Thứ Sáu, 20/11/2015, 06:03 (GMT+7)
.

Sức sống làng bè

Nghề nuôi cá bè trên sông Tiền manh nha lần đầu tiên vào những năm 1990. Lúc này những người từ An Giang, Đồng Tháp đến Mỹ Tho bán cá bằng ghe đục thấy tiềm năng sông Tiền có thể nuôi cá bè nên nảy sinh ý định nuôi.

Nghề nuôi cá bè trên sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Có một thời số lượng bè nuôi cá tăng lên nhanh chóng, đó là vào khoảng giữa những năm 2000. Từ chỗ chỉ có vài chục cái đã tăng lên khoảng 1.400 cái bè.

Không chỉ tập trung ở cù lao Tân Long, bè cá dần được lan rộng đến xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), Ngũ Hiệp (Cai Lậy). Vậy là đến nay, nghề nuôi cá bè trên sông Tiền đã ngót nghét hơn 20 năm, với những bước thăng trầm, sóng gió cũng tựa như những con nước lớn ròng, lúc lên lúc xuống theo thủy triều của dòng sông Tiền.

Những năm gần đây nghề nuôi cá bè có phần chững lại do hiệu quả kinh tế không cao như trước trong khi môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm. Thế nhưng, rất nhiều người nuôi vẫn còn bám trụ.

1. Hàng trăm bè cá được neo đậu san sát nhau bên bờ cồn Thới Sơn, nhìn từ cầu Rạch Miễu.

2. Phần lớn đối tượng được người dân nuôi hiện nay là cá điêu hồng. Sau thời gian thả giống, ít nhất 6 tháng người nuôi bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, do môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm dễ dẫn đến dịch bệnh, cá chậm lớn nên thời gian thu hoạch thường chậm hơn so với trước đây.

3. Sau thời gian nuôi, cá có trọng lượng gần 1 kg, người dân bắt đầu thu hoạch. Thông thường người nuôi bán qua thương lái ngay tại bè. Thương lái sẽ có đội ngũ đến tận bè để thu hoạch. Giá cá điêu hồng bán tại bè hiện tại dao động từ 32.000 - 35.000 đồng/kg.

4. Những năm gần đây, do cá điêu hồng có giá bán thấp và khó tiêu thụ, người dân đã chuyển sang nuôi một số đối tượng khác như cá rô phi Đài Loan, cá ba sa, cá lóc...

KHÁNH LINH (thực hiện)

.
.
.