Thứ Hai, 09/04/2012, 16:04 (GMT+7)
.
Huyền thoại võ Gò Công:

Còn đâu ngày ấy!

Là vùng đất được mệnh danh “địa linh nhân kiệt”, Gò Công (tỉnh Tiền Giang) là nơi phát tích, sản sinh ra nhiều bậc kỳ tài và cũng là cứ địa của người anh hùng dân tộc Trương Định dấy binh khởi nghĩa chống Pháp. Phong trào khởi nghĩa yêu nước này là nền tảng ra đời của hệ phái võ Gò Công đã trở thành huyền thoại với những võ sư cùng các thế võ hiểm hóc độc đáo từng làm các hệ phái võ trong và ngoài nước kiêng dè.

* Một thời vang bóng

Võ sư Triệu Tử Long
Võ sư Trần Bình Long

Theo tài liệu tham khảo từ website “Võ công Việt”, ở Gò Công có hệ phái Lâm Sơn phát nguồn từ lực lượng kháng chiến của Trương Định. Sau nhiều thế hệ truyền nhân, hệ phái này cũng phân mảnh thành nhiều chi phái khác nhau, trong đó có hệ phái võ Triệu Tử Long (hay còn gọi là võ Gò Công). Sư tổ của hệ phái võ này là võ sư Triệu Tử Long (tên thật là Phạm Văn Chí, mất năm 1972).

Tương truyền rằng ông là người đi học võ từ một nghĩa quân của Trương Định đã về mai danh ẩn tích tại vùng Gò Công sau khi cuộc kháng chiến thất bại. Ngoài ra, ông còn đi học nhiều thầy võ khác để cuối cùng chọn lọc, sáng tạo ra bài quyền cùng những thế đánh riêng cho hệ phái võ Gò Công sau này. Lúc sinh thời, ông mở võ đường Gò Công, đào tạo nhiều võ sĩ, sau này trở thành võ sư nổi tiếng, trong đó có cả mấy người con của ông.

Thế hệ học trò đầu của võ đường lúc bấy giờ là võ sư Hồng Long (tên thật là Phạm Văn Thời), võ sư Sơn Long (tên thật Phạm Văn Chơi), võ sư Hồng Yên (tên thật Nguyễn Văn Yên), võ sư Hồng Cầm (tên thật Nguyễn Thanh Hồng), võ sư Trần Bình Long (tên thật Nguyễn Văn Mừng), võ sư Hắc Long, võ sư Ngọc Long, võ sư Huỳnh Long…

Sau khi tổ sư Triệu Tử Long mất vào năm 1972, người con của ông là võ sư Hồng Long tiếp quản võ đường (đổi tên là võ đường Hồng Long) và tiếp tục truyền dạy võ nghệ cho đến thập niên 90 thì nghỉ vì sức khỏe. Được biết, sau năm 1975, thế hệ võ sư đầu tiên của võ sư Triệu Tử Long đã mở võ đường rải rác trong tỉnh, đồng thời có nhiều võ sĩ tham gia nhiều trận đấu trong và ngoài nước, mang lại nhiều danh hiệu cao quý về cho hệ phái võ Gò Công.

Đặc biệt, người mang lại đỉnh cao vinh quang cho võ Gò Công vào thời điểm trước năm 1975 là võ sĩ Trần Bình Long (hiện nay đã 56 tuổi, đang sống ở xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây), người đoạt và bảo vệ thành công danh hiệu võ sĩ vô địch quốc gia trước năm 1975. Bắt đầu học võ từ lớp 9, võ sĩ Trần Bình Long đã thượng đài tất cả 21 trận, trong đó có 17 trận thắng bằng đòn hạ nockout đối thủ bằng những thế đánh gia truyền của phái võ Gò Công.

Với thế đánh dũng mạnh, ra đòn khỏe, dứt khoát, võ sĩ Trần Bình Long được báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ phong tặng là “tay đấm chưa biết mệt ở Việt Nam”. Đối với võ sĩ Trần Bình Long, kỷ niệm sâu đậm nhất trong nghiệp võ mà cũng là huyền thoại để người ta truyền miệng về ông, đó là trận đấu với các võ sĩ Hồng Kông, Campuchia, Trung Quốc (với võ sĩ Lý Diệu Quang – môn đồ của Lý Tiểu Long) mà chiến thắng đã thuộc về ông.

Sau khi ông đánh thắng ở giải đấu võ tranh chức vô địch quốc gia vào ngày 27-4-1974 tại Sài Gòn, võ sĩ Trần Bình Long còn nhận lời thách đấu của nhiều võ sĩ trong nước như võ sĩ Lâm Điền Vũ (võ đường Xuân Bình ở Sài Gòn), võ sĩ Nguyễn Tiến Dũng (võ đường nguyễn Hoàng ở Quảng Ngãi)…; ông đã bảo vệ thành công danh hiệu võ sĩ vô địch mà không một lần bị đánh bại.

Bên cạnh võ sĩ Trần Bình Long còn phải kể đến võ sĩ Sơn Long (Phạm Thành Chơi), Hồng Yên (Nguyễn Văn Yên), Hồng Cầm (Nguyễn Thanh Hồng)… của võ đường Triệu Tử Long đã chiến thắng ở nhiều trận đấu võ đài trong nước kể cả trước và sau năm 1975. Những võ sư thuộc thế hệ đầu của võ đường còn nổi tiếng về đào tạo một thế hệ võ sĩ trẻ mang lại chiến thắng khi thi đấu tại các giải võ cổ truyền ở khu vực trong nước sau này.

* Còn đâu một huyền thoại?

