Thứ Tư, 06/11/2013, 10:31 (GMT+7)
.

Vất vả mưu sinh mùa nước nổi

Hàng năm, nước lũ đổ về các huyện phía Tây của tỉnh mang đến cho nông dân  trong vùng nhiều lợi ích như: rửa chất độc hữu cơ, mang theo lượng phù sa bồi đắp cho đồng ruộng, vườn cây ăn trái; người buôn bán ngư cụ và nông dân mưu sinh có thêm thu nhập... Mực nước lũ năm nay đủ để tháo chua, rửa phèn, không gây ngập úng nhưng nguồn cá, tôm quá ít,  khiến việc mưu sinh mùa nước nổi vất vả hơn.

Sống tạm qua mùa nước nổi

Về vùng lũ trong những ngày này, chúng tôi mới thấy rằng chỉ có mùa lúa, nông dân mới bận rộn với công việc, kiếm được tiền và trang trải cuộc sống gia đình. Khi lũ về, họ ngồi không trông chờ xuống giống vụ lúa mới. Để tiết kiệm chi phí trong những tháng nước nổi, gia đình chia nhau ra đồng giăng lưới, thả câu, đặt dớn… để tìm con cá, con cua cho bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cá, cua cũng ít dần và ngày càng khan hiếm.

Thả 100m lưới từ lúc 3 giờ khuya đến 8 giờ sáng, ông Đặng Văn Hải (Hậu Phú 2, Hậu Mỹ Bắc A, Cái Bè) chỉ kiếm được 0,5kg cá sặt, cá rô đồng. Ông cho biết, trước đây khi lũ về thì cá cũng bơi theo dòng  nước về rất nhiều. Nhưng theo kinh nghiệm giăng bắt cá hơn chục năm của ông thì lượng cá năm nay chỉ bằng 1/10 so với 7-8 năm trước.

“Tôi từng gắn bó sông nước nên hiểu quy luật, cá từ thượng nguồn vừa đi vừa lớn, nước lũ tới đâu cá tìm về sông, rạch, hay tràn lên đồng vùng hạ nguồn. Nhưng thử hỏi hàng chục năm nay, hàng trăm ghe cào sử dụng những lưới mắt nhỏ gắn gọng sắt chạy điện trên sông thì con cá nào sống sót. Nếu cá thoát được cũng “chai”, hết lớn nổi, cũng không sinh sản được. Chúng tôi không sợ người dân bắt cá, chỉ sợ làm cá chết” - ông Hải nói.

Dớn là loại ngư cụ bắt hầu như toàn bộ các loại cá nhưng năm nay thu hoạch chỉ được cá nhỏ.
Dớn là loại ngư cụ bắt hầu như toàn bộ các loại cá nhưng năm nay thu hoạch chỉ được cá nhỏ.

Với thâm niên hơn chục năm mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, ông Nguyễn Văn Bảy (ấp 5A, Phú Cường, Cai Lậy) cũng lắc đầu ngao ngán: “Ngồi cả ngày, thăm lưới 2- 3 lần nhưng chỉ bắt được vài kg cá nhỏ, trong khi mọi năm tha hồ bắt cá lớn, cá ngon”.

Gần đó, ông Nguyễn Trọng Tín mưu sinh bằng nghề đặt dớn. Với 10 cái dớn nhưng từ đầu mùa nước nổi đến nay, mỗi ngày ông chỉ kiếm được từ 3-4 kg cá tạp bán cho những người nuôi cá lóc. Mỗi kg cá tạp có giá từ 7-10 ngàn đồng. “ Mùa lũ cực nhọc cả ngày cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng. Nhưng không làm nghề này thì biết làm nghề gì bây giờ. Sống phụ thuộc vào ruộng đồng thì phải chấp nhận như vậy thôi”- ông nói.

Tại các chợ đầu mối cá đồng ở chợ Thiên Hộ (Hậu Mỹ Bắc A, Cái Bè); chợ Mỹ Phước Tây (xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy)… cảnh mua bán cá đồng khá “thưa thớt”, hầu hết các sạp hay rổ cá được bày bán chỉ vài kg lươn, cá sặt, cá rô đồng; còn hầu hết là cá nuôi.

Dọc tỉnh lộ 865, 847 từ huyện Tân Phước lên huyện Cái Bè, những điểm mua, bán cá lóc, cá rô đồng đông đúc ngày nào, nay đã vắng lặng; thay vào đó là “lèo tèo” những điểm bán cá lòng tong, cá sặt, cá rô non. Bà Lê Thị Yến mua bán cá tại chợ Thiên Hộ cho biết: Chưa năm nào cá đồng lại ít như năm nay. Ngồi cả ngày trời mà chỉ mua được 3-4kg lươn, khoảng 10kg cá đồng. Những năm trước, tôi ngồi đây một ngày mua trên 100kg cá, lươn các loại. Mưu sinh kiểu này, năm sau tôi chuyển nghề.

Lũ trên sông Mêkông trong các năm qua không cao, việc xây dựng các đập trên thượng nguồn, nông dân sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường và tình trạng tận diệt thủy sản bằng xung điện… Đó chính là nguyên nhân làm cho số lượng thủy sản vùng lũ giảm đi rõ rệt.

