Thứ Hai, 31/12/2012, 08:09 (GMT+7)
.

Về cuốn nhựt ký của anh Bảy Đen

Chuyện cuốn nhựt ký tôi đã có mấy lần nói đến. Lần đầu tiên là bài viết cho Tạp chí văn nghệ Quân giải phóng số 3 hay số 4 gì đó (lâu ngày có thể lẫn lộn về con số). Tựa đề “Nhựt ký của người Đại đội trưởng Ấp Bắc – in năm 1964 – tại nhà in Quân Giải phóng, số kỷ niệm một năm phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công” và cũng  là một năm ngày “Chiến thắng Ấp Bắc”.

Trong bài này tôi có trích một phần những số liệu gần sát với sự thật mà anh Bảy Đen đã ghi trong nhựt ký của mình về trận đánh vang dội đó. Tôi dùng lời lẽ nói rằng được phép tác giả quyển nhựt ký cho công bố.

Nhà văn Võ Trần Nhã
Nhà văn Võ Trần Nhã.

 Nhưng sự thật khi tôi viết bài ấy thì anh Bảy đã hy sinh rồi. Và những tư liệu sống cho bài viết này đều nằm gọn trong sáu tấm bản đồ ở năm tình huống chiến đấu của trận Ấp Bắc mà anh Bảy Đen đã vẽ lại rất chính xác chiếu theo tỷ lệ thích hợp của địa hình thực tế nơi trận đánh đã diễn ra.

Sáu tấm bản đồ này tôi vẫn giữ được nguyên vẹn trong suốt cuộc chiến tranh. Dịp kỷ niệm hai mươi năm Chiến thắng Ấp Bắc 1963-1983, tôi giao tặng cho Bảo tàng Tiền Giang.

Theo yêu cầu của tôi, Bảo tàng có photo lại cho tôi bản sao các bản đồ. Nhưng rất tiếc, những bản photo hết sức lèm nhèm và cho tới hôm nay nó đã dính thành dề, không thể nào gỡ ra để đọc được (!).

Song một điều còn tiếc hơn nữa, đó là nghe đâu những tấm bản đồ mà anh Bảy Đen – người Đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy đánh trận Ấp Bắc ngày 2-1-1963 - đã vẽ cho tôi theo yêu cầu viết của tôi - những tấm bản đồ được chính tay anh Bảy Đen vẽ trên giấy bóng mờ màu xanh lam – vẽ đúng theo kỹ thuật đồ bản quân sự chánh quy, có chú thích, có tỷ lệ, có cả chữ ký tên của anh - người chịu trách nhiệm lập lại các tình huống chiến đấu còn nóng hổi vừa diễn ra trên địa bàn Ấp Bắc – đúng cho đến nỗi, tôi và anh Nguyễn Thi – nhà văn quân đội – hai anh em khi tới Ấp Bắc, chỉ cần giở các tấm bản đồ ấy ra thì thấy đâu là mả Ông Tiếp, đâu là cầu Ông Bồi, đâu là những vết xe M113 Mỹ xộc vào trận địa và bị đẩy lùi, cũng như đâu là những chiếc trực thăng Mỹ bị hạ.

Đặc biệt là khu vực quyết chiến điểm của “Tiểu đội gang thép Ấp Bắc” và trận địa đánh quân nhảy dù ở Tân Thới… anh vẽ rất rõ. Rõ đến nỗi có thể nhận ra từ trên bản đồ đến thực địa đâu là khu vực ném bom và nơi nào chúng dùng súng phun lửa… mùi xăng, mùi thuốc súng và mùi khói của bom đạn khi tôi và anh Nguyễn Thi đến, hãy còn nồng nặc trên toàn bộ khu vực trận địa Ấp Bắc… Nghe đâu những tấm bản đồ quý giá ấy đã bị tơi tả. Tôi tiếc thật. Tiếc cho một di vật mang tính lịch sử hiếm hoi như vậy lại không được bảo quản cẩn thận!.

Tôi trở lại chuyện cuốn nhựt ký. Đáng lý ra tôi sẽ giao tặng cuốn nhựt ký của anh Bảy Đen cho Bảo tàng Tiền Giang rồi. Nhưng tôi thấy tình trạng những tấm bản đồ - như tôi đã nói – tôi không đành lòng. Cũng may mà tôi quyết định như thế, nếu không, cuốn nhựt ký vô giá ấy sẽ chẳng biết có còn hay không. Vả lại, từ ngày gặp anh Bảy Đen ở Ấp Bắc (tháng 2-1963) cho tới trước tháng 8-1992,tôi chưa biết gia đình anh Bảy Đen ở đâu, còn hay mất, phiêu bạt nơi nào - nếu như tôi biết, có lẽ tôi đã gởi lại cuốn nhật ký của anh cho gia đình con cái của anh rồi. Tôi sẽ làm đúng lời anh ghi trong nhựt ký: …

“ Nếu ngày mai tôi không còn nữa, ai là người có hân hạnh giữ cuốn nhựt ký nầy, xin giao lại cho các con tôi. Tôi hết sức biết ơn…” - Nhưng đầu tháng 8-1992, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang biết được tôi còn giữ cuốn nhật ký này, có cử người tới đề nghị tôi cho sao chép lại để làm những công việc cần thiết về kỷ niệm 30 năm “Chiến thắng Ấp Bắc”, tôi gởi giao tặng luôn cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang giữ.

