Thứ Tư, 03/06/2015, 15:51 (GMT+7)
.
Trong thế giới không sắc màu:

Bài 1: Mưu sinh trong bóng tối

Có những người sinh ra đã không may mắn, họ thiếu đi đôi mắt để giao tiếp với thế giới muôn màu. Có người may mắn hơn, vẫn được nhìn thấy mặt trời, nhưng bỗng một ngày tai họa ập xuống, bóng tối bủa vây lấy họ.

Họ là những người mang nỗi bất hạnh, ngập chìm trong bóng tối, mò mẫm bước đi giữa cuộc đời. Trong cuộc sống lắm gập ghềnh, có người gục ngã, nhưng có người vẫn mạnh mẽ đứng dậy, vững vàng bước đi giữa thế giới đặc biệt ấy bằng chính nghị lực và niềm tin sâu sắc. Toàn tỉnh hiện có gần 1.000 hội viên Hội Người mù. Chừng ấy con người là chừng ấy số phận, chừng ấy câu chuyện đời.

aa
Mỗi ngày chú Lê Hữu Châu và Nguyễn Văn Thuận chỉ bó được 5-10 cây chổi, thu nhập từ 10-20 ngàn đồng.

Người xưa có câu “Giàu đôi con mắt, khó hai bàn tay”, ý nói sự giàu - nghèo, sướng - khổ của con người từ đôi mắt, bàn tay mà ra. Mò mẫm trong thế giới không sắc màu, hành trình mưu sinh của những người khiếm thị lắm những khó khăn, vất vả.

VẤT VẢ MƯU SINH

Người dân TP. Mỹ Tho không xa lạ khi nhìn thấy người đàn ông mù tay cầm xấp vé số, tay kia cầm gậy đi bán vé số khắp các nẻo đường TP. Mỹ Tho. Người đàn ông ấy tên Bùi Duy Kích, ngụ phường 4, TP. Mỹ Tho. Anh bị mù từ nhỏ, nhìn tất cả mọi thứ trong cuộc đời chỉ một màu đục đục, trăng trắng. Mỗi ngày anh Kích bán được gần 100 tờ vé số, nhưng không phải ngày nào anh cũng gặp may mắn.

Có hôm bán không hết, có khi bị gạt mất hết vé số. Anh Kích bùi ngùi: “Cuộc sống có nhiều người tốt, nhưng cũng có người xấu. Nhiều người mua vé số nhưng lại lấy nhiều hơn số tờ mua, có người còn tráo vé số xổ rồi…”.

Hơn 10 năm trước, anh Kích se duyên với một người phụ nữ nghèo ngụ chung phường. Vợ anh ai thuê gì làm nấy, những hôm không ai thuê chị đi bán vé số cùng anh. Chẳng may trong một cơn bạo bệnh chị đã để lại cho người chồng mù đứa con thơ dại. Giữa cái nắng như đổ lửa hay dưới cơn mưa rả rít, anh Kích dò dẫm từng bước chân bán từng tờ vé số, mong sao có đủ tiền lo cho con ăn học.

Lần từng sợi cước, cọng ngoe dừa, bó từng cây chổi vừa khéo léo vừa chắc chắn, chú Lê Hữu Châu xúc động kể về cuộc sống mưu sinh của mình:

“Chú hoàn toàn không thấy ánh sáng cách nay đã 20 năm vì teo gai thần kinh thị giác và xuất huyết võng mạc. Lúc đó tinh thần chú suy sụp hoàn toàn do rơi vào khoảng không bóng tối dày đặc, không biết ngày hay đêm, cuộc sống xung quanh chẳng còn màu sắc, hình khối. Hàng ngày chú phụ vợ nấu sữa đậu nành đẩy xe đi bán khắp nơi. Cuộc sống chẳng khá hơn mà sức khỏe cả 2 vợ chồng ngày một kém, không còn đi bán được nữa”.

Vừa kể đến đây, 2 hàng nước mắt của chú Châu lăn dài qua cặp kính đen và giọng trầm buồn như thể đang chạm tay vào nỗi đau: “Cũng may vợ chồng tôi không có con, nếu có không biết làm sao lo cho con. Gần 1 năm nay tôi được Hội Người mù TP. Mỹ Tho hướng dẫn bó chổi và tạo việc làm, kiếm thêm thu nhập hàng tháng khoảng 400 ngàn đồng…”.

