Thứ Ba, 03/04/2012, 06:33 (GMT+7)
.

Sức sống mới ở huyện đảo Trường Sa

Theo định hướng của UBND tỉnh Khánh Hòa, thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn) được xây dựng thành trung tâm kinh tế - xã hội đặc biệt ở cực Đông của Tổ quốc. Các làng lập nghiệp trên quần đảo Trường Sa gồm: thị trấn Trường Sa, xã đảo Song Tử Tây và Sinh Tồn với hàng chục hộ dân cùng những thế hệ công dân sinh ra, lớn lên tại đây không chỉ minh chứng cho sự sinh tồn trên huyện đảo mà còn là sự tiếp nối các thế hệ quân dân trong việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng.

Các làng lập nghiệp trên biển Đông nổi bật với những căn nhà mái ngói đỏ au, được xây dựng cùng một kiến trúc vừa đảm bảo yếu tố cảnh quan môi trường vừa đủ khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của bão tố. Mỗi căn nhà rộng khoảng 100m², có 3 phòng: phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp và công trình phụ được thiết kế khép kín thuận tiện.

Trước mỗi căn nhà đều có mảnh vườn nhỏ để trồng rau xanh, trồng cây ăn quả như đu đủ, chuối… và để làm chuồng nuôi gà, vịt ăn thịt. Mặc dù luôn phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, nhưng ở các hộ gia đình trên đảo luôn đầy ắp niềm vui và tiếng cười.

Nhà dân trên xã đảo Song Tử Tây
Nhà dân trên xã đảo Song Tử Tây

Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực của mỗi hộ gia đình và sự quan tâm, hỗ trợ từ đất liền nên các gia đình ở các làng lập nghiệp hiện nay đều có tủ lạnh, ti vi… Hệ thống năng lượng sạch và trạm phát sóng điện thoại Viettel, mạng thông tin VSAT đã giúp người dân có điều kiện nâng cao đời sống tinh thần, đảm bảo liên lạc với người thân trong đất liền thuận lợi hơn.

Vợ chồng anh Nguyễn Xuân Yên - Trần Thị Hoa vẫn còn nhớ cảm xúc đầu tiên khi chia tay họ hàng, đưa 2 đứa con nhỏ ra lập nghiệp ở thị trấn Trường Sa. Chị tâm sự: Khi mới ra đảo, khó khăn lớn nhất là chưa quen với điều kiện sống trên đảo nhưng nhờ sự hỗ trợ của lãnh đạo thị trấn Trường Sa cũng như các anh bộ đội trên đảo nên cuộc sống của gia đình giờ đã ổn định. Tình cảm quân dân trên đảo là chỗ dựa tinh thần vững chắc để người dân trên đảo yên tâm, làm ăn sinh sống.

Anh Nguyễn Văn Chung, phấn khởi: “Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cuộc sống gia đình tôi đã an cư lạc nghiệp và yên tâm tiếp tục sinh sống lâu dài trên đảo…”.

Khi đến thăm một số hộ dân trong làng lập nghiệp, chúng tôi ghi nhận được cuộc sống bình yên, hiền hòa như ở những làng biển truyền thống ở đất liền. Các thành viên của các hộ dân làm công nhân hợp đồng cho UBND thị trấn, khai thác đánh bắt hải sản, chăn nuôi, trồng rau và cây ăn quả để tăng gia sản xuất. Các chị phụ nữ sau thời gian làm việc cho các cơ quan, đơn vị trên thị trấn trở về nhà bắt tay vào lo buổi cơm gia đình hoặc chăm sóc vườn rau, đàn gà, vịt; còn các anh ra biển bắt cá. Theo các ngư dân, mặc dù cá ở khu vực đảo Trường Sa Lớn không nhiều như các đảo chìm khác nhưng toàn là cá đặc sản.

Được biết, số cá hàng ngày đánh bắt được của các ngư dân ở đây sẽ được UBND thị trấn, các đơn vị khác trên đảo thu mua, nhập kho với giá thỏa thuận. Ngược lại, các ngư dân ở đây khi gặp khó khăn cũng sẽ được các đơn vị hỗ trợ rau xanh, lương thực trong những ngày bão lớn.

