Thứ Bảy, 05/09/2020, 09:51 (GMT+7)
.

Nghiện game online và những hệ lụy

Từ lâu, trò chơi điện tử (game online) đã trở nên quen thuộc và trở thành thú tiêu khiển, giải trí của nhiều người, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, thì game online sẽ vượt ra khỏi việc giải trí đơn thuần dẫn đến nghiện, làm sai lệch nhận thức, hành vi và lệch lạc về nhân cách của người chơi.

images1438949_IMG_521.jpg
HS-SV bị nghiện game online dẫn đến bỏ bê việc học hành đang trở thành thực trạng đáng lo. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. (Ảnh: Văn Thảo)

THỰC TRẠNG NGHIỆN GAME ONLINE

Nhiều người cho rằng, hiện nay đa số mọi người cũng như nhà nào cũng kết nối Internet, tự mua sắm máy vi tính hay điện thoại thông minh nên hình thức chơi game online cũng có nhiều thay đổi, không còn nhiều người đến các tiệm game để chơi game online. Tuy nhiên, qua ghi nhận tại các tiệm game từ nông thôn đến thành thị vẫn có không ít người, đa phần là học sinh, sinh viên (HS-SV) đến chơi game online. Nhiều tiệm game còn có đủ các món mì, phở, bánh ngọt, nước ngọt… phục vụ các “game thủ” trong cuộc chơi suốt ngày. Trong đó, việc nhiều HS-SV bị nghiện game online dẫn đến bỏ bê việc học hành đang trở thành thực trạng đáng báo động.

Theo lời khuyên của Thạc sĩ tâm lý Trương Minh Vĩnh, đối với những người đang dành quá nhiều thời gian chơi game online thì hãy giảm chơi game để dành thời gian chơi một môn thể thao nào đó. Những trò chơi vận động không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có tác dụng giúp giảm cơn nghiện đối với những người nghiện game online. Đây được xem là hình thức cai nghiện game online khá tốt vì những người chơi game thường hay ngồi lì một chỗ nay được vận động, giải trí, giao tiếp với bạn bè và mọi người xung quanh.

Cụ thể như trường hợp của em L.V.A., SV ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học C.T., đã không thể tiếp tục theo học tại trường chỉ vì nghiện game online.

Theo mẹ A., em học rất giỏi, nhưng đến khoảng năm 2 đại học, em thường xuyên nghỉ học để suốt ngày chơi game online trên máy vi tính hoặc điện thoại dẫn đến việc học hành sa sút. Từ khi nghiện game online, tính cách của A. hoàn toàn thay đổi, từ một người hoạt bát, vui vẻ em dần trở nên khó tính, lầm lì, cộc cằn, không tiếp xúc với mọi người, thậm chí A. còn mắng chửi nhiều người. Do đó, gia đình buộc phải đưa A. vào chữa trị chứng nghiện game online tại Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang.

Tương tự, em D. (sinh năm 2002, đang là học sinh lớp 8, ngụ tỉnh An Giang) cũng vừa được gia đình đưa vào chữa trị chứng nghiện game online tại Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang. Theo gia đình em D., chứng nghiện game online của D. rất trầm trọng. Mỗi khi đi học về là em lao vào phòng, đóng cửa lại chơi game online bất kể ngày đêm, quên cả ăn, ngủ, thậm chí đôi khi nghỉ học chỉ để chơi game.  Biết D. nghiện game online quá nặng, gia đình không cho em sử dụng máy vi tính hay điện thoại thì em la hét, lao vào tấn công cả chị và mẹ ruột của mình.

Hiện tại chưa có số liệu thống kê chính xác về số người nghiện game online, tuy nhiên số thanh, thiếu niên, HS-SV nghiện game online phải đến các trung tâm, bệnh viện điều trị có xu hướng ngày càng tăng cao.

NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ LỤY

Theo Thạc sĩ tâm lý Trương Minh Vĩnh, công tác tại Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghiện game online đối với lứa tuổi HS-SV nhưng nguyên nhân chính không ai khác là các bậc phụ huynh. Với sự phổ biến của mạng Internet và sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hầu như gia đình nào cũng có máy vi tính hay vài chiếc điện thoại thông minh. Nhiều gia đình sắm điện toại thông minh cho con để tiện liên lạc, học tập. Nhiều phụ huynh viện lý do bận làm ăn nên để con tự do làm bạn với máy vi tính hay điện thoại, không có sự kiểm soát về giờ giấc cũng như mục đích sử dụng. Đây chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trẻ nghiện game online, vượt tầm kiểm soát của ba mẹ. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do các em thiếu không gian vui chơi giải trí, không được quan tâm chơi đùa, cùng chia sẻ nên đến với game online để tìm niềm vui và nghiện lúc nào không hay biết. 

Không những vậy, mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội có lúc còn lỏng lẻo. Thực tế cho thấy, nhiều HS bỏ học cả tuần ngồi tại các tiệm game nhưng nhiều trường học không báo về cho gia đình khiến nhiều phụ huynh không biết để giáo dục và quản lý. Ngoài ra, nhiều SV sống xa gia đình, ở trọ không có người giám sát cũng là điều kiện khiến các em sa đà vào cuộc sống ảo trên mạng hay game online.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa I Võ Thị Chinh, Khu điều trị, Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang, thời gian qua, bệnh viện đã điều trị rất nhiều bệnh nhân mắc chứng nghiện game online, đa phần là trẻ vị thành niên, HS, bởi về mặt tâm lý các em chưa hoàn thiện, nhận thức chưa đầy đủ nên rất dễ bị nghiện game. Tất cả các em đều chung một triệu chứng là mất kiểm soát hành vi, mất ngủ, cộc cằn, thậm chí tấn công những người thân trong gia đình và đập phá đồ đạc do ảo giác nhân vật trong game. Nghiện game có thể dẫn đến bạo lực, thậm chí gây án vì một lúc nào đó người chơi không phân biệt được diễn tiến trong game và đời thực.

“Khi chơi game đến mức độ thành nghiện, trở thành bệnh lý thì sự khuyên nhủ của người thân là vô giá trị. Chữa trị bệnh nghiện game online theo “liệu pháp tâm lý nhận thức hành vi” đòi hỏi sự kỳ công, mất rất nhiều thời gian và sự hợp tác đồng thuận từ gia đình, người thân. Và từ thực tế điều trị, bệnh nhân rất dễ tái nghiện nếu không có sự quan tâm, chia sẻ từ gia đình” - bác sĩ Chinh cho biết.

Có thể nói, bản thân game online không có gì xấu nếu người chơi biết kiềm chế bản thân và xem đó như một kênh để giải trí, giảm stress. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ giới trẻ ngày nay đang lạm dụng game online để giết thời gian. Từ đó, game online trở thành một loại “ma túy” gây nghiện đang len lỏi qua từng chiếc điện thoại thông minh hay máy vi tính trong đời sống xã hội hiện nay.

Sức mê hoặc của nó là quá lớn khiến số người nghiện game online tăng nhanh và để lại những hệ lụy đáng tiếc. Đã đến lúc cần có sự chung tay của gia đình, xã hội và các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục và cả những biện pháp chế tài phù hợp để ngăn chặn tình trạng nghiện game đang có xu hướng tăng cao trong giới trẻ.

TUẤN LÂM

.
.
.