Dò dẫm đơn độc giữa cuộc đời, không muốn làm gánh nặng cho gia đình, chú Nguyễn Văn Thuận từ huyện Cái Bè xuống TP. Mỹ Tho tìm việc. Chú Thuận chia sẻ: “Trong một lần đi vác lúa mướn, chú bị tai nạn và bị mù đôi mắt khi mới 30 tuổi. Gần 30 năm sống trong cảnh tối tăm chú làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Biết Hội Người mù TP. Mỹ Tho có thành lập tổ bó chổi nên chú xin vào làm. Mỗi ngày chú bó được gần 10 cây chổi, thu nhập 20 ngàn đồng”.

VƯỢT LÊN SỐ PHẬN

Trời lấy đi đôi mắt sáng của họ, nhưng bù lại họ thể hiện sự kiên trì, bền bỉ, đôi bàn tay khéo léo, vượt qua mặc cảm, tự tin bước vào đời để kiếm sống bằng nhiều nghề như: Xe nhang, bó chổi, bán vé số, xoa bóp - massage…

 Anh Trần Quốc Thắng thu nhập mỗi ngày gần 40 ngàn đồng từ nghề bó chổi.
Anh Trần Quốc Thắng thu nhập mỗi ngày gần 40 ngàn đồng từ nghề bó chổi.

Khi lên 10 tuổi, đôi mắt của chị Nguyễn Thị Thu Hằng (quê xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo) mờ dần rồi hoàn toàn không nhìn thấy. Suy sụp tinh thần trong một thời gian, chị Hằng đã lấy lại niềm tin trong cuộc sống, bởi chị nghĩ:

“Cuộc sống còn biết bao số phận kém may mắn hơn mình, nhưng họ vẫn vui sống và trở thành người có ích”. Chị Hằng tự tin đăng ký tham gia các lớp dạy nghề do Hội Người mù tỉnh tổ chức, học chữ nổi Braille dành cho người mù. Hiện tại, chị Hằng là nhân viên xoa bóp - massage tại trụ sở Hội Người mù tỉnh, hàng tháng thu nhập từ 600 - 700 ngàn đồng, chị gửi về phụ giúp gia đình. Chị Hằng ước mơ mở được tiệm xoa bóp - massage nho nhỏ để tạo việc làm cho mình và những người có cùng cảnh ngộ.

Anh Trần Quốc Thắng ngụ xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho bắt đầu làm quen với bóng tối cách nay hơn 10 năm. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, là trụ cột của gia đình bỗng nhiên bị mù lòa, anh Thắng không tránh khỏi nỗi niềm chán nản. Nhờ sự động viên của nhiều người, đặc biệt là vợ và 2 con, anh Thắng đã lấy lại niềm vui dù trước mắt anh chỉ là một màu đen.

Anh Thắng cho biết: “Nhờ số vốn vay từ Hội Người mù, tôi mua nguyên liệu về bó chổi tại nhà, đem bỏ mối ở các tiệm. Mỗi ngày tôi bó được gần 20 cây chổi, thu nhập gần 40 ngàn đồng. Vợ tôi thì đi làm thuê, lo cho 2 con, khi rảnh phụ tôi bó chổi. Để được như ngày hôm nay, tôi luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan trong cuộc sống…”.

Cuộc sống của anh Thắng hiện vẫn còn khá vất vả nhưng rất đầm ấm, hạnh phúc: 2 đứa con chăm ngoan, học giỏi và người vợ hết mực yêu thương gia đình, giúp anh vượt qua những bất hạnh của nghịch cảnh mù lòa.

*   *
*

Người mù có quyền tự hào vì họ có thể kiếm ra tiền, nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình. Với sự đùm bọc của các nhà hảo tâm và ý chí tự lập của bản thân, nhiều người khiếm thị không chỉ tìm lại được niềm tin trong cuộc sống mà còn tạo được hạnh phúc riêng, xây dựng tổ ấm từ trong khó khăn để tiếp tục hy vọng vào tương lai.

                                P. MAI

(Còn tiếp)

.
.
.