Nghề phụ thuộc cũng chật vật

Không những bà con nông dân mưu sinh trong mùa nước nổi gặp khó khăn, mà những người sống với nghề phụ thuộc vào mùa nước lũ cũng chật vật không kém. Về vùng lũ của huyện Cái Bè, đến đâu chúng tôi cũng đều nghe những lời than, những cái lắc đầu của các chủ cơ sở sản xuất ngư cụ, phương tiện đi lại mùa lũ.

Do năm nay lũ nhỏ, nên nhu cầu về xuồng, ghe đi lại và làm phương tiện mưu sinh giảm. Từ đó, nghề đóng xuồng ba lá ở Cái Bè cũng đang đứng trước khó khăn. Do vậy, cơ sở đóng xuồng T. A, ấp Hậu Quới, xã Hậu Mỹ Bắc B phải chuyển sang dịch vụ sửa chữa xuồng hư.

Ông V.V.T, chủ cơ sở tâm sự: “Cả tháng nay chỉ đóng được 5 chiếc xuồng 3 lá. Nếu so sánh thời điểm này 10 năm trước, cơ sở tiêu thụ được từ 40-50 chiếc. Từ việc tiêu thụ chậm, chúng tôi phải chuyển sang dịch vụ sửa chữa xuồng để giải quyết việc làm cho lao động trước nay, tạo thu nhập cho cơ sở. Đâu chỉ cơ sở tôi bị ế ẩm, mà tất cả các cơ sở đóng xuồng nơi đây đều gặp cảnh như vậy”.

Ông Thạch Thanh Hùng than: Mùa nước nổi năm nay bán ngư cụ ế ẩm.
Ông Thạch Thanh Hùng than: Mùa nước nổi năm nay bán ngư cụ ế ẩm.

Ông Thạch Thanh Hùng, tiểu thương bán câu, lưới và dụng cụ đánh bắt thủy sản ở chợ Thiên Hộ (Hậu Mỹ Bắc A, Cái Bè) cho biết, câu, lưới treo đầy nhưng chẳng có mấy người mua. Người dân lại hỏi giá rồi bỏ đi. Năm nay, sức mua các loại dụng cụ phục vụ đánh bắt thủy sản mùa lũ giảm nhiều so với các năm trước. Mùa lũ năm 2011, ông bán mỗi ngày cả chục kg lưới bén nhưng năm nay chỉ bán từ 1-2 kg.

“Chúng tôi dự đoán năm nay nước lũ sẽ lớn và nguồn cá nhiều nên chuẩn bị một lượng hàng tương đối nhiều. Nhưng hiện tại nguồn cá về theo lũ không nhiều nên sức tiêu thụ các loại câu, lưới và dụng cụ phục vụ nuôi, đánh bắt thủy sản mùa lũ năm nay bị ế ẩm. Mặc khác, các loại thủy sản trong tự nhiên có xu hướng ngày càng cạn kiệt nên người dân không còn mặn mà với việc mưu sinh mùa lũ nữa” - ông Hùng nói.

Theo các cơ sở sản xuất dụng cụ đánh bắt thủy sản, năm nay hầu hết chi phí đầu vào như: giá nguyên vật liệu, nhân công, xăng dầu, điện... đều tăng mạnh. Nhưng do chủ động chuẩn bị nguồn hàng từ khá sớm nên giá bán các loại ngư cụ phục vụ khai thác đánh bắt thủy sản tại nhiều cửa hàng nơi đây chỉ tăng nhẹ từ 5-10% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng như mọi năm, dụng cụ đánh bắt thủy sản trong mùa lũ khá đa dạng, bên cạnh các loại chài, lưới truyền thống sản xuất trong nước thì trên thị trường đang bán khá nhiều lưới và dụng cụ đánh bắt thủy sản nhập từ Trung Quốc. Trong đó, đáng chú ý là các loại lú và dớn (đây là những dụng cụ đánh bắt thủy sản được làm từ các loại lưới rất khít) có thể bắt được cả cá mẹ lẫn cá con nên có tính “hủy diệt” nguồn lợi thủy sản.

Giá lưới mùng tại nhiều cơ sở và cửa hàng kinh doanh đang ở mức 60.000-70.000 đồng/kg; lưới bén từ 70.000-180.000 đồng/tay (cỡ 80-90m); lú từ 200.000-380.000 đồng/cái (loại 12m-15m); dớn từ 100.000- 110.000 đồng/cái (loại 1,4m-1,6m)...

Người đóng xuồng, ngư cụ ế ẩm; người giăng lưới bắt cá, tôm vất vả hơn. Một mùa lũ lại đến và qua đi trong cảm xúc vừa mừng vừa băn khoăn. Mừng vì lũ không gây hại đến nông nghiệp, đồng ruộng được bồi đắp thêm phù sa… Còn lo cho nét đặc trưng mùa nước nổi đang dần dần trở thành ký ức, những sản vật mùa nước nổi theo đó cũng khan hiếm, cuộc sống của người dân sống phụ thuộc vào mùa lũ trở nên vất vả hơn.

SĨ NGUYÊN

.
.
.