Thứ Sáu, 03/07/2020, 10:35 (GMT+7)
.

Chuyện trầu cau xưa và nay

Tục ăn trầu của người Việt có từ rất sớm, do đó mới có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Ngày xưa, khách tới nhà, đầu tiên gia chủ đem trà nước và cơi trầu ra tiếp. Vừa trò chuyện, chủ và khách lấy một lá trầu, têm một chút vôi, quấn quanh một miếng cau chẻ nhỏ rồi cho vào miệng nhai. Đặc biệt, trong văn hóa người Việt, trầu cau là lễ vật không thể thiếu trong các sự kiện trọng đại như cúng tế, cưới hỏi. Ngày nay, với lối sống hiện đại, tục ăn trầu dần biến mất và nét văn hóa “Miếng trầu là đầu câu chuyện” cũng dần phai nhạt.

Bà Tỷ có 59 năm gắn bó với nghề buôn bán trầu cau trên đất Mỹ Tho.
Bà Tỷ có 59 năm gắn bó với nghề buôn bán trầu cau trên đất Mỹ Tho.

TỤC ĂN TRẦU VÀ VĂN HÓA TRẦU CAU

Theo sách sử thì tục ăn trầu của người Việt có từ thời Hùng Vương qua truyện “Sự tích trầu cau”. Ngày xưa, ăn trầu là nghi thức xã giao nên tục ngữ có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Khách tới nhà, đầu tiên gia chủ đem trà nước và cơi trầu ra tiếp. Trong lúc nói chuyện, chủ và khách lấy một lá trầu, têm một chút vôi, quấn quanh một miếng cau chẻ nhỏ rồi cho vào miệng nhai. Trầu, cau, vôi hợp lại cho ra nước cốt màu đỏ sậm, gọi là cổ trầu. Có người còn dùng thêm tí thuốc xỉa, chà xát vào răng, giúp cho tinh thần hưng phấn.

 

Sách “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức chép về tục Tết Nguyên đán ở Nông Nại xưa như sau: Ngày trừ tịch, ở trước cửa mọi nhà đều dựng một cây tre, trên ngọn buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu, cau, vôi. Bên cạnh cái giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là dựng nêu và kéo dài cho tới ngày Mùng 7, tháng Giêng mới hạ nêu. Trong những ngày Tết thì nợ nần không được đòi. Ở Gia Định, khi khách đến nhà, đầu tiên gia chủ bày trầu cau, sau mới dọn tiếp cơm bánh, thết đãi chu đáo, không kể là người thân sơ, quen lạ, tất cả đều được tiếp đãi đàng hoàng. Bởi vậy, người đi chơi Tết không cần đem theo lương thực...

Trầu cau cũng được nhắc đến nhiều trong văn thơ xưa. Hồi đầu thế kỷ XX, Nguyễn Liên Phong trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca đã xếp cây cau là sản vật số 1 của Biên Hòa: “Thổ sản thứ nhứt là cau/Cau khô xứ ấy ăn lâu đẹp tình” và “Tốt thay phong cảnh Tân Triều/Bông huê cây trái vật nhiều món xinh/Trầu, cau, cam, bưởi, quýt, chanh/Măng, thơm, chuối, mít, vật lành lợi dân”.

Văn hóa trầu cau xưa rất quan trọng nên trong lễ cưới, hỏi nhà gái thường đòi nhà trai phải có mâm trầu như là điều kiện bắt buộc. Ngoài khay trầu rượu dùng để rót ra chum nói chuyện lễ nghĩa, thì đám cưới xưa có 3 món không thể thiếu là mâm trầu, đôi đèn để cúng tổ tiên và đôi bông tai cho cô dâu. Mâm trầu xưa được xếp 99 lá, bên trên để một buồng cau được phủ khăn vải đỏ. Theo quan niệm của người xưa, 99 và 66 lá trầu tượng trưng cho trời và đất. Vì vậy, ngày xưa các chủ xe, tàu kiêng cử, không chịu chở mâm trầu. Do vậy nhà trai phải xách trầu, cau đem theo, khi tới nhà gái mới xếp ra mâm.