Bởi tôi tin rằng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang hiểu đúng giá trị bằng máu và ý nghĩa lịch sử vô cùng quý báu của nó. Và khi gặp gia đình, con cái của anh Bảy Đen tôi có khuyên nên để cuốn nhựt ký ấy làm tài sản chung trong kho tàng lịch sử “Chiến thắng Ấp Bắc” cho đời sau con người còn biết đến!

Vì sao cuốn nhựt ký lại trong tay tôi? Đó là một câu chuyện dài dòng. Bởi vì tôi giữ nó đã ba mươi năm!
Tôi nhận nó từ tay anh Tám Thư - người chánh trị viên Đại đội 1 - Tiểu đoàn 261 - Tiểu đoàn chủ lực miền Trung Nam bộ - cũng là đơn vị duy nhất lúc đó được mang danh hiệu “Tiểu đoàn Girông” – tên một bãi biển ở Cuba từng đánh tan quân đổ bộ Mỹ trong 72 giờ. “Girông” là biểu tượng của chiến thắng…

Sau khi anh Bảy Đen - Đại đội trưởng Đại đội 1 đã hy sinh trong trận chỉ huy đánh đồn Thạnh Nhựt - Cầu Ngang (giáp Gò Công Tây và Chợ Gạo) cuối tháng 8-1963, di sản còn lại của anh là cuốn nhựt ký. Anh Tám Thư mang theo bên mình. Gặp tôi, là người ở Cục Chánh trị miền, anh Tám Thư giao lại cho tôi. Anh bảo rằng: “Gởi lại cho anh may ra anh còn giữ được. Ở chiến trường đồng bằng ác liệt, tôi khó bảo toàn!”.

Tôi nhận. Tôi nói anh Tám Thư nên viết thêm mấy lời. Lúc anh Tám Thư viết, tôi ngồi bên có nói: “Nếu như sau chiến tranh mà quyển nhựt ký này còn, nó sẽ trở thành một thứ dữ kiện lịch sử có một không hai về trận Ấp Bắc. Cho nên anh cố gắng viết sao cho rõ ràng và xác thực bằng tất cả tình cảm của anh với anh Bảy Đen - hai người cùng cấp Trưởng Chỉ huy của Đại đội 1 anh hùng này”. Tôi quan sát thấy anh Tám Thư viết hết sức cẩn thận.

Từ đó về sau, quyển nhựt ký và những tấm bản đồ - bút tích của anh Bảy Đen – không rời khỏi tôi, mặc dầu sau này mức độ chiến tranh ngày càng vô cùng ác liệt. Có những lần dời cứ, tài liệu chôn giấu, bị B52 ném bom vùi lấp, tôi lần mò quay lại cố gắng moi tìm, may sao, chiếc thùng sắt của tôi còn nguyên vẹn.

Vậy là những tấm bản đồ và quyển nhật ký của anh Bảy Đen còn. Có lần trong chiến tranh, tôi được cử đi nước ngoài, tôi vẫn mang nó theo trong valy của mình. Biết gởi cho ai và gởi ở đâu? Biết bao nhiêu lần di chuyển cần gọn nhẹ, tôi có thể bỏ bớt những bản thảo của tôi, nhưng mấy tấm bản đồ và cuốn nhựt ký của anh Bảy Đen, tôi vẫn mang theo mình. Nói như vậy để thấy rằng chuyện giữ các thứ ấy còn được nguyên vẹn cho tới ngày nay không dễ dàng một chút nào!

Chủ tâm của tôi, khi có điều kiện thuận lợi, tôi sẽ viết lại trận đánh này bằng nhiều dạng thể, kỹ càng hơn, công phu hơn – mặc dầu từ đó đến nay, tôi đã viết về Ấp Bắc không ít. Song tôi vẫn chưa hài lòng…

Và, cho tới bây giờ, tôi vẫn còn mang trong lòng hy vọng đó!

Nhà văn VÕ TRẦN NHÃ

(*) Bài viết in trên đặc san Báo Ấp Bắc kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Ấp Bắc. Tác giả từ trần vào những năm sau đó.
 

.
.
.