Thứ Tư, 15/04/2015, 13:54 (GMT+7)
.

Đi qua miền "đất khát"

Nắng và gió, những cánh đồng đỏ hoe trơ gốc, những dòng kinh mông quạnh cạn khô; hình ảnh quen thuộc như “đến hẹn lại lên” của “huyện đảo” Tân Phú Đông. Dù đã chuẩn bị từ trước nhưng mỗi mùa khô đến thì cái cảm giác bức rức, khó chịu vẫn mới toanh như chưa từng xảy ra.

Nằm giữa sông Cửa Tiểu và Cửa Trung, giáp biển, nước sinh hoạt cho người dân cù lao Tân Phú Đông vốn rất khó khăn vào mùa khô, nhưng có lẽ chưa có năm nào mà tình trạng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt lại căng thẳng như năm nay. Người dân huyện cù lao đang phải “oằn mình” chống chọi với cơn đại hạn qua từng ngày.

asdas
Người dân đến ao nước bỏ hoang lấy nước về phục vụ sinh hoạt trong gia đình.

Mùa này khổ lắm!

Qua phà Bình Ninh về cù lao Tân Phú Đông trong cái nắng như thiêu đốt của những ngày đầu tháng 4, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn về nỗi khốn khổ của người dân nơi đây trong mùa khô hạn khốc liệt này. Ai đó đã ví von vui nhưng xem ra cũng không ngoa khi nói rằng: “Mùa khô, mọi hoạt động của cù lao như ngừng lại”.

Thật vậy, hiện tại, huyện cù lao đang vào đỉnh điểm mùa khô, trước mắt chúng tôi là những vườn mãng cầu xiêm, nhãn xác xơ sau thời gian dài chống chọi với nắng nóng kéo dài, thiếu nước tưới; những cánh đồng sả đỏ hoe lá; ruộng lúa khô nứt nẻ. Dưới các kinh nội đồng, nước cạn sát đáy hay còn nước cũng nhiễm phèn nặng.

Các ao nước phục vụ cho dân sinh đã trơ đáy từ lâu, những ao may mắn còn nước cũng bị nhiễm phèn, cạn gần sát đáy không thể dùng cho sinh hoạt. Mọi sinh hoạt của người dân giờ chỉ trông chờ vào nguồn nước máy. Thế nhưng, nguồn nước máy phục vụ cho sinh hoạt đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Chỉ hơn tháng trước đây thôi, mực nước trong ao 6 ha ở Tân Thới vẫn còn rất cao nhưng giờ đây đã xuống hơn một nửa. Các trạm cấp nước còn lại, mực nước ao trữ xuống gần tới đáy; chất lượng nước rất xấu.

Chúng tôi ghé qua chợ Tân Thới vừa mới hỏi thăm về nước sinh hoạt thì chị Nguyễn Thị Thu Hà than: “Ao, đìa ở nhà đã cạn từ lâu. Cả gia đình chỉ trông chờ vào nước máy. Vậy mà có lúc nước máy đen xì, thối, mặn không xài được. Mấy ngày qua, nước có đỡ hơn nhưng chảy rất yếu. Nghe nói các ao trữ đã sắp hết nước rồi, nếu thực sự như vậy không biết lấy nước đâu để xài, tôi lo lắm”.

asa
Ao nước tại Trạm cấp nước Tân Thới đang bị cạn.

Đi dọc theo tỉnh lộ 877B, tiếp tục hành trình về các xã phía Đông của huyện (nơi mặn xâm nhập sớm), chúng tôi bắt gặp những chiếc xe 2 bánh chở các can nước xuôi ngược trên đường. Hình ảnh những người dân chắt chiu từng can nước, ca nước ngọt trong sinh hoạt như một thứ gì đó quý hiếm lắm đã trở nên rất quen thuộc.

Đã 10 giờ trưa, nắng gay gắt như xát muối vào thịt da người, vậy mà tại ao nước bỏ hoang cạnh tỉnh lộ 877B thuộc ấp Tân Xuân (xã Tân Phú) vẫn nhộn nhịp như ngày hội. “Nhiều ngày nay, ở ao này lúc nào cũng đông như vậy. Cả khu vực chỉ trông cậy vào ao nước bỏ hoang này. Nhà tôi có vô nước máy nhưng nước chảy yếu lắm, xài không đủ. Mỗi ngày tôi phải chở nước từ ao này về xài, cho bò uống” - một thanh niên vừa hì hục lấy nước vừa nói với chúng tôi.

Người xách thùng, người mang can đến, rồi đi, mồ hôi nhuễ nhại. Nắng trưa mỗi lúc gay gắt hơn, nhưng dòng người đổ về ao dường như vẫn không giảm. Gần bên, 2 cái máy đang túc trực bơm nước vào những thùng phi đặt trên xe tải đang đậu trên tỉnh lộ. Anh Hoài, ấp Tân Xuân, xã Tân Phú ôm từng can nước lên xe máy và bày tỏ: “Ở đây mùa này khổ lắm. Nước ngọt quý như vàng”.

Có thể cảm nhận rõ nhất “cơn khát” năm 2015 khi qua tiếp con phà đến bên kia sông Cửa Trung. Ao trữ tại chỗ đã hết nước từ lâu, nguồn cấp từ phía Tân Thới không bảo đảm nên có thời điểm hầu hết người dân xã “đảo” gần như không có nước máy. Những ngày qua, nước máy đã cấp trở lại nhưng lượng cấp rất hạn chế, không bảo đảm cho nhu cầu sinh hoạt của người dân; nhiều vùng tiếp tục không nhận được nước máy.

