Thứ Sáu, 05/02/2016, 12:57 (GMT+7)
.

Tết và nỗi niềm của những người con Gò Công xa quê

Tết đến là dịp để mọi người trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau hưởng một mùa xuân đầm ấm, vui tươi sau những tháng ngày mưu sinh vất vả. Tuy nhiên, vẫn còn đó những người con của vùng đất Gò Công tết đến, xuân về họ vẫn lặng lẽ với cuộc hành trình mưu sinh nơi đất khách...

Chiếc ghe nhỏ là mái nhà che nắng che mưa của anh Bùi Thanh Phong  và gia đình.
Chiếc ghe nhỏ là mái nhà che nắng che mưa của anh Bùi Thanh Phong và gia đình.

Nỗi niềm xa quê

Trong không khí tết cận kề, từng dòng người bắt đầu hối hả đổ về quê để đón năm mới. Ai cũng mong có được một cái tết đầm ấm bên người thân và gia đình, cầu chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Trái ngược với điều này là hình ảnh một số người con vùng đất Gò Công hàng ngày vẫn lặng thầm mưu sinh nơi “rừng thiêng nước độc”.

Chúng tôi tìm đến Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh), nơi một số người con xứ Gò Công làm ăn, sinh sống. Trái hẳn với không khí rộn ràng, tất bật của nhiều gia đình khi tết đến, những ngày này đối với những người mưu sinh trên sông nước ở Rừng Sác vẫn cứ trôi qua lặng lẽ.

Đến thăm anh Trần Văn Luận (34 tuổi, ngụ ấp Hòa Thạnh, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây) lúc trời tắt nắng, khi anh Luận đang hì hục phía sau mui ghe để nấu bữa cơm chiều, mấy đứa trẻ thấy người lạ nên rụt rè, ngơ ngác đứng nhìn. Anh Luận cho biết, gia đình anh kéo nhau đến miệt Rừng Sác này được hơn 5 năm.

Trước đây do nhà không có đất sản xuất, gia đình anh sống chủ yếu bằng nghề đặt nò ở ven sông. Tuy nhiên, việc kiếm con tôm, con cá mỗi ngày một khó, cùng với đó là dụng cụ thường xuyên bị mất cắp nên gia đình anh quyết định khăn gói đến Rừng Sác để mưu sinh, với hy vọng sẽ có một cuộc sống tốt hơn.

Anh Phạm Văn Dũng đang cân tôm, cá cho thương lái.
Anh Phạm Văn Dũng đang cân tôm, cá cho thương lái.

Gắn bó hơn 5 năm với đất rừng nơi đây, chỉ có 1 lần anh về quê ăn tết và nó cũng đã cách nay 4 năm. Cũng vì cuộc sống nên gia đình anh nhiều lần lỗi hẹn với quê nhà, lặng lẽ đón tết nơi đất khách. “Năm nay gia đình tôi sẽ không về quê ăn tết, cuộc sống còn khó khăn quá nên phải tranh thủ những ngày tết để kiếm thêm chút ít. Đã mấy năm ăn tết xa nhà thành ra cũng quen và đỡ buồn hơn trước” - anh Luận trải lòng.

Đón tết nơi xứ người ít nhiều ai cũng chạnh lòng, có lẽ niềm an ủi lớn nhất của anh Luận chính là sự có mặt đầy đủ các thành viên trong gia đình nhỏ yêu thương của mình. Đứa con trai lớn của anh đang đi học tiểu học ở quê, sau khi nghỉ tết đã được anh rước theo để cùng gia đình đón năm mới.

“Con nhớ em với cha mẹ nhiều lắm, nên vừa được nghỉ tết là con đòi ông bà ngoại đưa qua đây liền” - con anh Luận cho biết. Theo những người đang mưu sinh ở Rừng Sác thì Tết Nguyên đán năm nay có khoảng 20 hộ ở Gò Công không về quê đón tết.

Chúng tôi lại tiếp tục len lỏi vào sâu trong rừng đước để đến được nơi neo đậu ghe của anh Bùi Thanh Phong (ngụ ấp 5, xã Bình Xuân, TX. Gò Công). Giữa bốn bề là rừng, chiếc ghe nhỏ nằm chơi vơi trên sóng nước, đó cũng chính là mái ấm của anh Phong.

Cuộc sống đưa đẩy anh dạt đến vùng đất Cần Giờ này hơn 4 năm nay với nghề đặt mực. Trước kia, gia đình anh sinh sống bằng nghề đóng đáy ở Gò Công. Tuy nhiên, dù đã cố gắng nhưng cuộc sống cũng không đủ no ấm, nên gia đình nhỏ của anh quyết định đến Rừng Sác để mưu sinh.