Têm trầu cũng là một nghệ thuật. Têm ít vôi quá thì nhạt, nhưng nhiều vôi sẽ mặn và gây phỏng miệng. Ăn trầu nếu không có cau tươi thì có thể dùng cau khô ngâm nước. Nhưng không có vôi thì không thể gọi là ăn trầu. Đọc Địa bạ Minh Mạng xưa thấy, một làng ở Nam bộ có khi diện tích trồng cau bằng 1/10 diện tích lúa. Cau nhiều quá ăn không hết, khi chín rụng xuống, gọi là cao tầm vung. Người ta lột vỏ lấy ruột xắt mỏng đem phơi để dành, hoặc lấy chất Tannin làm thuốc bắc và thuộc da. Trầu thì đem bỏ vào nồi đất rang, để xuất sang Đài Loan. Vì vậy, khi nói về tỉnh Định Tường, Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, có đoạn:

“Lịch thay phong thổ Ba Dừa,
Vườn cây hai phía nhặt thưa cả ngàn.
Cau tầm vung, với trầu rang,
Bông hoa lợi lộc dễ dàng dinh sanh”.

 

THÚ CHƠI SƯU TẬP BÌNH VÔI

Vì tục ăn trầu nên ngày xưa nhà nào cũng có bình vôi, bất kể sang hèn. Cũng giống như ông Táo, gần giáp Tết người ta đem bình vôi ra để dưới gốc cây gừa, cây sộp cạnh đình, miễu, dinh thổ thần rồi dặn đám con nít không được giẫm đạp lên. Thỉnh thoảng có đứa vì lý do nào đó bị sưng bàn chân thì cha mẹ liền vái ông Táo, ông Bình Vôi cúng nồi chè. Còn bây giờ, sưu tập bình vôi cũng là một thú chơi.

Ông Trương Ngọc Tường (ở TX. Cai Lậy) khoe, trong bộ sưu tập hàng ngàn món đồ cổ của ông thì có đến hơn 100 chiếc bình vôi xưa độc lạ và đa dạng về chủng loại, kiểu dáng.

Theo ông Tường, bình vôi của người Việt xưa có loại hình ống, bằng đồng, có nắp đậy, có loại bằng gốm, sành, sứ. Người Khơ-me, Chăm thì có bình vôi dạng hình tháp, chất liệu bằng đồng, thau. Khoảng thế kỷ XVIII, XIX, các lò gốm ở nước ta làm nhiều loại bình vôi có dạng giống như trái cau, có quay xách, miệng nhỏ nằm ở một bên. Trong số này có bình vôi Bát Tràng quai đắp hình con tôm, rồng, phượng, mai hạc, hoặc ẩn họa những câu thơ chữ Hán, Nôm bây giờ rất hiếm.

Ngoài bình vôi của người Việt thời Lê, bình vôi Châu Ổ, bình vôi Bát Tràng, bình vôi Chăm, Khơ-me, Thái... ông Tường còn sưu tập đủ bộ dụng cụ ăn trầu của người Việt như ô trầu, chìa vôi, ống ngoáy, dao bổ cau, hộp đựng thuốc xỉa, ống nhổ…

Ông Tường cho biết, có cái “ống vôi” nhỏ tẹo bằng đầu đũa được ông đem đi trưng bày triển lãm nhiều nơi mà không đụng hàng. Có cái “ống vôi” làm bằng ngà, mà theo ông Tường, quan chức thời xưa dùng để khử độc, khi bỏ vôi vào, nếu có độc thì sẽ bị ố màu, sủi bọt. Bởi vậy có câu ca dao:

“Ăn trầu thì mở giỏ ra
Một là thuốc độc hai là mặn vôi”.