Anh Ngô Văn Sớm, ấp Tân Bình (xã Tân Thạnh) bức xúc: “Nước máy chỉ có vào lúc khuya và chảy rất yếu. Mấy ngày qua, chúng tôi phải thức canh lấy nước nhưng cũng không lấy được bao nhiêu. Đã vậy, nước còn bị mặn khá cao. Nhưng biết làm sao hơn, cũng phải xài thôi”.

Công trình nâng cấp tuyến ống chuyển tải nước từ ao 6 ha về các trạm cấp nước tại chỗ đang được thi công.
Công trình nâng cấp tuyến ống chuyển tải nước từ ao 6 ha về các trạm cấp nước tại chỗ đang được thi công.

Tiếp nước cấp cho dân

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến tuần đầu của tháng 4 này, các ao tại chỗ đều đã cạn nước, hay nhiễm phèn, mặn cao không thể cấp cho người dân. Nguồn nước duy nhất cấp cho người dân sử dụng hiện nay chỉ lấy từ ao 6 ha ở Tân Thới. Tuy nhiên, nước trong ao này cũng đang xuống rất nhanh, chỉ còn khoảng 90.000 m3 trong tổng lượng nước chứa của ao 160.000 m3. Và tất nhiên, lượng nước này không thể đáp ứng đủ nhu cầu bức thiết của người dân trong huyện.

Ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông cho biết, đến đầu tháng 4, các ao nước tại chỗ không còn khả năng hoạt động, người dân rất bức xúc. Toàn huyện chỉ trông chờ vào nguồn nước từ ao 6 ha ở Tân Thới và khả năng lượng nước trữ hiện tại của ao cũng sẽ cung cấp kéo dài không qua hết tháng 4.

Đó là chưa nói đến hệ thống chuyển tải nước kém, áp lực trong ao nước thấp, trong khi không có nguồn bổ cấp từ bên ngoài nên không đáp ứng được nhu cầu bức thiết của người dân hiện nay. Giải pháp tình thế kéo dài thời gian cấp nước cho dân trong tình hình hiện nay là Công ty TNHH MTV Cấp nước nông thôn đã cho tiến hành cấp nước theo giờ, theo tuyến và chờ công trình nâng cấp tuyến ống chuyển tải nước từ ao 6 ha về các trạm cấp nước tại chỗ (đang thi công) được đấu nối với hệ thống.  

Trước tình hình bức bách về nước sinh hoạt cho cù lao, vừa qua, các ngành, đơn vị cấp nước và huyện đã tiến hành họp bàn các giải pháp cấp nước cho người dân. Tiếp sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang tiến hành kiểm tra tình hình nước sinh hoạt ở Tân Phú Đông và chỉ đạo các ngành, các cấp và đơn vị cấp nước tiến hành ngay các giải pháp cấp nước cho dân, không để thiếu nước xảy ra, trong đó có giải pháp chở nước ngọt bằng sà lan chuyên dụng cấp cho dân ở những vùng khó khăn về nước; đẩy nhanh tiến độ thi công công trình nâng cấp tuyến ống chuyển tải nước từ ao 6 ha về các trạm cấp nước tại chỗ để sớm đưa vào cung cấp nước cho dân sử dụng.

Người dân đến ao nước bỏ hoang lấy nước về phục vụ sinh hoạt trong gia đình.
Người dân đến ao nước bỏ hoang lấy nước về phục vụ sinh hoạt trong gia đình.

Trao đổi với chúng tôi vào ngày 10-4 về thực hiện các giải pháp trên, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão cho biết: Từ ngày 6-4, tỉnh đã cho tiến hành chuyển nước ngọt ở khu vực Đồng Tâm (nước chưa nhiễm mặn) bằng sà lan chuyên dụng về bổ cấp cho Trạm cấp nước Tân Thạnh và đến nay nguồn bổ cấp lên đến 4.000 m3.

Hiện nay, sà lan tiếp tục chở nước ngọt bổ cấp cho Trạm cấp nước Phú Thạnh. Đối với khu vực Phú Đông và 1 phần của Tân Thới, nguồn nước từ ao 6 ha bổ cấp cho những khu vực này. Các giải pháp này đã giảm bớt phần nào khó khăn về nước sinh hoạt cho Tân Phú Đông. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư làm việc với đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ công trình nâng cấp tuyến ống chuyển nước từ ao 6 ha về các trạm cấp nước tại chỗ.

Hiện nay, đơn vị thi công đang xúc tiến đấu nối tuyến ống nâng cấp chuyển tải nước từ ao 6 ha vào Trạm cấp nước Tân Thới. Như vậy, khu vực này đã được giải quyết phần nào khó khăn về nước sinh hoạt. Dự kiến, đến cuối tháng 4, đơn vị thi công sẽ đấu nối tuyến đường ống nâng cấp này với Trạm cấp nước Phú Thạnh.

Nếu chưa có những giải pháp căn cơ về nước sinh hoạt cho người dân vào mùa khô, thì Tân Phú Đông vẫn mãi là vùng đất khó.

N.VĂN

.
.
.