Thứ Sáu, 11/09/2020, 08:28 (GMT+7)
.

Chuyện về người đưa chiếu Việt vươn xa

Vùng châu thổ sông Cửu Long xưa có những làng nghề thủ công độc đáo. Trải qua bao biến cố thăng trầm, có những làng nghề đã dần mai một và nghề dệt chiếu cũng không ngoại lệ. Ấy vậy mà ở Tiền Giang, vẫn có một doanh nhân không chỉ duy trì nghề dệt chiếu truyền thống, mà còn đưa chiếu Việt ra thị trường thế giới. Đó là ông Trần Đức Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vĩnh Thuận, chuyên sản xuất chiếu ở xã Song Thuận, huyện Châu Thành.

SẢN XUẤT KHÔNG KỊP TRONG MÙA DỊCH

Ông Tuấn cho biết, giữa lúc cả thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến không ít ngành nghề, doanh nghiệp lớn nhỏ ngừng sản xuất, thậm chí phá sản nhưng công ty ông không bị ảnh hưởng mà ngược lại phải tăng thêm công suất mới có đủ sản phẩm cung ứng
cho thị trường.

Dệt chiếu bằng máy tự động cho năng suất cao, chất lượng đồng đều tại Công ty TNHH MTV Vĩnh Thuận.
Dệt chiếu bằng máy tự động cho năng suất cao, chất lượng đồng đều tại Công ty TNHH MTV Vĩnh Thuận.

Chuyện nghe hơi lạ, nhưng ông Tuấn giải thích: “Hiện nay, để ứng phó với dịch Covid-19, các địa phương trong nước đã triển khai nhiều khu cách ly y tế tập trung ở các doanh trại quân đội, trường học. Do vậy nhu cầu chiếu cá nhân tăng cao, trong khi khả năng của doanh nghiệp có hạn. Tôi ví dụ như những năm trước, sản lượng của công ty tính luôn xuất khẩu, mỗi năm đạt khoảng 2,7 triệu chiếc, thì năm nay tăng thêm khoảng nửa triệu chiếc nữa nên phải tăng công suất mới đáp ứng đủ”.

Doanh nhân Trần Đức Tuấn không chỉ tâm huyết với nghề dệt chiếu truyền thống và sản xuất, kinh doanh giỏi, mà còn được biết đến là người giàu lòng nhân ái với những đóng góp kinh phí cho Trung tâm Công tác xã hội Tiền Giang, hỗ trợ người nghèo. Nỗ lực của ông Tuấn đã được Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Tiền Giang biểu dương người tốt việc tốt trong đồng bào Công giáo tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.

Sản lượng tăng thì nhu cầu nguyên liệu cũng tăng, nhưng theo ông Tuấn, năm nay do hạn, mặn kéo dài nên vùng nguyên liệu bị ảnh hưởng nặng nề. Năng suất giảm, giá nguyên liệu tăng trong khi giá sản phẩm chiếu bán ra trong nước cũng như xuất khẩu đều ít thay đổi, nhưng công ty vẫn phải duy trì sản xuất để giữ khách hàng.

Nhiều năm nay, thị trường xuất khẩu chủ yếu của Công ty TNHH MTV Vĩnh Thuận vẫn là Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu so với năm trước thì sản lượng xuất khẩu năm 2019 của công ty đã tăng lên gấp đôi, khoảng 300 ngàn chiếc chiếu các loại, đạt khoảng 3 triệu USD. Trong đó, thị trường Hàn Quốc chiếm nhiều nhất, khoảng 80%, chủ yếu là thảm lót sàn và chiếu thêu vi tính.

“Dù chịu tác động của tình hình dịch bệnh nhưng công ty vẫn sản xuất không kịp theo yêu cầu của khách hàng. Chẳng hạn như hiện nay, trung bình mỗi tháng công ty xuất đi từ 12 đến 18 container, mặt hàng chủ yếu là thảm lót, chiếu lục bình và chiếu u du. Các mặt hàng này của công ty đang có nhu cầu rất lớn nhưng chúng tôi làm không kịp. Lý do là chiếu u du hiện nay trong nước còn rất ít người dệt. Hơn nữa nguồn nguyên liệu cây u du bây giờ cũng rất hiếm” - ông Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, ở thị trường nội địa, hai khách hàng truyền thống, chiếm số lượng lớn của Công ty TNHH MTV Vĩnh Thuận vẫn là các đơn vị Quân đội và Công an, với nhu cầu khoảng vài triệu chiếc mỗi năm. Riêng năm nay, nhu cầu của một số đơn vị Quân đội có tăng thêm để cung ứng cho các khu cách ly trong mùa dịch bệnh.

NẶNG NỢ VỚI NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Ông Tuấn cho biết, dệt chiếu là nghề truyền thống của gia đình, do cha ông đem từ quê hương Ninh Bình vào Nam. Trước năm 1990, gia đình ông làm chiếu xuất khẩu sang thị trường Liên Xô và Đông Âu cũ. Khi Liên Xô tan rã, thị trường bị đóng cửa, cha ông bỏ nghề. Thời gian sau đó, gia đình ông chỉ làm chiếu với số lượng ít, mỗi ngày đem bỏ mối ở các chợ vừa giữ nghề, vừa kiếm sống.

