Thứ Tư, 16/05/2012, 11:59 (GMT+7)
.

Đi chợ Incheon (Hàn Quốc), nghĩ về chợ Mỹ Tho

Tôi đến thành phố Incheon theo lời mời của Trường Đại học Inha, một trong 10 trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc.

Trong chuyến đi này, với tư cách là giảng viên, tôi có những buổi thuyết trình về chính sách đồn điền của triều Nguyễn ở Nam bộ trong nửa đầu thế kỷ XIX và phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Nam bộ trong nửa sau thế kỷ XIX cho sinh viên đại học năm thứ tư và sinh viên cao học năm thứ nhất của Khoa Lịch sử và Khoa Đông Nam Á học.

Trong thời gian làm “sứ giả văn hóa - giáo dục”, tôi được GS.TS Choi Byung Wook, Trưởng Khoa Lịch sử, hướng dẫn đi tham quan một số trường đại học ở Seoul và các địa điểm lịch sử - văn hóa nổi tiếng ở thủ đô nước bạn và TP. Incheon.

Chợ Incheon luôn sạch sẽ.
Chợ Incheon luôn sạch sẽ.

Khi biết tôi có ý định thăm một ngôi chợ ở Hàn Quốc để tìm hiểu hoạt động thương mại và văn hóa của địa phương, GS. Choi sẵn lòng lái xe đưa tôi đi chợ Incheon vào một buổi sáng chủ nhật.

Đây là chợ trung tâm của TP. Incheon. Qua GS. Choi, tôi được biết, Incheon là một thành phố trực thuộc Trung ương và là thành phố cảng lớn ven Hoàng Hải của Hàn Quốc, thuộc vùng thủ đô Seoul. Với dân số 2,8 triệu người, Incheon là thành phố đông dân thứ ba tại Hàn Quốc sau Seoul và Busan.

Sự phát triển của thành phố trong thời hiện đại được đảm bảo cùng với sự phát triển của hải cảng và vị thế là một thành phố biển. Incheon đã góp phần to lớn vào sự phát triển của Hàn Quốc với việc mở cửa cảng ra thế giới bên ngoài, hiện đại hóa Hàn Quốc như một trung tâm công nghiệp.

Năm 2003, thành phố được quyết định trở thành khu kinh tế mở đầu tiên của Hàn Quốc. Từ đó, các công ty lớn ở trong nước và các tập đoàn kinh tế ở nước ngoài đã tăng cường đầu tư vào Khu kinh tế mở Incheon.

Với vai trò là một thành phố quốc tế, Incheon đã tổ chức nhiều hội nghị quốc tế có quy mô lớn, như Lễ hội và Hội chợ Toàn cầu Incheon năm 2009. Á vận hội lần thứ 17 vào năm 2014 sẽ được tổ chức tại thành phố này. Incheon tự đặt mình vào vị trí trung tâm của khu vực Đông Bắc Á với sân bay quốc tế Incheon và cảng Incheon nổi tiếng thế giới.

Siêu thị di động ở Incheon.
Siêu thị di động ở Incheon.

Trở lại chợ Incheon, cảm nhận đầu tiên của tôi là chợ được xây dựng theo một kiểu kiến trúc na ná như chợ Mỹ Tho và chợ thị xã Gò Công.

Các gian hàng được sắp xếp ngăn nắp, tràn ngập ánh sáng tự nhiên do mái chợ được lợp bằng loại tole nhựa nhận được ánh nắng mặt trời; đặc biệt, chợ rất sạch sẽ, không có rác thải vứt bừa bãi. GS. Choi “khoe”, được như vậy là do ý thức giữ vệ sinh công cộng của người Hàn Quốc, nhưng điều quan trọng hơn là do luật pháp của nước bạn quy định phạt rất nặng đối với những hành vi vứt rác, đốt rác, gây ô nhiễm môi trường.

Chợ Incheon bày bán rất nhiều hàng hóa, từ kim khí điện máy, vải vóc, quần áo, đồ gia dụng, đến thực phẩm, các loại rượu, nước ngọt, bánh kẹo… Nhưng nhiều nhất vẫn là các loại thực phẩm dùng để phục vụ trực tiếp cho bữa ăn hàng ngày của người dân, như rau, cải, củ, cá tươi và cá khô…

Tại chợ, tôi thấy có rất ít quầy hàng bán thịt và trái cây. Có lẽ là do phần lớn đất nước Hàn Quốc là đồi núi, ngành chăn nuôi và trồng trọt không có điều kiện phát triển như ở Việt Nam mình. Thảo nào, khi đến Tiền Giang, được tôi mời cơm, GS. Choi nói, ở Hàn Quốc không có nhiều thịt và nhiều loại trái cây để ăn như ở Việt Nam.