50 NĂM ĐI “BÁN ĐẦU CÂU CHUYỆN”

Khi tục ăn trầu còn thịnh trong dân gian và nét văn hóa “Miếng trầu là đầu câu chuyện” còn thấm đượm thì việc mua bán trầu cau là 1 nghề phổ biến ở trung tâm giao thương Mỹ Tho. Bà Mai Thị Tỷ, 76 tuổi, ngụ phường 2, TP. Mỹ Tho là 1 trong những lái buôn trầu cau ở đất Mỹ Tho xưa kia nay vẫn còn gắn bó với nghề. Bà Tỷ kể, quê bà ở tận miệt Phú Mỹ (huyện Tân Phước ngày nay).

 

 

Năm 17 tuổi, bà được mai mối gả vào nhà buôn trầu cau ở TP. Mỹ Tho và cũng từ thời điểm này bà bước vào nghề cho tới nay đã 59 năm. “Hồi đó đâu chỉ có người già mới ăn trầu, mà người trẻ khi mới trưởng thành hầu như ai cũng có thể mom mem miếng trầu. Trầu cau còn là lễ vật trong tất cả các đám tiệc và sự kiện trọng đại. Vì vậy, buôn bán trầu cau cũng dễ kiếm ăn nên có nhiều người làm nghề. Hồi đó, tôi có vựa cau ở chợ Hàng Bông. Hàng từ các nơi đem đến tấp nập và bán cũng “ngon ăn”. Ngoài bán cho người dân sử dụng thì mối chính của tôi là mua đi miền Bắc và bán qua tận xứ Đài Loan, Trung Quốc. Người ta mua cau thiên (1 thiên bằng 1.000 trái), cau giạ chứ không ai mua cau chục trái như bây giờ. Giờ thì ngày càng ít người mua trầu cau, có khi ngồi bán cả ngày mà chẳng ai hỏi tới, bởi vậy, tôi phải lấy thêm vài chục tờ vé số để bán kiếm thêm” - bà Tỷ chia sẻ. 

Theo bà Tỷ, tùy theo phục vụ mục đích gì mà trầu cau có quy cách của nó. Chẳng hạn như đám cưới, hỏi thì mâm trầu cau phải đầy; trong đó, buồng cau có cuống phải còn nguyên mép (tức là giữ nguyên bộ phận tách từ thân cây ra), phải sai trái, quả tròn đẹp và ruột cau phải dẻo (không non cũng không già); lá trầu cũng phải tươi nguyên. Trong khay trầu rượu đám hỏi phải có 4 miếng trầu và đám cưới là 6 miếng trầu.

“Tuy nhiên, bây giờ, yêu cầu của người mua trầu cau đám cưới, đám hỏi đã đơn giản hơn xưa rất nhiều. Có đám chỉ mua vài chục quả cau, rồi bó thành chùm chứ không cần nguyên buồng và trầu thì chỉ vài xấp… cho có, thậm chí có người chỉ mua mấy miếng trầu têm sẵn mang về. Hay có đám cưới còn không mua mâm trầu cau mà thuê mâm trầu cau làm bằng nhựa tại mấy tiệm cho thuê đồ cưới chỉ để đủ mâm lễ chụp hình cho đẹp… ” - bà Tỷ nói.

Ngày nay, hầu như không còn mấy ai ăn trầu nên trầu cau chỉ bán cho người mua về cúng kiến, lễ lộc, vì vậy cả chợ Mỹ Tho giờ chỉ có 3 người bán trầu cau và bà Tỷ là người có thâm niên lâu nhất. Nghề buôn trầu cau cơm gạo ngày xưa giờ không nuôi nổi tấm thân nhưng bà Tỷ vẫn không từ bỏ.

“Tôi già rồi, biết đổi sang nghề gì bây giờ. Cứ theo cái nghiệp này mà sống cho tới cuối đời” - bà Tỷ chia sẻ. Cứ thế, mấy chục năm qua, dù nắng hay mưa, hằng ngày, bà Tỷ vẫn ngồi bên lề đường Nguyễn Trãi, phường 7, TP. Mỹ Tho bán từng trái cau, lá trầu cho khách thập phương.

MINH ANH

.
.
.