“Khoảng năm 1995, tình cờ có người quen từ Hàn Quốc về Việt Nam, biết cha tôi có nghề dệt chiếu, họ đưa hình mẫu cho xem rồi đặt làm chiếu ca rô khổ rộng xuất sang Hàn Quốc. Vậy là từ sự tình cờ, gia đình tôi khôi phục nghề làm chiếu trở lại. Lô hàng đầu tiên cha tôi giao được 3.000 chiếc chiếu với hình thức xuất ủy thác qua một đơn vị khác. Khách hàng vừa ý, sau đó họ quay lại đặt hàng liên tục, làm không kịp giao, bởi lúc bấy giờ chủ yếu là dệt chiếu thủ công” - ông Tuấn nhớ lại.

Để có đủ nguyên liệu sản xuất, ông Tuấn cho biết, lúc đó cha ông phải sang huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, để tìm mua cây lác. Đây là vùng nước lợ nên cây lác có ngọn xanh, gốc trắng, dệt chiếu ca rô rất đẹp. Trong khi cây lác trồng ở vùng Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, gốc, ngọn đều có màu xanh nên khi dệt không nổi được ca rô.

Tuy nhiên, đến năm 2001, đang làm ăn thuận lợi, thì kho hàng của gia đình ông Tuấn bị cháy rụi. Toàn bộ nguyên liệu và chiếu thành phẩm chuẩn bị xuất khẩu trong chốc lát bị biến thành tro. Sau khi xảy ra sự cố, mất hết vốn, cha ông chán nản bỏ nghề về quê làm vườn. Còn ông Tuấn thì đi làm tài xế xe tải chở hàng thuê nhưng thu nhập bấp bênh nên ông quay về gầy dựng lại nghề dệt chiếu.

Để khôi phục lại nghề truyền thống, ông Tuấn bắt đầu từ việc mua 3 máy dệt chiếu nhựa cũ của Nhật, khổ rộng 1 m, đem về cải tiến lại thành máy dệt chiếu lác, có thể dệt khổ rộng từ 90 cm đến 1,8 m. Thời gian đầu, ông làm hàng bỏ mối ở các chợ, rồi làm hàng gia công và xuất khẩu ủy thác qua một đơn vị khác.

Thấy sản phẩm đẹp, khách tìm tới đặt hằng ngày càng nhiều. Nhờ vậy, cơ sở dệt chiếu phát triển dần lên. Từ dệt thủ công bằng tay, mỗi khung dệt cần có 2 người, ông Tuấn tích lũy, dành dụm tiền trang bị máy dệt bán tự động, một người đứng dệt.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, loại máy này có nhược điểm là dệt chiếu không đẹp, công suất thấp. Mỗi ngày 1 máy chỉ dệt được 10 m chiếu, trong khi khách hàng đặt làm chiếu cuộn dài 20 m hoặc 40 m. Nếu để hôm sau dệt tiếp thì chiếc chiếu sẽ bị đổi màu giữa cũ và mới thành hai màu khác nhau. Vì vậy, ông Tuấn quyết tâm đầu tư, thay thế dần máy dệt bán tự động bằng máy dệt tự động.

Đến nay, Công ty TNHH MTV Vĩnh Thuận có hơn 200 máy dệt tự động, có thể dệt được chiếc chiếu dài 20 m hoặc 40 m. Ngoài chiếu lác, công ty của ông Tuấn còn làm chiếu lục bình, chiếu u du xuất khẩu theo yêu cầu của khách hàng.

“Làm chiếu lục bình khó hơn, vì dệt thủ công nhưng thiếu lao động có tay nghề. Những năm gần đây, lao động trẻ nông thôn hầu hết đều bỏ quê đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, chỉ còn lại những người trung niên, lớn tuổi, nhưng cũng không mấy thiết tha với nghề truyền thống. Mỗi khi có đơn hàng mẫu mới, công ty phải tổ chức hướng dẫn cho từng người và tạo điều kiện để người lao động có thu nhập mỗi ngày từ vài trăm ngàn đồng trở lên” - ông Tuấn nói.

Với tinh thần “kẻ có cơm người có cháo”, ông Tuấn cho biết, công ty luôn cố gắng hỗ trợ tối đa để người lao động theo nghề được với mình và có thu nhập đủ sống.

Hiện nay, ngoài số lao động trực tiếp làm việc tại công ty và các vệ tinh trong tỉnh Tiền Giang, số lao động làm nghề dệt chiếu thủ công và bán thủ công do công ty trực tiếp hướng dẫn, đào tạo ở các tỉnh Bến Tre, Long An và Đồng Tháp, tổng cộng khoảng 4.000 người.

MINH ANH - KIM THƯƠNG

.
.
.