Thứ Tư, 01/05/2013, 09:24 (GMT+7)
.
Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên và quyển nhật ký còn lại

Bài 2: Tìm lại ký ức...

Bài 1: Những dòng nhật ký tuổi 20 đầy chất “lửa

Bài 3: Cảm nhận & hành động

Từ quyển nhật ký được tìm thấy trong sự kiện hàng chục ngôi mộ ở ấp Xóm Đèn (xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên) bị san ủi và vứt bừa bãi cùng với hài cốt liệt sĩ, Báo Bình Dương đã tổ chức chuyến truy tìm và đã xác định được thân nhân của Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên.

Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên (SN 1945, ngụ ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy) là con của ông bà Lê Văn Như và Nguyễn Thị Hò, đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng III về thành tích kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (nay đã mất).

Chị có 6 anh chị em, nay cũng đã mất hết, trong đó có 2 liệt sĩ và người em trai là Lê Văn Tính hy sinh tháng 6-1968 ở xã Qươn Long, huyện Chợ Gạo nhưng chưa tìm thấy hài cốt. Chị Thiên có người chú ruột là ông Lê Văn Phẩm, tức chú Chín Hải, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang. Với truyền thống cách mạng của gia đình nên chị Thiên sớm giác ngộ cách mạng, được lựa chọn để bồi dưỡng, phát triển thành cán bộ trên mặt trận văn hóa ở chiến trường.

Ngày giỗ Liệt sĩ Lê Thị Thiên.
Ngày giỗ Liệt sĩ Lê Thị Thiên.

Ông Mai Văn Nhung (75 tuổi, ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây) là Phân đoàn trưởng của xã Mỹ Phước Tây năm 1962, người viết lý lịch để lưu trữ hồ sơ cho chị Thiên tham gia bộ đội, kể lại: Thiên ngày ấy là một đoàn viên năng nổ và là con của một gia đình có truyền thống cách mạng nên sớm xác định được mục tiêu phấn đấu của mình.

Thiên là một trong 5 nam, nữ thanh niên ưu tú xung phong đi bộ đội và được lựa chọn để lên đường tòng quân. Buổi lễ tiễn đưa hôm ấy được tổ chức tại Gò Đất (phía trên nhà của người cháu đang giỗ Thiên ngày nay). Sau buổi lễ có đãi cháo vịt. Lúc này còn khó khăn nhưng anh em trong xã cũng tặng quà cho mấy em gồm bộ quần áo, nón nan. Tinh thần mấy em lúc lên đường hăng hái và có khí phách cách mạng lắm!

Trong số bạn trẻ lúc ấy có Nguyễn Văn Thưởng, người bạn thời niên thiếu của Thiên, học cùng lớp 4 ở quê trước khi cả hai cùng đi bộ đội. Ông nói: “Năm 1962, hai đứa cùng tham gia bộ đội. Tôi công tác ở đơn vị thông tin đóng quân tại Bình Long; còn Thiên hình như công tác ở Bình Dương… Thiên là người chín chắn, nghiêm túc và học giỏi”.

Ông Nguyễn Văn Chiến (69 tuổi), nguyên cán bộ Tuyên huấn huyện Cai Lậy đã nghỉ hưu, là bạn cùng trang lứa với chị Thiên vẫn còn nhớ rõ chương trình văn nghệ mà ông cùng anh em trong xã lúc bấy giờ tổ chức trong lễ tiễn chị tòng quân. Cùng đi với chị Thiên vào tháng 2-1962 có anh Nguyễn Văn Ưng, Đoàn Văn Vẹn, Nguyễn Văn Năm và chị Nguyễn Thị Méc. Sau ngày hòa bình, chỉ có chị Méc trở về, 4 người còn lại đều hy sinh và không rõ hài cốt ở đâu.

Người bạn thân thời nhỏ của chị Thiên là bà Nguyễn Thị Sáu (67 tuổi, ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây), một trong những người góp phần nhận dạng chị Thiên qua tấm ảnh kỷ vật kèm theo quyển nhật lý.

Hôm gặp ở nhà riêng, bà đang ngồi đan đệm. Nhắc đến chị Thiên, bà Sáu rưng rưng nước mắt kể lại những kỷ niệm với cô bạn của mình năm xưa: Thiên hiền lành, nhu mì và đẹp người, đẹp nết. Thiên học lớp 4 chung tui và viết chữ rất đẹp. Thương tui ở trong chòi giữ ruộng có một mình nên đêm nào Thiên cũng xuống ngủ chung cho vui và cùng đan đệm với nhau.