Ở Rừng Sác, ngoài việc đặt mực anh còn soi nha, giăng câu để kiếm thêm thu nhập. Những chuỗi ngày ở rừng là những ngày bận rộn, hiếm khi có thời gian rảnh rỗi. Thế nên, đã 3 năm nay gia đình nhỏ của anh chưa một lần về quê ăn tết, không được hưởng không khí ấm cúng, rộn ràng của những ngày xuân ở quê nhà. Một mùa xuân nữa lại về và năm nay gia đình anh vẫn tiếp tục ở lại rừng đón tết.

Cũng như mọi năm, trong lúc nhiều gia đình sum vầy bên mâm cơm tất niên thì anh lại lặng lẽ với những sở nò, bung của mình. Anh Phong bày tỏ: “Ở rừng ăn tết buồn lắm, chỉ vợ chồng con cái mà thôi, nhưng cũng phải ráng vì cuộc sống và tương lai của con cái.

Những ngày Tết thu nhập từ việc đặt mực sẽ nhiều hơn do nhu cầu của thị trường tăng cao. Bình thường thì mỗi ngày kiếm được từ 200 - 300 ngàn đồng, ngày tết có thể tăng lên từ 400 - 500 ngàn đồng”.

Mong ngày mai tươi sáng hơn

Mùa xuân là mùa của sum họp, của những yêu thương mọi người dành cho nhau và là mùa của những người con xa xứ tìm về với mảnh đất quê hương của mình để cùng người thân đón chào năm mới. Tuy nhiên, vì cuộc mưu sinh mà một số người con vùng đất Gò Công phải đón xuân nơi đất khách, cố gắng làm lụng để hy vọng có một tương lai tươi đẹp hơn.

Ở cái chốn bốn bề là rừng nên việc đón tết còn nhiều thiếu thốn. Cuộc sống hàng ngày đã lắm khó khăn nên tết đến cũng không ngoại lệ. Anh Phạm Văn Dũng (ngụ ấp Thọ Khương, xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây) cho biết:

“Thật sự mà nói tết ở đây cũng như ngày thường thôi, giữa chốn hoang vu này làm gì có không khí tết. Ngày cuối năm thì cũng gửi người ta mua ít trái cây về chưng, mua ký thịt về xào nấu cúng thế là xong ba ngày tết”.

Có lẽ không nơi nào tết mà lại buồn như ở rừng, không có không khí chộn rộn mua sắm, không bánh mứt, hiếm có một cuộc gặp gỡ, giao lưu và đôi ba lời chúc đầu năm mới. Các gia đình đều lặng lẽ neo đậu ghe ở khúc sông riêng của mình.

“Lúc trước đón tết ở quê thì thấy rộn ràng lắm, ở đây thì buồn thôi khỏi nói. Giữa rừng không có chợ nên thiếu thốn đủ thứ. Tết vẫn làm như ngày thường, đâu có bỏ được” - anh Phong chia sẻ. Những người con vùng đất Gò Công đến Rừng Sác mưu sinh đều có chung một niềm mong ước, đó là có cuộc sống tốt đẹp hơn. Anh Dũng bày tỏ: “Hy vọng năm mới làm ăn sẽ thuận lợi, cuộc sống ổn định hơn để còn về quê đón tết, đã lâu rồi không được cảm nhận hương vị tết quê nhà”.

Việc mưu sinh ở Rừng Sác ngày càng khó khăn do nhiều người đổ xô đến rừng đế đánh bắt tôm, cá. Thế nên hầu hết những người con miệt Gò Công đều có mong muốn là sẽ tích góp được chút ít để sau này về quê tìm kế sinh nhai chứ không thể sống dựa mãi vào rừng được.

“Tôi chỉ mong mình có nhiều sức khỏe để làm vài ba năm nữa, tích cóp được một số vốn rồi về quê chăn nuôi, chứ tôm, cá bây giờ không còn nhiều nữa” - anh Luận bày tỏ niềm mong ước trong những ngày chuẩn bị đón xuân sang.

Trong hành trình mưu sinh đầy gian khó của những người con xứ Gò Công nơi đất khách, dù không được hưởng mùa xuân trọn vẹn, nhưng chính sự cần cù, chịu thương chịu khó của họ sẽ mang đến cho mùa xuân niềm tin yêu, lạc quan trong cuộc sống.

MINH THÀNH

.
.
.