Tuy là ngày chủ nhật, nhưng người đi chợ không đông lắm. Để giải tỏa sự ngạc nhiên của tôi, GS. Choi cho biết cuộc sống của người dân Hàn Quốc khoảng từ vài thập niên trở lại đây đã theo hướng hiện đại, ngày càng có nhiều người mua sắm thực phẩm ở các siêu thị vốn có khá nhiều và được phân bố khắp nơi trong TP.  Incheon.

Hơn nữa, tại TP. Incheon, từ lâu đã xuất hiện loại hình “siêu thị di động” mang hàng hóa và thực phẩm đến tận các khu dân cư để buôn bán, nên người dân không nhất thiết phải đến chợ. “Siêu thị di động” là gì? Thay vì trả lời câu hỏi của tôi, GS. Choi dẫn tôi ra trước cổng chợ và chỉ vào một chiếc xe tải loại vừa mà trên đó chứa đầy ắp hàng hóa và thực phẩm.

À, thì ra vậy! Những chiếc xe tải kiểu này sẽ mang hàng hóa đến phục vụ tận tay người tiêu dùng với giá cả ngang bằng ở chợ.Loại hình kinh doanh này ở Việt Nam cũng xuất hiện vài năm gần đây, nhưng quy mô nhỏ hơn và phương tiện di chuyển chủ yếu là xe ba bánh, xe đạp, xe máy. Tại TP. Mỹ Tho, tôi thấy cũng có người buôn bán dưới hình thức này.

Dẫn đi loanh quanh chợ hồi lâu, cuối cùng GS. Choi mới đưa tôi đến một nơi mà theo ông rất độc đáo và có lẽ là có một không hai, tạo nên bản sắc văn hóa và thương mại của TP. Incheon; đó là tượng đài của chợ.

Thông thường, người ta làm tượng đài về danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, những chiến công hiển hách hoặc những sự kiện nổi bật có liên quan đến chính trị - văn hóa; chứ ít ai làm tượng đài về hoạt động buôn bán của một ngôi chợ cụ thể. Âu cũng là một điều lạ mà lần đầu tiên tôi được biết.

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội gặp gỡ cử tri.
Tượng đài trước chợ - nét độc đáo ở Incheon.

Tượng được đúc bằng đồng, phục dựng lại cảnh mua bán ở chợ thời xưa. Theo GS. Choi, chợ Incheon được thành lập vào thế kỷ XVII. Do Incheon là một cảng biển nên thu hút đông đảo thương nhân người Trung Quốc, người Nhật Bản đến buôn bán. Họ mang nhiều loại hàng hóa, trong đó có nông sản, đến bán cho người dân Hàn Quốc.

Tượng đài thể hiện một người đàn ông Trung Quốc, một người phụ nữ Nhật Bản và hai mẹ con người Hàn Quốc đang mua bán cải bắp, củ cà rốt, củ hành, ớt chuông, hành lá; đó là những nông sản mà Hàn Quốc không có và thông qua hoạt động giao thương đó, Hàn Quốc mới nhập nội, trồng trọt những loại giống cây mới ấy, làm phong phú chủng loại rau, củ của đất nước mình.

Tượng đài đã thu hút đông đảo du khách nước ngoài đến tham quan. Trong lúc tôi đang loay hoay chụp ảnh thì có ba đoàn khách khoảng mấy chục người đến  tham quan tượng đài và chợ Incheon. Hỏi ra thì mới biết, đó là một đoàn khách Trung Quốc và hai đoàn khách Nhật Bản.

Những du khách này tỏ ra rất thích thú khi chiêm ngưỡng tượng đài; ai cũng tranh nhau đứng bên cạnh bức tượng được xem là biểu tượng của dân tộc để chụp hình lưu niệm trong chuyến hành trình du lịch. Qua đó, mới thấy người Hàn Quốc làm du lịch cũng khéo đáo để, đúc tượng đài tại chợ để kéo du khách quốc tế đến mua sắm; đồng thời, quảng bá văn hóa của đất nước mình. Rõ là, văn hóa, du lịch, thương mãi luôn đi cùng với nhau.

Sau lời thuyết minh về tượng đài chợ Incheon của GS. Choi, tôi cho ông biết, lịch sử của chợ Mỹ Tho cũng có những nét tương đồng với chợ Incheon, nhất là niên đại thành lập, sự hình thành cảng thị và hoạt động kinh doanh mang tính quốc tế hóa rất rõ nét. Vốn là một nhà sử học có nhiều công trình nghiên cứu sâu về lịch sử và văn hóa Việt Nam, GS. Choi tỏ ra đồng cảm với tôi về vấn đề này.

Buổi trưa muộn, tôi cùng với GS. Choi rời chợ Incheon trong tiết trời mùa thu lành lạnh ở Hàn Quốc. Ngồi trên xe, nhìn những hàng cây ngân hạnh chuyển màu lá từ xanh sang vàng rực khi thu về, tôi miên man suy nghĩ về một ý tưởng có nên chăng đúc một tượng đài tại chợ Mỹ Tho?!

TS. NGUYỄN PHÚC NGHIỆP
 

.
.
.