày 1-11-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp, mong rằng các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, cơ sở tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải; thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên cơ sở; đẩy mạnh các hình thức giao lưu để các hòa giải viên được thường xuyên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau...

PHẠM VĂN TRỌNG

.
.
.