Chị Đặng Thị Liễu (nhà số 4 Song Tử Tây) là nhân viên của UBND xã, còn chồng là anh Phạm Thành Cốc làm ngư phủ. Thu nhập từ lương của chị và tiền bán cá do anh Cốc bắt được hàng ngày trên biển (bán cho bếp ăn của các đơn vị bộ đội) đảm bảo cuộc sống gia đình và gởi về nuôi hai đứa con ở đất liền.

Chị Liễu còn khoe giấy khen của đứa con gái nhỏ là Phạm Thị Thu Huyền (10 tuổi) đang học lớp 4 nhưng đã đạt danh hiệu học sinh giỏi lớp 3 của niên học 2009 - 2010. Gia đình các anh Huỳnh Viên, Trương Sứ Long… cũng có đời sống ổn định, khấm khá.

UBND thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây…đã xây dựng trường học với các điểm vui chơi cho các em thiếu nhi nhằm đảm bảo có chỗ vui chơi và học tập cho con em của người dân nơi đây.

Hoa hậu Hương Giang nô đùa cùng các trẻ em trên xã đảo Song Tử Tây
Hoa hậu Hương Giang nô đùa cùng các trẻ em trên xã đảo Song Tử Tây

Ở thị trấn Trường Sa có 4 lớp học ở hai bậc học (mầm non và tiểu học) với 8 học sinh, trong đó một em học lớp 5, một em học mẫu giáo, lớp 2, 3 mỗi lớp đều có 2 học sinh. Cô giáo dạy các lớp học này là chị Bùi Thị Nhung, người tình nguyện xin ra thị trấn xa xôi sau khi biết thông tin ngoài Trường Sa cần tuyển giáo viên. Hai vợ chồng cùng hai con (có bé trai hơn 6 tháng tuổi) khi ra đây đã được chính quyền thị trấn hỗ trợ cất tặng căn nhà như một món quà và tình cảm trên đảo tặng cô giáo.

Theo chị Nhung: “Những ngày đầu đặt chân đến thị trấn này, tôi vừa thấy hồi hộp, lo lắng và có cả hạnh phúc. Hồi hộp lo lắng vì không biết cuộc sống ngoài này thế nào, mình có quen và hợp được với khí hậu hay không. Hạnh phúc vì được ra dạy các cháu nhỏ trên đảo. Giờ đây tôi thực sự cảm thấy thoải mái với cuộc sống, công việc dạy học nơi đây nên sẽ gắn bó lâu dài với thị trấn giữa biển Đông này!”. Chị Nhung chia sẻ kỷ niệm nhớ nhất là lúc tiễn các em học sinh vào đất liền học lên cấp 2, lúc đó cả cô và trò đều òa khóc…

Chị Nguyễn Thị Hạnh, phụ huynh em Võ Viết Hiền, đang học lớp 5 ở đảo, mong sao sau này các cháu nhỏ trong xóm được học cấp 2 ngay tại đảo, gần gia đình, gần bố mẹ, để các cháu không phải xa cách như bây giờ.

Cuộc sống mới đã và đang nảy mầm, bén rễ tươi tốt trên thị trấn Trường Sa và các xã đảo được minh chứng qua những thế hệ công dân mới được sinh ra và đang lớn lên tại đây, như: em Nguyễn Chen Sy, Nguyễn Ngọc Trường Xuân, Hồ Song Tất Minh, Chúc Nữ… Những em bé chào đời giữa ngàn trùng sóng nước không đơn thuần là quy luật sinh tồn, mà còn thể hiện sự tiếp nối cuộc sống của các thế hệ người Việt Nam trong việc bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Đinh Văn Hải, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, khẳng định: Càng ngày sẽ có thêm nhiều những em bé khác ra đời, sẽ có nhiều chiến sĩ hải quân “nhí” lớn lên từ hòn đảo thân yêu này. UBND thị trấn sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để bà con làm ăn sinh sống ổn định lâu dài trên đảo.

Trước mắt, UBND thị trấn vẫn đang ký hợp đồng lao động với các hộ dân trên đảo. Để người dân phát triển cuộc sống, chúng tôi tạo điều kiện bà con ra biển đánh bắt thủy hải sản và sẽ được thu mua theo giá thỏa thuận và khuyến khích người dân trồng cây ăn quả, trồng rau, chăn nuôi gia cầm để cải thiện thêm cuộc sống.

NGUYỄN PHÙNG LONG

.
.
.