Tính nết Thiên hay nhường nhịn nên chẳng mất lòng ai. Hai đứa rủ nhau đi làm cách mạng, tui đã quyết định đi nhưng lúc bấy giờ kẹt nỗi có đứa cháu mới 3 tuổi cứ đeo riết, anh em đi bộ đội xa nhà nên tui đành ở lại. Bữa chia tay khi mặt trời ngã bóng chiều, Thiên mặc bộ đồ xanh, đội nón tai bèo. Tui nắm tay Thiên và hai đứa cùng khóc. Thiên nhắn nhủ “mày ở lại mạnh giỏi, tao đi mai mốt về!..” Tui nhìn theo bóng bạn đi vào hướng kinh Xáng mút tầm mắt  và không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gần Thiên.

Nơi đây là ngôi trường ngày xưa Liệt sĩ Lê Thị Thiên đã học lớp 4.
Nơi đây là ngôi trường ngày xưa Liệt sĩ Lê Thị Thiên đã học lớp 4.

Chi tiết mà bà Sáu nhớ nhất và là cơ sở để khẳng định di ảnh là Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên qua cái răng khểnh của chị. Bà Sáu kể: Có lần tui khuyên Thiên đi cưa và cặm răng vàng thì Thiên cười, trả lời: “Đó là răng duyên!”. Bà còn kể về chuyện tình duyên của chị Thiên: Ở xóm Bà Bèo ngày xưa, Thiên đẹp và có duyên nhất vùng nên có câu “Nhất Thiên, nhì Quỳnh”, thanh niên ở xóm ai cũng ngấp nghé.

Có một thanh niên ở trong xóm Láng Biển (cũng thuộc xã Mỹ Phước Tây) cũng tham gia cách mạng và đã hy sinh, có thời gian thân quen với Thiên. Đây có lẽ là người có bí danh 10T mà chị Thiên đã nhắc trong nhật ký ghi ngày 21-1-1966: “Một tin làm M. xúc động vô cùng: người thân (10T) đã rơi vào tay giặc hôm 8-1 (ngày đầu địch càn vào bắc C2). M. buồn và suy nghĩ nhiều. Dù rằng đối với M. chưa có gì là kỷ niệm sâu sắc, nhưng trong lòng ngoài tình đồng chí, tình cảm cách mạng ra, còn có tình yêu thương đồng chí, bước đầu của tình cảm riêng tư. Đó là tình đồng chí, là người bạn và coi là người…lý tưởng của M.”

Bà Sáu bùi ngùi: “Đất nước hòa bình, tìm được di ảnh và di vật của bạn tui là quá đỗi vui mừng nhưng còn xót xa là chưa tìm được hài cốt!”.

Từ quyển nhật ký và những dữ liệu thu thập được từ các nhân chứng sống (bạn bè, người thân, đồng đội, thầy giáo…), đoàn truy tìm liệt sĩ của Báo Bình Dương đã trả về cho Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên một tiểu sử đầy đủ.

Chị nhập ngũ, rời quê nhà ngày 8-2-1962, vào bộ đội và được tiếp tục đi học văn hóa. Tháng 12-1962, chị trở về một đơn vị thuộc miền Đông tiếp tục công tác và bắt đầu viết nhật ký. Đến tháng 5-1964, chị lên Trung ương Cục miền Nam học lớp sư phạm tại Trường Giáo dục Tháng Tám, khóa 2. Tốt nghiệp vào tháng 2-1965, chị trở lại chiến trường hoạt động và đến ngày 10-10-1966 (âm lịch) thì hy sinh.

Liệt sĩ Lê Thị Thiên đã được tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng III và được truy tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng II.

Anh Nguyễn Thanh Văn, người cháu gọi chị Thiên bằng dì hiện đang thờ cúng 2 liệt sĩ hàng năm tại ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây xúc động khi tìm được di ảnh và kỷ vật của dì mình, nhưng vẫn đau đáu nỗi niềm khi chưa tìm được hài cốt của dì và người cậu đã hy sinh.

PHÙNG LONG

Bài cuối: Cảm nhận và hành động

.
.
.