.
GÓP Ý VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Làm rõ hơn các quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Cập nhật: 10:19, 06/03/2023 (GMT+7)

Thông qua việc tổ chức lấy ý kiến người dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều người dân tỉnh Tiền Giang đã có các ý kiến đề nghị bổ sung thêm, cũng như các hướng dẫn thi hành để làm rõ các quy định của dự thảo luật.

* CHỦ TỊCH HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ HUYỆN TÂN PHƯỚC PHẠM THỊ THẾ BĂNG:

Quan tâm đến quy định thu hồi đất và giải quyết tranh chấp khiếu nại

 

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Tân Phước đã tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong cán bộ, hội viên, phụ nữ thông qua các cuộc họp Ban Chấp hành, sinh hoạt chi, tổ Hội, câu lạc bộ, tổ, nhóm được 137 cuộc có 3.617 người dự. Qua đó, cán bộ, hội viên, phụ nữ huyện đã có nhiều góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó một số ý kiến đã nhận được nhiều sự quan tâm như sau:

Ở chương VII: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, có ý kiến cho rằng, các trường hợp thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư sao cho phù hợp khi nhà nước thu hồi đất. Thống nhất với khoản 2, Điều 80 của dự thảo Luật này quy định: Việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Ở chương X: Tài chính về đất đai, giá đất, quy định tại khoản 1, Điều 130 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) “Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp”, việc điều chỉnh giá đất theo giá thị trường là còn chung chung, mơ hồ, hiện nay chưa có hướng dẫn, cơ sở nào để xác định giá đất trên thị trường. Đề nghị cần làm rõ nội dung, cách thức xác định rõ giá đất phổ biến trên thị trường tránh gây khó khăn trong triển khai thực hiện sau khi Luật được ban hành. Cần tránh trường hợp giá được định chênh lệch quá lớn với giá thị trường, các “cò đất” đẩy giá chênh lệch quá cao làm hoang mang trong dư luận.

Ở chương XV giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đa số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng, tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu tại Điều 227. Tuy nhiên, cần quy định rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân về thẩm quyền giải quyết, thời gian giải quyết vì trên thực tế có rất nhiều vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất.

* CHỦ TỊCH ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM XÃ THANH BÌNH (HUYỆN CHỢ GẠO) LÊ VĂN DỪA:

Hạn chế có nhiều nghị định, thông tư để hướng dẫn thi hành luật

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã có những quy định rõ ràng, chi tiết cụ thể. Bản thân tôi trước hết là tán thành theo các nội dung được quy định trong Luật. Tuy nhiên, qua nghiên cứu còn rất nhiều điều trong Luật ghi nội dung là “Chính phủ quy định chi tiết Điều này”. Do vậy, Chính phủ sẽ phải ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn chi tiết và hướng dẫn triển khai thực hiện. Việc có quá nhiều nghị định, thông tư để hướng dẫn thi hành luật sẽ dẫn đến khó bảo đảm tính đồng bộ, cụ thể, chặt chẽ của luật. Do vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần quy định rõ ràng, chi tiết và cụ thể hơn nữa.

 

Ở mục “Các trường hợp thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư”, muốn hạn chế cho việc thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, ở đây cần quy định cụ thể: “Thỏa thuận để đền bù cho quyền sử dụng đất của nhân dân đối với nhà nước”, trong Luật nên có quy định rõ hơn là: “Đất đã được nhà nước có quy hoạch cụ thể, trong quá trình quy hoạch nhưng nhà nước chưa sử dụng, nhân dân tự lấn chiếm, khi dự án thực hiện thì nhà nước sử dụng không cần thỏa thuận để bồi thường quyền sử dụng đất”.

Thực tế công trình, dự án nhà nước thực hiện thời gian qua, đất đã được nhà nước cắm mốc ranh giới nhưng chưa thực hiện, thì người dân tự ý xây dựng vật kiến trúc, trồng cây, hoa màu. Đến khi công trình, dự án thực hiện thì nhà nước đền bù cho người có vật kiến trúc, sản xuất, kinh doanh xây dựng trước và sau khi nhà nước lập quy hoạch cắm mốc ranh giới là bằng nhau. Như vậy, mức giá đền bù sẽ không công bằng với người chấp hành quy định của pháp luật.

VĂN THẢO - CAO THẮNG (lược ghi)

 

.
.
.