Võ sư Triệu Tử Long
Võ sư Trần Bình Long (đứng giữa)

Sau năm 1975, võ đường Hồng Long do võ sư Nguyễn Văn Thời (Bảy Thời) làm chưởng môn cũng còn thu nhận học trò và đã góp phần cho phong trào võ thuật ở tỉnh nhà phát triển, đặc biệt là có ảnh hưởng rất lớn ở các huyện phía đông. Nhờ học hỏi và tìm hiểu kiến thức võ thuật của nhiều môn phái nên võ sư Bảy Thời đã chắt lọc được nhiều thế đánh, chiêu thức độc đáo.

Do đó, khi được mời về làm huấn luyện viên cho Sở Thể dục Thể thao (nay là Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch), ông đã rèn luyện được một đội ngũ võ sĩ của tỉnh nhà nổi tiếng là “đánh đâu thắng đó” khi tham gia các giải đấu võ thuật cổ truyền trong và ngoài tỉnh, khu vực. Các sư đệ của ông như võ sư Sơn Long (Hai Chơi) tham gia công tác ở Phòng VHTT-TDTT huyện Gò Công Đông cũng mở sân võ để dạy võ sinh. Võ sư Sơn Long còn được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội Võ cổ truyền của tỉnh 2 nhiệm kỳ và hiện là thành viên của Liên đoàn võ thuật tỉnh.

Võ sư Trần Bình Long nguyên là giáo viên dạy thể dục nên khi về dạy ở trường THPT Trương Định cũng có mở lớp dạy võ cho học sinh trong trường và những người yêu thích môn võ Gò Công. Sau đó, ông còn được mời về làm huấn luyện viên cho Phòng Văn hóa Thể thao-Du lịch huyện Gò Công Tây và cũng đào tạo được nhiều võ sinh có năng khiếu về võ học, thi đấu các giải trong tỉnh đạt kết quả cao. Hay võ sư Hồng Cầm (Nguyễn Thanh Hồng, là Trưởng Phòng Văn hóa Thể thao-Du lịch TX. Gò Công) cũng có mở sân võ ở thị xã để dạy võ…

Càng về sau, phần lý do khách quan về tình hình kinh tế gặp khó khăn, phần vì chuyện “cơm áo gạo tiền” nên phong trào học võ cổ truyền Gò Công dần dần giảm sút. Võ sư Bảy Thời do tuổi đã cao nên nay đã đóng cửa võ đường, nghỉ dưỡng. Hầu hết các võ sư còn lại đều gác lại niềm đam mê và nhiệt huyết của mình với nghiệp võ để tìm kế sinh nhai; các sân võ hầu như nghỉ gần hết, chỉ còn hai sân võ còn duy trì đến nay là của võ sư Hai Thời (TT. Tân Hòa, Gò Công Đông) và võ sư Hồng Cầm (TX. Gò Công).

Đến nay, hầu hết các võ sư hệ phái võ Gò Công đã có đời sống ổn định, giàu có nhưng ngặt nỗi tuổi cũng đã lớn theo thời gian nên chuyện khôi phục lại hệ phái võ cổ truyền Gò Công là chuyện “lực bất tòng tâm”.

Gặp nhau tại nhà anh bạn gần ao Trường Đua (TX. Gò Công) vào một ngày đầu năm, võ sư Hồng Yên bồi hồi kể lại chuyện nổi danh của làng võ Gò Công ngày xưa, đồng thời không nén được tiếng thở dài khi thấy hệ phái võ đã dần mai một, có nguy cơ bị thất truyền.

Nhắp một hơi rượu, nhìn ra mặt nước ao Trường Đua đang phản chiếu một vài tia nắng hiếm hoi của buổi chiều tà, võ sư Hồng Yên tâm tư: Trước đây, anh Mười Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông (nay là Phó Giám đốc Sở Nội vụ) đã từng có ý tưởng khôi phục lại làng võ Gò Công nhưng khi anh ấy về tỉnh thì ở địa phương không thấy ai đả động đến. Chắc là do gặp khó khăn về kinh phí!?

Võ sư Trần Bình Long, võ sĩ vô địch quốc gia một thời, tiếc nuối: Tôi cũng rất muốn truyền chiêu thức (miễn phí) lại cho những anh em khoái võ cổ truyền nhưng ngặt nỗi sức khỏe cũng như điều kiện làm kinh tế không cho phép. Tuy nhiên, nếu có anh em nào đứng ra mở sân, đảm trách vai trò chính thì tôi sẽ hỗ trợ.

Riêng võ sư Phạm Văn Chơi, Phó trưởng Phòng Văn hóa Thể thao-Du lịch huyện Gò Công Đông thì cho biết: Nếu ngành thể dục thể thao tỉnh nhà không có hướng đầu tư để khôi phục môn võ cổ truyền Gò Công thì khả năng mai một là điều không tránh khỏi. Sau khi võ sư Bảy Thời nghỉ không làm huấn luyện viên môn võ cổ truyền của tỉnh thì thành tích của các vận động viên thi đấu môn võ cổ truyền này đã bị giảm sút vì các HLV khác dẫn dắt không có hiệu quả. Hơn nữa, theo tôi được biết, trong quy hoạch các môn thể thao để đầu tư cho các giải thi đấu khu vực và trong nước thì lại không có môn võ cổ truyền nên chuyện khôi phục hệ phái võ Gò Công là điều rất khó!

Chia tay với các võ sư của hệ phái võ sư huyền thoại Gò Công, trên đường về, tôi đồng cảm với họ về một ước muốn khôi phục lại làng võ cổ truyền cũng như nỗi buồn của họ khi tiên liệu rằng hệ phái võ này sẽ bị thất truyền trong tương lai!

HỮU CHÍ

.
.
.